Cần khuyến khích ngư dân khai thác sứa biển

Cập nhật lúc 07:25, Thứ Tư, 07/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trước đây, tuy đã có nhiều địa phương sử dụng sứa biển làm thực phẩm, nhưng ở tỉnh ta bà con ngư dân chưa mặn mà với việc khai thác sứa biển do chưa có đầu ra cho sản phẩm này. Những năm lại đây, khi phong trào du lịch phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh ta, sứa biển được biết đến như một món đặc sản, với nhiều cách chế biến hấp dẫn được thực khách rất ưa thích.

Thực tế cho thấy, việc khai thác sứa biển có lợi nhiều mặt, vừa tạo thu nhập cho ngư dân, tạo việc làm cho các cơ sở dịch vụ, làm sạch môi trường biển, tạo thuận lợi cho các loại nghề khác sản xuất hiệu quả.

Ở tỉnh ta mùa sứa biển từ tháng 4 - 7 hàng năm, những năm được mùa như 2012 mùa sứa kéo dài gần 7 tháng và đến nay vẫn còn khai thác. Lưới đánh bắt sứa không cầu kỳ về kỹ thuật, chỉ dùng lưới 3 lớp cũ, loại chuyên đánh cá đuối a =10cm, những ngày sứa nổi bà con cho tàu chạy tốc độ chậm rồi dùng vợt để múc sứa.

Thu mua sứa biển ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch)
Thu mua sứa biển ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch)

Ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) hiện có gần 50 tàu đánh bắt sứa, mỗi tàu thu mỗi ngày từ 100 - 200 con sứa, trọng lượng mỗi con từ 5 - 25 kg, sau khi trừ chi phí mỗi lao động thu từ 300 - 500.000đ, nhiều ngày gặp sứa đi đàn mỗi người thu gần 1triệu đồng. Sứa biển sau khi thu mua được sơ chế cho vào bảo quản đông rồi xuất bán cho các cơ sở chế biến sứa trong và ngoài tỉnh, nó không chỉ tạo thu nhập cho người đánh bắt mà còn tạo việc làm cho nhiều đối tượng khác nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của xã hội.

Mặc dù vậy việc khai thác sứa chưa được coi trọng, bởi cho rằng đó không phải là một nghề chính, mặt khác nhiều người còn ngại làm sứa vì ngứa và tanh. Theo chúng tôi, so với khai thác rong biển thì đánh bắt sứa rất nhiều mặt lợi, khai thác rong biển lợi bất cập hại, phá vỡ sự phát triển tự nhiên của môi trường biển, nhiều loài cá, mực không còn nơi đẻ trứng, sinh sản, trong khi phải lặn sâu từ 5 - 7m mới khai thác được rong biển nhưng bà con vẫn đổ xô đi làm. Rõ ràng, sự thờ ơ với sứa biển của ngư dân dẫn đến thất thoát một nguồn thu khá lớn.

Tỉnh ta có bờ biển dài hơn 116km, trữ lượng sứa biển mỗi năm là không nhỏ, tuy nhiên chỉ mới có một số địa phương ở vùng Roòn, Thanh Khê, Lý Hoà, Đồng Hới tổ chức khai thác, chế biến và cũng chỉ mới khai thác ở làn nước gần bờ.

Để nhận rõ ích lợi và phát triển việc khai thác sứa biển, các địa phương, sở,  ngành cần phối hợp tuyên truyền và tạo nhiều điều kiện khuyến khích người dân đẩy mạnh liên doanh liên kết, sản xuất và tiêu thụ nhằm tận thu nguồn lợi kinh tế từ sứa biển, vừa góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập vừa tham gia giải quyết vấn đề môi trường và tăng hiệu quả cho nhiều loại nghề khác khi lượng sứa biển hàng năm được chú trọng tổ chức đánh bắt.

                                                                       Nguyễn Tiến Nên  










 

,
.
.
.