Triển vọng Tú Làn

Cập nhật lúc 07:44, Thứ Năm, 08/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau những phát hiện ban đầu vào tháng 7-2009 của anh Đinh Hồng Nhâm- một người dân xã Xuân Hóa, đến nay hệ thống hang động Tú Làn ở xã Tân Hóa (Minh Hóa) được khám phá và đã trở thành tuyến du lịch thám hiểm rất lý thú, mở ra cho Minh Hóa hướng đi mới trong việc khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế...

Chương trình được Công ty Oxalis thử nghiệm bắt đầu từ tháng 11-2011, và đến nay Oxalis đã tổ chức 15 chuyến dẫn khách thám hiểm hệ thống hang động Tú Làn, mỗi chuyến có từ 15 đến 20 người, du khách chủ yếu là người nước ngoài như châu Âu, Mỹ...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty du lịch Oxalis cho biết: “Hiện nay ở Quảng Bình, với lợi thế thiên nhiên ưu đãi đã có những loại hình du lịch tham quan động Phong Nha-Kẻ Bàng, động Thiên Đường, thu hút rất đông du khách, tuy nhiên nó đang dần quen thuộc và nhàm chán, cho nên chúng tôi đã phát triển một sản phẩm rất mới đó là du lịch khám phá mạo hiểm về với thiên nhiên. Và cách thức này đã thu hút một lượng khách khá đông, mà chủ yếu là người nước ngoài. Họ đến để trải nghiệm cũng như chiêm ngưỡng cảnh đẹp tự nhiên không có sự can thiệp của bàn tay con người. Và Tú Làn là một nơi rất lý tưởng cho du khách”.

Hệ thống hang động Tú Làn gồm các hang như hang Chuột, hang Ươi, hang Tú Làn, hang Ken, hang Ton và Tố Mộ. Với vẻ đẹp huyền ảo của thạch nhũ, sự kỳ bí của dòng sông ngầm và nét hoang sơ của núi rừng nơi đây đã làm nức lòng không chỉ người dân bản địa mà còn được du khách thập phương tìm về khám phá.

Du khách thám hiểm hang động.
Du khách thám hiểm hang động.

Theo tuyến khai thác của Công ty du lịch Oxalis, từ trung tâm xã Tân Hóa đi bộ khoảng một giờ đồng hồ thì vượt qua rào Nậy và qua một dãy núi đá vôi, du khách sẽ đến được động khô hung Ton. Nơi đây có vô vàn thạch nhũ lung linh huyền ảo. Tiếp đến là hang nước với dòng sông ngầm rất bí ẩn hấp dẫn với loài cá lạ do đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh phát hiện.

Tất nhiên để khám phá đoạn sông ngầm này, ngoài những phương tiện chuyên dụng như đèn chiếu sáng, thuyền bơi, thì người tham gia phải có “thần kinh thép” mới đủ can đảm để trải nghiệm. Nước trong hang sâu khoảng 30m, dòng chảy chia làm 3 đoạn thành 3 thác rất đẹp. Sau những cảm giác mạnh khi bơi dưới đoạn sông ngầm, du khách sẽ xuyên qua hung Tố Mộ rồi đến hang Tú Làn, với chiều dài hơn 4km. Tú Làn lung linh huyền ảo với những thác nước rất kỳ vĩ, cây rừng hoang sơ. Tiếp đến là hang Ken-hang do một du khách người nước ngoài vừa mới phát hiện-với rất nhiều thạch nhũ sắc cạnh đường nét và những thác nước rất tuyệt vời.

Anh Lukc Ford, du khách người Anh qua một chuyến khám phá đã rất hài lòng nói: “Tôi cảm thấy nơi đây rất đẹp và rất thú vị. So với các hang động khác như động Phong Nha, Thiên Đường thì ở đây có khó hơn một chút để đến được và khám phá nhưng lại rất đẹp và hoang sơ hơn rất nhiều, và tôi cảm thấy rất dễ chịu. Quyến rũ nhất là dòng sông ngầm ở trong động, nước chảy rất xiết, rất mạnh, cảm giác rất thú vị”.

Là huyện miền núi rẻo cao, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, điều kiện kinh tế hạ tầng còn rất hạn chế, nên việc đầu tư khai thác tuyến du lịch hệ thống hang động Tú Làn không phải là chuyện đơn giản. Bởi không chỉ là chuyện kinh phí đầu tư khá lớn, mà thời tiết cũng như địa hình địa mạo nơi đây cũng có sự khác biệt so với những nơi khác. Với hệ thống hang động này, huyện Minh Hóa như đã tìm được “chìa khóa” để khai thác tiềm năng du lịch nơi đây và những danh thắng, di tích lịch sử khác trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết: “Theo tôi thì đây là một loại hình du lịch rất mới, không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho cộng đồng người dân mà còn góp phần khẳng định thương hiệu cho ngành du lịch Quảng Bình”.

Tận dụng tiềm năng và lợi thế, đặc biệt là nắm bắt được nhu cầu của du khách đối với loại hình du lịch mạo hiểm này, Công ty du lịch Oxalis đã lập dự án đầu tư cụm hang động Tú Làn. Theo đó, công ty sẽ đầu tư một khách sạn 30 phòng, làm cầu treo đi bộ qua rào Nậy-thượng nguồn sông Gianh, đồng thời đầu tư nhiều thiết bị bảo đảm an toàn để đưa các loại hình du lịch thám hiểm, sinh thái, mạo hiểm, leo núi vào khai thác. Tổng kinh phí ban đầu khoảng 30 tỷ đồng.

Đây là triển vọng cho huyện nghèo Minh Hóa trong việc khai thác tiềm năng du lịch, phát triển ngành nghề dịch vụ để tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

                                                                             Minh Văn - Mạnh Chi








 

,
.
.
.