Người có thâm niên 70 năm nuôi ong

Cập nhật lúc 10:16, Thứ Năm, 08/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đó là ông Nguyễn Xuân Thành ở thôn 1 Huyền Nựu, xã Thạch Hoá (Tuyên Hoá) đã 70 năm làm nghề nuôi ong. Từ nghề nuôi ong, ông đã cho con ăn học và trưởng thành. Đến nay cả 8 người con đều đã tốt nghiệp đại học và có việc làm, trong đó có một người thạc sỹ.

Ông Nguyễn Xuân Thành năm nay đã 80 tuổi, nhưng nhìn cái dáng khoẻ mạnh của ông nhiều người cứ ngỡ ông mới 70. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 5 anh em, ông là con đầu, ngay từ thời niên thiếu, khi mới 10 tuổi ông đã theo cha nuôi ong, đến nay ông đã có 70 năm trong nghề.

Từ khi gia đình ông nuôi ong đến nay, mỗi năm nuôi được từ 60 đến 70 đàn. Bình quân mỗi đàn thu mật từ 4-5 lít/năm. Như vậy tính theo giá hiện  nay, mỗi năm gia đình ông thu nhập được khoảng 60 đến 70 triêụ đồng. Nhờ làm nghề nuôi ong mà vợ chồng ông nuôi 8 người con (4 trai, 4 gái) được học hành đến nơi đến chốn, tất cả đều đã tốt nghiệp đại học, có một người là thạc sỹ. Ông nói với tôi, nuôi ong chủ yếu để nuôi con ăn học.

Ông tâm sự, nuôi ong cần kiên trì, chịu khó, biết cách là thành công. Với ông đã gần một đời người nuôi ong nhưng ông chưa gặp thất bại bao giờ. Đàn ong của ông năm nào cũng phát triển tốt. Thời trước nuôi theo kiểu truyền thống, thùng tròn, nay nuôi theo kiểu mới, thùng vuông, có nhiều cầu. Tiếp xúc với ông nghe ông kể, tôi mới biết, ông nuôi ong chủ yếu theo kinh nghiệm chứ không theo sách vở, đặc biệt ông đã có nhiều kinh nghiệm hay rút ra từ thực tiễn mà nhiều người chưa biết tới.

Ông Thành đang kiểm tra ong.
Ông Thành đang kiểm tra ong.

Ông cho biết, muốn cho con ong tồn tại lâu, ít bốc bay, mỗi lần lấy mật phải để lại một ít, nhất là cuối mùa hè. Khi sang mùa thu dù có nhiều mật vẫn để nguyên không lấy. Ông không cho ong ăn đường vào mùa đông. Bởi nếu cho ăn đường như sách vở nói thì rất tốn kém. Theo ông, con ong sống tự nhiên. Khi cho ăn đường, chất lượng mật bị ảnh hưởng.

Việc kiểm tra bên trong tổ ong theo định kỳ ông không làm. Bởi vì ông nói nhiều tổ quá làm sao kiểm tra hết, nhưng ông thường xuyên kiểm tra bên ngoài tổ, nếu phát hiện có vấn đề gì thì mới kiểm tra bên trong.  Khi nhìn bên ngoài tổ ong mà thấy ong bị liệt ít đi ăn, như vậy là bị sâu ăn sáp. Cách xử lý, bắt tướng nhốt lại, phá bỏ những tầng sâu ăn. Khi đó bắt buộc phải cho ong ăn, nhưng chỉ cho ăn mật để đàn ong mau khoẻ, chứ không cho ăn đường. Hay khi nhìn tổ ong đi ăn ké về nhiều là đàn mạnh có nhu cầu xây tầng mới, lúc đó kiểm tra để tăng khung cầu tầng cho đàn ong.

Đến tháng 7 âm lịch, quay mật đợt cuối cùng, thì kiểm tra để bớt khung cầu tầng, tầng nào có lỗ ong pha nhiều (lỗ to) thì cắt bỏ đi. Sang tháng 2, 3 âm lịch khi lấy mật thấy tầng nào đẻ ong pha nhiều thì phải loại còn nếu để thì ong kém phát triển.

Ông có một kinh nghiệm khác mà ít người biết, đó là nuôi ong nhưng không bao giờ phải mua tầng chân, ông cứ bỏ khung cầu tầng như vậy để ong làm bánh tổ, nhưng khung cầu tầng phải có dây để đến khi quay mật không bị hỏng tầng ong.

Nhiều người nuôi ong che đậy rất công phu, nhưng riêng ông, ông chỉ kê tổ ong lên mấy cái cọc gỗ đơn sơ, sau đó chặt khoảng 5 ngọn lá tro chồng lại đặt trùm lên. Theo ông làm như vậy về mùa hè ong mát, về mùa đông lại ấm, gió to thổi không ảnh hưởng, vì lá tro khô rủ xuống ôm trọn lấy tổ. Đối với ông cách chia đàn cũng rất đơn giản, chỉ cần tách cầu làm đôi để gần nhau song song là được. Một thời gian, thấy thùng nào không đóng nụ tướng là thùng đó đã có tướng.

Quê ông là vùng thấp lụt. Để tránh lụt, ông làm 2 cái bè, có mái che, mỗi cái khoảng 6m vuông để khi lụt vào cho toàn bộ ong lên bè, bảo đảm an toàn cho đàn ong. Bây giờ ở vào cái tuổi 80, con cái trưởng thành đi làm việc cả, ai cũng có gia đình riêng, nhưng 2 ông bà ở quê nhà vẫn ngày ngày chăm sóc đàn ong để tăng thêm thu nhập phục vụ cho cuộc sống tuổi già.

Đến nhà ông lúc nào cũng thấy ong bay đi bay lại kiếm ăn mà thấy vui. Chia tay ông ra về, tôi cảm phục ông, một nông dân cần cù chịu khó trong làm ăn, có lẽ cả huyện này chưa ai nuôi ong có thâm niên lâu như ông.        

                                                                                    Hồ Duy Thiện





 

,
.
.
.