Câu hỏi tuần này:

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo hướng nào?

Cập nhật lúc 07:09, Thứ Hai, 12/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Cùng với cả nước, tỉnh ta đang triển khai thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những thông tin liên quan đến đề án này, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Phúc, UVTV Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Nhà nước tỉnh.

- P.V: Xin ông cho biết mục tiêu chính của việc tái cơ cấu DNNN?

-  Ông Lê Văn Phúc: Tái cơ cấu DNNN chính là việc chuyển đổi lại cơ cấu doanh nghiệp bao gồm tái cơ cấu sản xuất kinh doanh tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt thực hiện nhiệm vụ trọng tâm được nhà nước giao, không đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao tỷ suất lợi nhuận của vốn chủ sở hữu; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm và dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội đối với doanh nghiệp hoạt động công ích; chuyển đổi mô hình quản lý doanh nghiệp đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nhà nước tại doanh nghiệp.

Mỗi doanh nghiệp, kể từ khi ra đời đều phải trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau từ khi khởi đầu, phát triển, đến hưng thịnh và ở mỗi giai đoạn phát triển sẽ có những mâu thuẫn nội tại mà nếu không giải quyết được thì doanh nghiệp sẽ không phát huy được hiệu quả kinh tế. Tái cơ cấu doanh nghiệp chính là tìm ra và giải quyết những mâu thuẫn nội tại yếu kém để doanh nghiệp có thể phát triển lên một nấc thang mới.

- P.V: Trên địa bàn tỉnh ta có bao nhiêu DNNN nằm trong diện phải sắp xếp lại, thưa ông?

- Ông Lê Văn Phúc: Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 9 DNNN trong đó có 6 DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm: Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết, Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình, Công ty TNHH MTV Lệ Ninh, Công ty TNHH MTV Việt Trung, Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại và 3 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ gồm: Công ty TNHH MTV Đường sông, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước, Công ty TNHH 1 TV Môi trường và Phát triển đô thị.

- P.V: Được biết, đến thời điểm này 9 DNNN đã xây dựng xong đề án tái cơ cấu của đơn vị mình và đang gửi Ban ĐM và PTDNNN tỉnh thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt, ông đánh giá như thế nào về phương án tái cơ cấu của các doanh nghiệp?

- Ông Lê Văn Phúc: 9 DNNN đã hoàn thành đề án tái cơ cấu của đơn vị mình theo Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 17-1-2012 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN và đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định theo đúng quy trình và tiến độ quy định và là một trong những tỉnh được đánh giá thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sớm nhất của cả nước.

Đề án tái cơ cấu của các doanh nghiệp bao gồm nhiều nội dung: xác định rõ nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính, xây dựng chiến lược phát triển của từng đơn vị đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 phù hợp với chiến lược phát triển ngành, nhu cầu thị trường, khả năng về vốn và năng lực trình độ quản lý; xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh; phương án tổ chức và quản lý bộ máy, lao động, phương án tài chính, phương án đầu tư; chuyển đổi mô hình quản lý theo hướng Chủ tịch công ty không kiêm Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty để bảo đảm  quyền của chủ sở hữu đối với DNNN và đặc biệt là nâng cao hiệu quả của DNNN là vấn đề trọng yếu nhất.

Các DNNN đã xác định được ngành nghề sản xuất chính của mình để ưu tiên phát triển, đầu tư nguồn lực, tập trung chỉ đạo cho ngành nghề sản xuất kinh doanh đúng hướng; đã sắp xếp lại hình thức hoạt động của đơn vị theo hướng tinh gọn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp chưa xây dựng chiến lược phát triển của đơn vị một cách cụ thể;  xây dựng phương án tài chính chưa sát đúng để triển khai các nhiệm vụ trong đó chưa xác định rõ hiệu quả đầu tư và nhu cầu vốn đầu tư, vốn điều lệ và nguồn bổ sung vốn điều lệ trong những năm tới.

- P.V: Và hiện tại thì các doanh nghiệp gặp khó khăn gì trong quá trình tái cơ cấu?

- Ông Lê Văn Phúc: Về cơ bản, các doanh nghiệp thực hiện đúng và tuân thủ chủ trương về tái cơ cấu DNNN. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn về hiệu quả đầu tư ra ngoài ngành và nhận thức chưa đầy đủ về sự đổi mới, mang tâm lý ngại thay đổi đặc biệt là việc chuyển đổi mô hình Chủ tịch công ty không kiêm Tổng giám đốc hoặc Giám đốc công ty gây cản trở trong quá trình tái cơ cấu. Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp bao gồm tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, tổ chức và quản lý, tái cơ cấu tài sản, tái cơ cấu sản phẩm, thị trường, tái cơ cấu lao động... cho nên dù muốn hay không thì người lao động sẽ có tác động ít nhiều.

Các doanh nghiệp phải xác định rằng tái cơ cấu sẽ nâng cao hiệu quả của DNNN, tăng sức cạnh tranh và đặc biệt là giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh đã khẳng định lại với các doanh nghiệp là sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chính là sản xuất kinh doanh của tỉnh, mọi trăn trở khó khăn của doanh nghiệp là của tỉnh, của các cấp, các ngành phải tập trung giải quyết.

- P.V: Vậy để việc tái cơ cấu DNNN thành công, theo ông yếu tố nào quan trọng nhất?

- Ông Lê Văn Phúc: Để đạt được mục tiêu tái cơ cấu DNNN cần tiến hành đồng bộ, trong đó có cả tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu lao động, tái cơ cấu tổ chức bộ máy và cán bộ trong đó cán bộ lãnh đạo quản lý là rất quan trọng. Tái cơ cấu sẽ có rất nhiều thay đổi đặc biệt đổi mới tư duy về nhận thức, cách làm, chiến lược phát triển và hành động cụ thể, tái cấu trúc lại quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh làm sao đạt mục tiêu để nâng cao hiệu quả của DNNN là thành phần chủ đạo của nền kinh tế nước ta.

- P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

                                                                 Hiền Chi (thực hiện)




 

,
.
.
.