Pjico với bảo hiểm công trình

Cập nhật lúc 14:10, Thứ Sáu, 16/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đến lúc này vụ sự cố vỡ đê chắn sóng đoạn nối đảo Hòn Cỏ và đảo Hòn La ( Khu Kinh tế Hòn La- Quảng Trạch) đã lắng xuống. Và số tiền mà đơn vị bảo hiểm (Công ty CP Bảo hiểm PJICO) chi trả đã gần được chốt lại, nhưng câu chuyện bảo hiểm công trình thì vẫn là chuyện thời sự...

Theo ông Hoàng Thanh Phong, Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm PJICO Quảng Bình, trên địa bàn Quảng Bình PJICO có thị phần bảo hiểm các công trình xây dựng cơ bản thuộc hàng lớn nhất trong các chi nhánh bảo hiểm đang hoạt động trên địa bàn. Năm 2011, PJICO Quảng Bình có doanh thu bảo hiểm là 21 tỷ đồng, năm 2012 là 24 tỷ đồng. Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản những công trình lớn đều được bảo hiểm thông qua PJICO Quảng Bình, như công trình hồ chứa Thác Chuối, cầu và đường về xã Văn Hoá, kè sông Kiến Giang, kè bờ hữu sông Gianh, các gói thầu của tuyến đường nối Khu kinh tế Hòn La với Khu công nghiệp xi măng tập trung Văn- Tiến- Châu Hoá (Tuyên Hoá), đường 60 mét Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới)... Trước đây có cầu Quảng Hải, cầu Khe Dứa...

Trong những năm qua có một số công trình gặp sự cố và đơn vị bảo hiểm đã chi trả theo quy định một cách kịp thời, đầy đủ theo quy định và thoả thuận giữa PJICO và khách hàng. Đó là các công trình bị thiên tai lũ lụt gây thiệt hại như cầu Quảng Hải, đường 60 mét Bảo Ninh; công trình bị sự cố bất khả kháng khi lao dầm như cầu Khe Dứa và mới đây là đê chắn sóng nối đảo Hòn Cỏ với đảo Hòn La bị sóng biển đánh sập do ảnh hưởng bão số 8 (28-10-2012).

Những khối bê tông tản sóng nặng 25 tấn bị sóng đánh dạt khỏi thân đê sẽ được bảo hiểm đền bù công trục vớt di chuyển về vị trí ban đầu.
Những khối bê tông tản sóng nặng 25 tấn bị sóng đánh dạt khỏi thân đê sẽ được bảo hiểm đền bù công trục vớt di chuyển về vị trí ban đầu.

Khi có sự cố xẩy ra, đơn vị bảo hiểm đã nhanh chóng thuê đơn vị kiểm định độc lập có uy tín cao để kiểm định thiệt hại. Sau đó sẽ làm việc trực tiếp với chủ đầu tư, đơn vị thi công để thoả thuận đền bù... Trong quá trình thực hiện bảo hiểm, có nhiều công trình bảo hiểm có nguồn vốn lớn và tất nhiên khi xẩy ra sự cố cũng phải đền bù với nguồn kinh phí lớn. Vì vậy  để thực hiện suôn sẻ, nhanh chóng việc đền bù cho khách hàng, PJICO đã thực hiện "tái bảo hiểm" để tăng thêm nguồn lực khi phải chi trả trong cùng một lúc số tiền lớn. Đó là khi nhận bảo hiểm cho một công trình nào đó phí bảo hiểm sẽ chia theo những tỷ lệ thoả thuận với những đơn vị bảo hiểm có tiềm lực lớn trong và ngoài nước. Khi có sự cố xẩy ra, tuỳ theo tỷ lệ phí bảo hiểm để từng cơ quan bảo hiểm cùng góp kinh phí đền bù cho khách hàng.

Đối với công trình đê chắn sóng nối đảo Hòn Cỏ với đảo Hòn La, đến nay theo ông Phong, Công ty Kiểm định độc lập Thái Dương (Đà Nẵng) đã cơ bản hoàn tất công việc của mình trong việc xác định thiệt hại do ảnh hưởng bão số 8 gây ra. Theo đó khối lượng đá đắp đê chắn sóng bị sóng biển đánh dạt khỏi thân đê không thể khắc phục được sẽ được bồi thường số tiền là 20,6 tỷ đồng. Số khối bê tông tản sóng (còn gọi là tetrapol nặng 25 tấn và 16 tấn) bị dịch chuyển khỏi mặt đê nhưng có khả năng trục vớt trở lại, được bồi thường 2 tỷ đồng và tổng cộng số tiền bồi thường cho chủ đầu tư - Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh là 22,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Phong con số trên cũng mới tính toán sơ bộ về phía đơn vị bảo hiểm. Tổng công ty Bảo hiểm PJICO Việt Nam đang chọn đơn vị kiểm định thứ hai là trung tâm công nghệ quản lý chất lượng xây dựng Việt Nam thuộc Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) để tái kiểm định lại kết quả trên sau đó mới chính thức thông báo đến chủ đầu tư- khách hàng mua bảo hiểm. Cũng cần nhắc lại là công trình đê chắn sóng nói trên được chủ đầu tư là Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đóng bảo hiểm với mức phí là 1.200 triệu đồng. Theo ông Phạm Văn Năm, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, sắp tới đơn vị sẽ làm việc với cơ quan bảo hiểm để bàn định vấn đề này một cách cụ thể.

Trở lại vấn đề bảo hiểm cho các công trình do Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh làm chủ đầu tư, ông Năm cho biết, đơn vị luôn thực hiện đúng theo quy định về bảo hiểm, nhất là những công trình có độ rủi ro cao. Việc chuyển tiền bảo hiểm cũng thực hiện đúng theo cam kết với đơn vị bảo hiểm. Các đơn vị bảo hiểm mà Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh tham gia bảo hiểm là Bảo Minh, Bảo Việt và PJICO. Vì sao lại chọn những đơn vị này để mua bảo hiểm? Câu trả lời của ông Năm: "Đây là những doanh nghiệp lớn, có uy tín và thực hiện các thủ tục bảo hiểm nhanh chóng...". Về ý nghĩa của việc thực hiện bảo hiểm công trình, ông Năm cho biết với những công trình được bảo hiểm nếu có rủi ro, việc bồi thường của cơ quan bảo hiểm sẽ tạo điều kiện nhanh chóng để đơn vị thi công tiếp tục thực hiện công trình còn nếu không có bảo hiểm sẽ có rất nhiều công đoạn phức tạp mới có được nguồn kinh phí để thi công tiếp...

Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho rằng việc thực hiện bảo hiểm đã là một khâu bắt buộc đối với các công trình giao thông. Đối với các công trình do sở làm chủ đầu tư đều đã thực hiện bảo hiểm theo quy định. Còn về vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm, theo ông Hải là những vấn đề liên quan đến thời hiệu bảo hiểm. Chậm tiến độ có lẽ đấy là chuyện mà công trình giao thông nào cũng gặp phải trong quá trình thi công bởi những lý do khách quan, bất khả kháng, trong đó "chủ đạo" là công tác giải phóng mặt bằng. Khi công trình chậm tiến độ thì việc kéo dài thời hiệu bảo hiểm là cần thiết. Nhưng không phải nhà bảo hiểm nào cũng dễ chấp nhận điều đó... Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, đấy là những vấn đề không lớn, tất cả đều được giải quyết ổn thoả. Còn ông Năm lại cho rằng khó để có tiếng nói chung ngay từ đầu giữa chủ đầu tư và nhà bảo hiểm khi số tiền bảo hiểm được một bên đưa ra, bởi chủ đầu tư nào lại muốn số tiền đền bù ít hơn thực tế thiệt hại còn nhà bảo hiểm thì ngược lại...

Cùng với những vấn đề trên, khó khăn hiện nay với đơn vị bảo hiểm là việc tính phí bảo hiểm công trình do các đơn vị tư vấn lập thường thấp hơn con số của đơn vị bảo hiểm vì vậy cũng có những khó khăn trong thực hiện bảo hiểm. Mặt khác, theo quy định, trong vòng 3 tháng kể từ ngày khởi công công trình chủ đầu tư phải nộp đủ số tiền bảo hiểm theo thoả thuận, thế nhưng vẫn còn tình trạng kéo dài thời gian đóng phí bảo hiểm gây khó khăn cho đơn vị bảo hiểm... Ngoài ra, có một vấn đề mà thực tế đang đặt ra, đó là thực hiện bảo hiểm liên quan đến đối tượng thứ ba. Chẳng hạn công trình hồ chứa, trong quá trình thi công bị sự cố thì hậu quả không chỉ chủ đầu tư bị thiệt hại mà một số điểm dân cư ở hạ nguồn cũng bị vạ lây...Vậy nếu chỉ bảo hiểm một số hạng mục công trình như đập dâng, đập tràn chẳng hạn thì cơ quan bảo hiểm sẽ không có trách nhiệm đối với những hộ dân bị thiệt hại. Trong trường hợp này theo cơ quan bảo hiểm, là ngoài bảo hiểm công trình, cơ quan bảo hiểm còn có khoản phí bảo hiểm dân sự để đền bù những sự cố ảnh hưởng đến đối tượng thứ ba. Tuy nhiên, theo ông Phong, khoản phí này thường bị các chủ đầu tư "bỏ quên".

                                                                         Văn Hoàng

 

,
.
.
.