Chuyện ở làng chài Văn Phú

Cập nhật lúc 06:30, Thứ Năm, 15/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Chiếc thuyền nổ máy rẽ nước sông Gianh đã đưa chúng tôi cập bến đò thôn Văn Phú (xã Quảng Văn, Quảng Trạch). Một làng quê trù phú với san sát nhà cao tầng, cuộc sống nhộn nhịp trao đổi mua bán trên bến dưới thuyền khiến chúng tôi thoáng “ngợp” mắt.

Ông Hoàng Minh Huề, Trưởng thôn Văn Phú cho biết, toàn thôn có 566 hộ, với hơn 2.700 nhân khẩu, trong đó có 98% đồng bào theo đạo Thiên Chúa giáo. Người dân sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt xa bờ và nuôi trồng thủy sản cùng với dịch vụ kinh doanh nên nhìn chung cuộc sống tương đối khấm khá. Hiện tại, toàn thôn có 15 tàu cá với công suất 300 – 400CV để đánh bắt xa bờ và khoảng 300 thuyền dưới 20CV dùng để đánh bắt cá trên sông Gianh. Ngoài ra, những ngành nghề liên quan đến đánh bắt thủy hải sản như sửa chữa, đóng tàu thuyền, gia công cơ khí, sản xuất đá lạnh, kinh doanh thu mua và chế biến thủy hải sản đã giải quyết việc làm cho đông đảo bà con và cho thu nhập khá ổn định.

Dãy nhà cao tầng khang trang ở thôn Văn Phú
Dãy nhà cao tầng khang trang ở thôn Văn Phú

Ông trưởng thôn tâm sự, để có được nhà cửa khang trang như hôm nay, phần lớn nhờ ngư dân bám biển và một phần nhờ xuất khẩu lao động. Anh Hoàng Trường là một điển hình tiêu biểu của thôn về phát triển sản xuất, bám biển làm giàu. Sau vài năm đi biển, anh đã có ngôi nhà ba tầng với kiểu dáng biệt thự mini sang trọng. Sau khi có vốn, anh Trường đã mạnh dạn đóng tàu có công suất lớn rồi cùng với thanh niên trong thôn vượt biển đến những ngư trường xa để khai thác. Hiện tại ngoài bám biển, gia đình anh còn mở rộng sản xuất kinh doanh nên hàng tháng thu nhập cả trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, xuất khẩu lao động là hướng đi mới nhưng đã đem lại hiệu quả cao đối với người dân Văn Phú. Hiện thôn Văn Phú có 120 thanh niên đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác. Nhiều hộ gia đình nhờ đó có vốn để phát triển kinh doanh dịch vụ, nâng cao đời sống. 

Tuy nhiên, với vẻ ngoài của thôn Văn Phú, sẽ không ai nghĩ rằng ở đây còn có 37% hộ nghèo và đằng sau những ngôi nhà cao tầng, vẫn còn 150 hộ chưa có đất để làm nhà ở, phải sống lênh đênh trên những con thuyền. Chúng tôi tìm tới xóm vạn đò, 150 chiếc đò đang cắm sào ở mép sông để sinh hoạt qua ngày. Thấy có khách lạ đến, mọi người “chui” ra khỏi mui để tiếp chuyện.

Một góc nhỏ xóm vạn đò
Một góc nhỏ xóm vạn đò

Vợ chồng anh Hoàng Văn Minh cho biết, đời sống của người dân ở đây hết sức cơ cực, bấp bênh theo con nước. Vì không có đất cắm dùi nên cả gia đình 6 con người ở trong một chiếc đò nhỏ. “Con cái còn nhỏ, sống trên đò rất nguy hiểm nên chúng tôi phải thay nhau trông giữ các cháu cả ngày. Công việc kiếm sống cũng phải bỏ bê”, chị Hường, vợ anh Minh than thở. Trước đây xóm vạn đò đã từng có điện. Tuy nhiên, sau đó phía điện lực đã cắt không cho sử dụng vì cho rằng không an toàn. Từ ngày không có điện, nồi cơm, quạt, bóng đèn đều bỏ ngỏ. “Khi có điện cuộc sống vui hơn, chừ không có điện nên hắt hiu lắm...”, anh Minh nói.

Một nỗi lo lớn luôn thường trực trong lòng những người dân xóm vạn đò là chuyện không có đất ở. Anh Hoàng Văn Chiến cũng như hàng chục hộ dân sống ở làng chài này hiện chưa có đất để làm nhà. Hai vợ chồng cùng bốn đứa con sống chung trên thuyền. Anh nói, mùa khô thì còn sống bình yên chứ vào mùa lũ lụt, anh phải gửi con lên bờ, rồi hai vợ chồng chèo thuyền lên vùng khác để tránh lũ. Vì không có đất nên mỗi lần hộ nào ở dưới đò có việc trọng đại như cưới hỏi, tang lễ đều lên che lều tạm ngay bên bờ sông. Có một nơi để an cư lạc nghiệp đang là nỗi lo canh cánh hằng ngày của mỗi người dân xóm vạn đò thôn Văn Phú.

Không có đất ở nên chuyện học hành của các em cũng bị gián đoạn. Thầy giáo Phạm Văn Kiều, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Quảng Văn trăn trở: Do địa bàn chật hẹp, dân số lại đông, trong khi khoảng 1/3 số hộ gia đình phải sống tạm bợ trên thuyền nên chuyện học hành của các em gặp nhiều khó khăn. Để các em đến được lớp, các gia đình phải gửi con lại ở các hộ trên đất liền nên thiếu sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Các bậc phụ huynh sống ở xóm vạn đò nay đây mai đó nên với họ con cái biết đọc, biết viết là thành công chứ chưa đầu tư để con cái học hành lên cao... “Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, địa bàn ở giữa sông nên để bảo đảm số lượng học sinh đông đủ là rất khó...”, thầy Kiều cho biết.

Ông Trần Xuân Quý, Phó chủ tịch HĐND xã Quảng Văn cho biết, vì điều kiện địa lý của thôn Văn Phú chật hẹp và quỹ đất của xã còn ít nên chính quyền xã rất khó để giải quyết triệt để chuyện chỗ ở cho cả 150 hộ dân ở đây. Trước mắt, chính quyền địa phương đang làm thủ tục cấp đất cho 50 hộ nghèo của thôn đang ở dưới đò. Dự tính mỗi hộ gia đình được cấp 100m2 đất ở. Ngoài ra, 100 hộ còn lại, chính quyền xã dự tính sẽ bố trí trên phần đất nuôi trồng thủy sản không hiệu quả, tận dụng đất bãi bồi ven sông. Ông Quý còn cho biết thêm, hằng năm xã có tổ chức bán đấu giá đất nhà ở nhưng vì các hộ ở dưới đò là hộ nghèo không có tiền để đấu giá nên không có đất... “Chính quyền xã đã cố gắng hết sức giúp bà con thoát nghèo, nhưng điều kiện khó khăn nên chưa hiệu quả”, ông Quý nói.

                                                                               Lan Chi

 

,
.
.
.