"Mạnh thường quân" của phụ nữ nghèo

Cập nhật lúc 07:18, Thứ Ba, 13/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Với những người dân nghèo ở xã Hòa Trạch (Bố Trạch), đặc biệt là thôn Hổ, thì chị được xem như "vị cứu tinh" trong những ngày khốn khó. Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm,... họ đều được chị chỉ dẫn, giúp đỡ tận tình để thoát khỏi cảnh nghèo. Cái tên chị luôn được nhắc đến với nhiều tình cảm trìu mến. Chị là Hoàng Thị Biếu.

Tiếp cận, chuyện trò với chị thật khó. Khó chẳng phải vì chị làm khó dễ, mà thực sự chẳng mấy khi người phụ nữ ấy có thời gian rỗi. Chúng tôi cứ phải tranh thủ chuyện trò lúc chị đang làm việc. Thi thoảng lại bị ngắt quãng bởi những người làm công hỏi han xin ý kiến chị, hay có khách hàng ghé thăm...

Chị kể: hai vợ chồng chị vốn xuất thân từ cảnh gia đình nghèo khó. Cưới nhau một thời gian, thấy làm ăn ở quê khó khăn, anh bôn ba khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm. Sau khi học được mô hình trồng rau sạch, anh chị mạnh dạn áp dụng trên cánh đồng quê mình- hồi đó cách đây chừng 15 năm. Sau 5 năm, kiếm được lưng vốn kha khá, và cũng là lúc nhiều bà con trong thôn đã nhân rộng mô hình này, chị bắt đầu tính chuyện chuyển đổi hướng làm ăn.

Nhận thấy cây sắn đang là lựa chọn của nhiều nông dân trong vùng, nhưng giá thành bấp bênh, đầu ra không ổn định; trong khi đó nhu cầu nguyên liệu bột từ sắn đang khá cao, anh chị quyết định thành lập xưởng chế biến tinh bột sắn. Từ nguồn tiền tích cóp, chạy vạy vay thêm vốn ngân hàng, xưởng chế biến tinh bột sắn của anh chị bắt đầu được lắp đặt, đi vào vận hành, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, phần lớn là những người nghèo trong thôn. Những dịp chính vụ sắn, tại xưởng của chị có trên 10 nhân công.

Chị Biếu (người đội nón) đang thu mua sắn cho bà con Hoà Trạch.
Chị Biếu (người đội nón) đang thu mua sắn cho bà con Hoà Trạch.

Mùa sắn năm 2011, sắn rớt giá, các thương lái ngoại tỉnh mua với giá chỉ 900 đồng/kg, chị đã thu mua cho bà con 1.000 tấn sắn với giá 1.000 đồng/kg. Năm 2012, tính đến thời điểm hiện tại, chị đã thu mua hơn 500 tấn sắn, với mức giá 15.000/kg. Xưởng chế biến tinh bột sắn của chị đã góp phần tháo gỡ những khó khăn về đầu ra sản phẩm cho người trồng sắn trong vùng, và mang lại thu nhập cho gia đình, mỗi năm khoảng 500 triệu đồng. Còn với những nhân công lao động tại xưởng, mỗi tháng đều có thu nhập ổn định từ 3,5 - 4 triệu đồng/ người.

Tận dụng phế phẩm từ việc chế biến tinh bột sắn, chị Biếu nuôi lợn mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa khoảng 50- 70 con. Tính ra, mỗi năm, thu nhập từ nuôi lợn cũng khoảng gần 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh chị còn mở đại lý thức ăn chăn nuôi, lập cơ sở sản xuất gạch block, tạo thêm việc làm cho 4 lao động trong thôn.
Cũng bởi nhiều mô hình kết hợp, nên một ngày làm việc của anh chị cứ xoay như chong chóng. Hết lo nguồn nguyên liệu cho xưởng chế biến tinh bột sắn, lại đến vận chuyển thức ăn theo yêu cầu của khách hàng; vừa là quản đốc chỉ đạo nhân công vận hành máy móc, lại kiêm luôn công việc của kế toán kiểm kê hàng hóa, tính toán doanh thu hàng ngày...

Chị bảo: “Không bươn chải, chỉ làm một nghề thì không thể thoát nghèo được. Làm nghề này, thấy chưa ổn định thì phải mày mò tìm nghề khác, có như vậy mới có thể kiếm được đồng ra, đồng vào”. Tất bật đến vậy nhưng không vì thế mà chị sao nhãng với việc học hành của con. Và cũng như thấu hiểu sự bươn chải, nhọc nhằn của ba mẹ, hai đứa con của anh chị đều cố gắng học hành, chăm ngoan. Hiện tại, con trai lớn đang là sinh viên năm thứ 4 Trường đại học Cơ điện TP. Hồ Chí Minh, cô con gái thứ 2 cũng là sinh viên năm cuối Trường cao đẳng Công nghệ thông tin Đà Nẵng.

“Không chỉ là người biết tính toán, làm giàu trên chính mảnh đất của mình, chị Biếu còn là một phụ nữ có tấm lòng hảo tâm. Nhiều hộ gia đình hội viên nghèo trong thôn, trong xã luôn được chị giúp đỡ. Chị hiện là tổ trưởng tổ tiết kiệm của chi hội thôn Hổ, là “mạnh thường quân” trong các dịp tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao của Hội Phụ nữ xã”- bà Nguyễn Thị Sen, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Trạch đã cho biết.

Còn chị Dương Thị Suyền, người thường nhập sắn cho xưởng chế biến tinh bột sắn thì bày tỏ: “Sắn chúng tôi trồng ra, bao giờ chị Biếu cũng mua với giá bằng hoặc cao hơn nhà máy, xác sắn sau khi chế biến, chị lại bán với giá rẻ hơn thị trường. Những gia đình nghèo như chúng tôi, muốn nuôi heo mà chưa có vốn là chị Biếu cho vay con giống, vay thức ăn, đến khi xuất chuồng, bán heo mới phải trả tiền cho chị. Anh chị sống thơm thảo, chúng tôi biết ơn lắm!”. “Cùng là cảnh chị em phụ nữ với nhau mà họ cực khổ hơn mình nhiều, nên mình cố gắng san sẻ phần nào giúp đỡ họ, cùng nhau thoát khỏi cảnh nghèo”- chị Biếu cười hiền lành, chia sẻ.

                                                                                       Hương Lê






 

,
.
.
.