Nông dân chờ... lũ

Cập nhật lúc 06:38, Thứ Tư, 14/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong khi thời điểm này của những năm trước mưa lũ đã trắng đồng, thì năm nay vẫn chưa có một đợt mưa lũ nào về dù chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đã kết thúc mùa mưa. Hàng vạn người dân, nhất là nông dân tỉnh ta đang rất lo lắng vì sự bất thường của thời tiết.

Không có lũ cũng khổ...

Người dân hai huyện, Lệ Thủy, Quảng Ninh đã quen cảnh sống chung với lũ, nên khi "vắng" lũ thì cuộc sống của họ đỡ  vất vả hơn nhưng việc sản xuất nông nghiệp lại gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nông dân cứ theo “phản xạ có điều kiện” chuẩn bị đối phó hoặc mua sắm các phương tiện cần thiết để sẵn sàng sống chung với lũ từ đầu tháng 8 âm lịch. “Có lũ cũng khổ nhưng với người nông dân chúng tôi không có lũ còn khổ hơn”, ông Nguyễn Văn Trung, ở xã An Thủy chia sẻ. Với những người nông dân như ông Trung, ngoài việc lũ về mang theo một lượng phù sa lớn và góp phần thau chua rửa mặn cho cánh đồng, thì lũ cũng giúp diệt bớt chuột. Đó còn chưa kể mỗi khi có lũ về nông dân còn đánh bắt thêm được một lượng thủy sản lớn bổ sung đáng kể vào nguồn thu nhập cho gia đình.

Nông dân Phong Thủy đang trồng rau trên cánh đồng thường xuyên ngập lụt vào mùa mưa lũ
Nông dân Phong Thủy đang trồng rau trên cánh đồng thường xuyên ngập lụt vào mùa mưa lũ

Bà Lê Thị Bông, ở thôn Đại Phong, xã Phong Thủy cho biết, theo kinh nghiệm, mùa mưa hàng năm thường gói gọn trong khoảng từ tháng 8 đến hết tháng 10 âm lịch. Cho đến mốc là  ngày 23-10 âm lịch được xem là đợt mưa kết thúc cho cả mùa mưa, sau thời điểm đó thì không thể có lũ lụt nữa. Bà nói đã mấy chục năm qua chưa hề thấy năm nào mà đến thời điểm này vẫn chưa có lũ như năm nay. "Nếu năm nay không có lũ thật thì chắc năm sau... mất mùa. Nước tưới sẽ thiếu, chuột phá hoại, đất không có phù sa...thì năng suất chắc chắn sẽ giảm", bà phân tích.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Sơn, Chánh văn phòng UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Đối với công tác sản xuất nông nghiệp thì năm nay lũ không về là một dấu hiệu đáng buồn. Lũ không về thì việc thau chua rửa mặn cũng như bồi đắp phù sa sẽ không có, rất ảnh hưởng đến việc canh tác nông nghiệp của bà con. Một điều đáng lo nữa là nếu bây giờ không mưa lũ, có nguy cơ đến lúc bà con xuống giống gieo sạ vụ mới sẽ mưa. Khi đó bà con sẽ phải đầu tư mua máy bơm hút nước ra khỏi ruộng để tránh tình trạng ngập úng, ngoài việc tăng giá vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp thì việc buộc phải gieo lại lần 2 sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho bà con.

Hệ thống hồ đập cũng ngóng mưa!

Không chỉ người nông dân mà cả những hồ, đập thủy lợi, cũng đang trong tình trạng ngóng mưa. Theo số liệu tổng hợp từ Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, hiện tất cả các hồ, đập lớn nhỏ trong toàn tỉnh đều đang rơi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng do từ đầu năm đến giờ chưa có đợt mưa nào lớn để cung cấp đủ nước cho các hồ chứa. Không chỉ những hồ đập nhỏ, chưa được đầu tư hoàn chỉnh mà kể cả những hồ lớn như: Vực Nồi (xã Vạn Trạch, Bố Trạch) cũng chỉ tích được 37% so với dung tích thiết kế, hồ Đồng Ran (xã Bắc Trạch, Bố Trạch) tích được 41%, hồ Cẩm Ly (xã Ngân Thủy, Lệ Thủy) tích được 45%, hồ Phú Hòa (xã Phú Thủy) tích được 56%, hồ Minh Cầm (xã Mai Hóa, Tuyên Hóa) tích được 67%, hồ Rào Đá (xã Trường Xuân, Quảng Ninh) tích được 63% so với dung tích thiết kế...

Ông Trần Xuân Tiến, Trưởng phòng thủy lợi, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão cho biết: Vào thời điểm này năm trước tất cả các hồ đập đều đã tích đầy nước. Nhưng năm nay thì nhìn chung chỉ mới hơn một nửa, nhiều hồ đập có dung tích nhỏ nằm ở các xã vùng cao hầu như đều trong tình trạng thiếu nước. Trong khi đó lượng nước này sẽ phục vụ tưới tiêu cho hầu hết diện tích nông nghiệp của toàn tỉnh trong năm 2013. Do đó, nguy cơ thiếu nước tưới cho vụ hè-thu sang năm là rất cao.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, trong tháng 11 – 12 tới có thể sẽ xảy 1 – 2 đợt mưa lũ nhưng nhỏ. Tổng lượng mưa trung bình năm nay thấp hơn so với những năm trước và theo dự báo thì khu vực Bắc Quảng Bình có thể sẽ thiếu hụt nước để phục vụ sản xuất cho vụ đông – xuân.

                                                                                     Lan Chi

,
.
.
.