Làng 15 năm đi... xin đất

Cập nhật lúc 08:00, Thứ Sáu, 16/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trước đây, hầu hết người dân thôn Thống Nhất (xã Mỹ Thủy, Lệ Thủy) đều là xã viên của Hợp tác xã (HTX) Thống Nhất, sống dựa vào sản xuất tiểu thủ công nghiệp (chủ yếu làm gạch, ngói). Trong suốt một quãng thời gian dài, đời sống người dân nơi đây tương đối khấm khá. Do cạnh tranh không theo kịp cơ chế thị trường, làm ăn thua lỗ, năm 1997, HTX Thống Nhất đã giải thể. Kể từ đó, người dân địa phương bỗng chốc “ lâm” vào tình trạng thiếu công ăn việc làm nghiêm trọng, cuộc sống rất bấp bênh...

Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trưởng thôn Thống Nhất nhớ lại, trước năm 1985, nhờ có nghề sản xuất gạch, ngói nên trong suốt một quãng thời gian dài, đời sống của người dân chúng tôi tương đối ổn định, khấm khá. Vào thời kỳ “hưng thịnh”, tài sản của hợp tác có tới 4 lò sản xuất ngói, 1 lò sản xuất gạch. Đặc biệt, trong khi nhiều địa phương ở huyện chưa có điện thì HTX chúng tôi có một máy phát điện hẳn hoi. Ngày đó, cả khu vực này là một cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp hoạt động tương đối sầm uất, trở thành một vùng sản xuất ngành nghề trọng điểm phía nam của tỉnh, hoạt động rất hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trưởng thôn Thống Nhất, xã Mỹ Thủy  (Lệ Thủy) chỉ tay vào đám đất ruộng ít ỏi mà người dân thôn  Thống Nhất khai hoang được.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trưởng thôn Thống Nhất, xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy) chỉ tay vào đám đất ruộng ít ỏi mà người dân thôn Thống Nhất khai hoang được.

Nhưng cuối năm 1985, một trận bão lớn đã làm sập gần như toàn bộ các lò ngói, lò gạch ở thôn Thống Nhất. Cuộc sống của người dân nơi đây bỗng chốc rơi vào tình trạng khó khăn, thiếu việc làm nghiêm trọng. Trước tình thế đó, một số người trong thôn tâm huyết với nghề đã đứng ra vận động bà con xã viên mạnh dạn vay vốn tu sửa, dựng lại các lò gạch, ngói đã bị mưa bão làm sập để đưa vào hoạt động trở lại. Đáng tiếc, do nguồn vốn vay mượn chỉ đủ để sửa chữa lại những lò gạch, ngói theo kiểu “chắp vá” tạm bợ, không đạt tiêu chuẩn như trước đây; sự quản lý hoạt động yếu, không theo kịp cơ chế thị trường, sản phẩm làm ra tiêu thụ kém..., chính điều này khiến HTX Thống Nhất càng hoạt động lại càng thua lỗ. Cầm cự đến năm 1996 thì HTX này chính thức giải thể. Đó cũng là thời điểm mà gần như toàn bộ người dân thôn Thống Nhất rơi vào cảnh thiếu công ăn việc làm nghiêm trọng, cuộc sống của người dân rất bấp bênh bởi quỹ đất sản xuất nông nghiệp ở thôn không có.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thôn Thống Nhất hiện có 95 hộ, với 415 nhân khẩu. Toàn thôn chỉ có 7 ha đất ở, đất đồi... Trước đây, do người dân nơi đây có ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nên chính quyền xã Mỹ Thủy đã phân bố gần như toàn bộ đất sản xuất nông nghiệp cho các làng khác. Khi HTX Thống Nhất giải thể, do quỹ đất nông nghiệp đã cấp hết cho các làng bên cạnh nên không còn quỹ đất để cấp cho người dân thôn này. Cũng từ đó người dân trong thôn thường xuyên kiến nghị lên các cơ quan chức năng để xin được cấp đất sản xuất nông nghiệp. Kiến nghị mãi, cách đây khoảng 10 năm, sau nhiều lần họp bàn, chính quyền xã Mỹ Thủy mới trích được 3 ha đất ruộng (lấy từ quỹ đất 5% của xã) để cấp cho thôn Thống Nhất. Thế nhưng, quỹ đất này lại có vị trí phân tán ở nhiều nơi khác nhau, có nơi cách xa thôn đến 7 km.

Nhà ở của một hộ dân ở thôn Thống Nhất, xã Mỹ Thủy đã khóa cửa  nhiều năm liền để vào miền Nam làm ăn.
Nhà ở của một hộ dân ở thôn Thống Nhất, xã Mỹ Thủy đã khóa cửa nhiều năm liền để vào miền Nam làm ăn.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan buồn lòng tâm sự: “Với 3 ha đất sản xuất nông nghiệp được cấp cộng thêm 0,8 ha đất nông nghiệp mà bà con khai hoang được, làm sao ổn định được cuộc sống cho hơn 400 nhân khẩu ở thôn Thống Nhất...?”.

Dạo một vòng quanh thôn, thấy chúng tôi có vẻ băn khoăn về sự “tĩnh lặng” của làng..., Trưởng thôn Thống Nhất Nguyễn Thị Ngọc Lan liền cất lời giải thích: Không có công ăn việc làm ổn định, thiếu đất sản xuất nông nghiệp... nên con em địa phương buộc phải thường xuyên “cửa đóng then cài” để đi làm thuê cuốc mướn cho người ta. Suốt 15 năm nay, học sinh trong làng cứ sau buổi đến trường học chữ, về đến nhà là kéo nhau lên rú, lên rừng hái củi hặc theo ba mẹ đi làm thuê cho người ta... Đa số các học sinh trong thôn hễ học xong lớp 9 là kéo nhau vào tận miền Nam, Tây Nguyên để làm thuê, kiếm tiền gửi về phụ giúp ba mẹ. Làng chỉ “trơ lại” toàn người già, phụ nữ và trẻ nhỏ là chủ yếu.

Chúng tôi “may mắn” khi ghé thăm gia đình chị Nguyễn Thị Phố, sinh năm 1958, trúng vào hôm không có ai thuê việc để làm nên mới có dịp cùng chị ngồi chuyện trò. Vừa cầm dao xắt chuối cho bò ăn, chị Phố vừa trải lòng tâm sự: “Tui lấy chồng và sinh được 3 người con thì chúng tôi chia tay. Hai đứa đầu học hết lớp 9 thì bỏ học để vào miền Nam làm ăn. Đứa út cũng về tận Đồng Hới làm thuê cho người ta. Đi làm ăn xa, nhưng chúng nó chỉ làm đủ ăn, lâu lâu mới có vài đồng để gửi về cho mẹ. Tui ở đây để trông nom nhà cửa, vừa giữ lại mảnh đất này cho mấy đứa con còn nhớ tới nơi đã từng chôn rau cắt rốn. Ai thuê gì thì làm nấy. Thường thì tui hay làm phụ thợ cho mấy người chuyên xây lăng mồ phía đầu làng. Nhưng công việc này “bữa đực bữa cái” khi có, khi không. Lắm lúc người ta thuê tui đi cắt cỏ, đào đất, thu hoạch rừng trồng ở tít xã Trường Thủy, Văn Thủy, Kim Thủy..., cách nhà hơn 20 cây số. Đến mùa lúa, người ta lại thuê đi gieo, đi gặt. Mấy năm trở lại đây, do nhiều xã làm lúa tái sinh nên vụ hè – thu hầu như người ta ít thuê việc lắm. Tiền công người ta trả một ngày khoảng 100 nghìn đồng, chỉ đủ mình tui mua gạo, thực phẩm ăn qua ngày đoạn tháng"...

Qua tìm hiểu của chúng tôi, thôn Thống Nhất hiện có tới 10 hộ rời làng vào miền Nam làm ăn nhiều năm liền mà không quay trở về quê như: Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Văn Lộc, Hoàng Văn Hiển (đi 7 năm), Nguyễn Văn Lớn (đi 4 năm)... Sống ở vựa lúa lớn nhất của tỉnh, nhưng những người dân thôn Thống Nhất vẫn “khát đất” để thực hiện ước mơ được trở thành những nông dân thực thụ như nhiều người khác ở xã, huyện...

                                                                                Văn Minh

,
.
.
.