Xây dựng thương hiệu cho nông sản

Cập nhật lúc 15:59, Thứ Hai, 05/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, nhiều sản phẩm trái cây, thực phẩm tươi sống có xuất xứ từ Trung Quốc nhập vào nước ta đã gây ra những lo ngại cho người tiêu dùng. Nguyên nhân là do lượng hóa chất độc hại trong sản phẩm cao, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Tìm hướng phát triển nông sản "sạch" phục vụ người tiêu dùng đang trở thành vấn đề quan tâm của nhiều nhà sản xuất.

Nông sản "quê" đắt khách

Cuối tháng 9 vừa qua, các cơ quan chức năng công bố đã phát hiện các mẫu hoa quả là cam, mận tươi, lựu, nho, cà rốt, hành tây và một số loại rau củ... nhập khẩu từ Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Phản ứng trước thông tin trên là thái độ cảnh giác của người tiêu dùng với nhiều loại trái cây không rõ nguồn gốc được bày bán tại các chợ  trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những chợ nằm ở khu vực trung tâm thành phố và thị trấn lớn.

Tuy nhiên, hoa quả tươi luôn là thực phẩm rất quan trọng của nhiều gia đình từ thành thị đến nông thôn. Do đó, tìm kiếm giải pháp để có hoa quả cho gia đình dùng mà vẫn an toàn là điều trăn trở của các bà nội trợ.

Thời gian qua, người tiêu dùng có xu hướng tìm mua các loại trái cây, rau tươi được nông dân trong tỉnh sản xuất như chuối, ổi, mận, đu đủ, vả, cải, xà lách, mướp, bí đao, bầu... Xét về hình thức các sản phẩm này không được bắt mắt bằng các sản phẩm nhập khẩu hay đưa từ Đà Lạt về nhưng độ an toàn cao hơn và hương vị đậm đà hơn.

Chị Lê Thị Liệt, ở xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới cho biết, chị thường xuyên đi chợ Cộn, mặc dù từ nhà về chợ Ga gần hơn nhưng các sản phẩm rau củ ở chợ Cộn rẻ hơn, yên tâm hơn vì chủ yếu người dân trồng được trong vườn, có gì bán đấy, lượng hàng hóa ít, ngày nào hết ngày đó nên không lo bị tẩm ướp.

Mặt hàng nông sản tại chợ quê được các bà nội trợ ngày càng tin dùng.
Mặt hàng nông sản tại chợ quê được các bà nội trợ ngày càng tin dùng.

Còn chị Hoàng Thị Nối (phường Đồng Mỹ, TP. Đồng Hới) cho hay: Rau, quả được gieo trồng tại các địa phương trong tỉnh như Đồng Phú, Đồng Sơn, Bảo Ninh (TP. Đồng Hới)... sạch và tươi. Nếu người trồng rau có thể cung cấp cho thị trường nguồn rau ổn định và chất lượng ngày càng được nâng cao thì người tiêu dùng sẽ gắn bó lâu dài với rau, quả của nông dân trong tỉnh.

Không chỉ những sản phẩm "bình dân" người tiêu dùng mới thích mà những hàng hóa sạch từ "cây nhà lá vườn" đang ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn. Tuy là sản phẩm địa phương nhưng giá thành khá cao, mặc dù vậy các nhà sản xuất chưa bao giờ phải lo ế ẩm hàng.

Chị Nguyễn Thị Thủy, ở phường Đồng Sơn (Đồng Hới), cho hay: "Nhà tôi chuyên nuôi heo thịt nhưng chỉ cho ăn cám và rau củ quả trong vườn, không cho ăn các sản phẩm bột khác nên thịt lúc nào cũng ngon, các lái buôn về đến tận nơi để mua. Mới 4 giờ sáng các khách hàng mua nhỏ lẻ cũng đến tận nhà để đặt hàng, lấy hàng. Khi tôi đưa ra các chợ lớn bán thì luôn "cháy" hàng".

Xây dựng thương hiệu nông sản

Có thể nói, khi người tiêu dùng ngày càng tin tưởng vào các sản phẩm của địa phương thì nên chăng các cấp, ngành và người nông dân cũng cần thay đổi tư duy sản xuất. Bởi lâu nay, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi ở tỉnh ta thường là manh mún, nhỏ lẻ.

Do đó, để nâng cao giá trị cũng như mở rộng sản xuất các mặt hàng nông sản, tỉnh ta cần phải xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Qua đó tạo ra bước đột phá mới trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Một thực tế là trong những năm qua, mặc dù có nhiều nông sản đặc trưng cho từng địa phương như: Đồng Phú, Đồng Trạch, Bảo Ninh, Cam Thủy... nhưng các địa phương này chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm, mà chỉ được biết đến trong phạm vi hẹp, chưa khẳng định được giá trị. Vì vậy việc mở rộng sản xuất cũng như mở rộng thị trường của các sản phẩm này gặp rất nhiều trở ngại, khó cạnh tranh với các sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu trên thị trường nên giá bán thường thấp hơn so với chất lượng sản phẩm.

Từ thực tế này, việc đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản là việc làm cần thiết, từng bước khắc phục những khó khăn tồn tại trong thời gian qua và từng bước nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về sở hữu trí tuệ, tạo dựng, quản lý và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá để phát triển sản xuất kinh doanh. Nên chăng ngay từ lúc này, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần nhanh chóng xây dựng các chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, đề ra các giải pháp để tập trung hỗ trợ xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển.

Đây sẽ là cơ sở cho việc chuyển đổi mô hình quản lý, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; bảo tồn các loài đặc hữu, khôi phục các nguồn gen quý của nông sản. Cùng với đó là thị trường tiêu thụ sẽ từng bước được mở rộng, tăng tính cạnh tranh và giá bán cho các nông sản.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.500 mô hình kinh tế và kinh tế trang trại lớn, nhỏ. Một đặc điểm thuận lợi mà các trang trại đang chiếm ưu thế so với các mặt hàng nông sản xuất khẩu đó là: sản phẩm nông sản "sạch" được sản xuất tại chỗ, vừa bảo đảm chất lượng sản phẩm, vừa tiết kiệm được chi phí vận chuyển,  hạn chế được rủi ro hư hại sản phẩm và điều quan trọng trên hết là nhu cầu của người tiêu dùng rất cần "hàng sạch"...

Đây là yếu tố quan trọng cũng là cơ hội thuận lợi mà các nhà sản xuất nên "suy ngẫm" để tìm ra hướng làm giàu cho chính mình, làm giàu cho quê hương, đồng thời bảo vệ được sức khỏe cho cộng đồng.

                                                                                         Hiền Phương





 

,
.
.
.