Hỗ trợ các đối tượng xã hội không có tài sản thế chấp tiếp cận vốn vay ngân hàng

Cập nhật lúc 17:40, Thứ Năm, 15/03/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - LTS: Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, đồng chí Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ta đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình về những giải pháp hỗ trợ đối tượng cận nghèo và các đối tượng xã hội không có tài sản thế chấp tiếp cận vốn vay ngân hàng. Do hạn chế về thời gian tại nghị trường, nội dung chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đã được Thống đốc trả lời bằng văn bản tại Công văn số 1343/NHNN-VP ngày 8-3-2012. Nhận thấy đây là vấn đề đang được xã hội rất quan tâm, Báo Quảng Bình xin đăng tải toàn bộ nội dung trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với chất vấn trên.

Tại Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19-5-2011, Chính phủ đã đề ra định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 đến 2020, trong đó có các giải pháp hỗ trợ các hộ sát chuẩn nghèo (cận nghèo) không tái nghèo và thoát nghèo bền vững.

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành (trong đó có Ngân hàng Nhà nước) và Ngân hàng Chính sách xã hội tiến hành khảo sát thực tế để xác định hộ nghèo và hộ cận nghèo đến thời điểm cuối năm 2011, để làm cơ sở đề xuất các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết 80/NQ-CP, trong đó có chính sách tín dụng, lãi suất...

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2002/NĐ-CP để bổ sung quy định hộ cận nghèo được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế tín dụng đối với nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP, bố trí nguồn vốn, mở rộng mạng lưới, đào tạo cán bộ để tăng khả năng thẩm định dự án, phương án vay vốn và xem xét cho vay không phải bảo đảm bằng tài sản đối với các dự án, phương án vay vốn có hiệu quả, có khả năng trả nợ đúng hạn.

Theo đó, hộ gia đình, hộ kinh doanh trên địa bàn nông thôn, cá nhân, chủ trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 50 triệu đồng đối với các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; đến 200 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; đến 500 triệu đối với đối tượng là các hợp tác xã, chủ trang trại; cho vay tín chấp trên cơ sở có bảo đảm của tổ chức chính trị - xã hội ở nông thôn theo quy định hiện hành.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng cũng đã rất tích cực tập trung vốn cho phát triển nông nghiệp và nông thôn. Đến nay, đã có 05 tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn bình quân từ 40% đến dưới 70% tổng dư nợ và được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng VND bằng 1/5 tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường, góp phần làm tăng nguồn vốn cho nông nghiệp và nông thôn.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện các chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới giao dịch tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn, để người dân, trong đó có các đối tượng cận nghèo và đối tượng chính sách, tiếp cận dễ dàng hơn với vốn vay và dịch vụ ngân hàng.

,
.
.
.