Gian nan công tác bảo vệ rừng

Cập nhật lúc 14:24, Thứ Năm, 15/03/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong những năm qua, mặc dù công tác bảo vệ và phát triển rừng đã được chính quyền các cấp, các ngành quan tâm nhưng tình trạng vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn xảy ra ở một số địa bàn trọng điểm.

Những nỗ lực

Tỉnh ta hiện có trên 620 nghìn ha rừng và đất lâm nhiệp, chiếm 77% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, diện tích có rừng khoảng 549 nghìn ha bao gồm cả rừng trồng và tự nhiên. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp chủ yếu do 08 Ban quản lý rừng phòng hộ (Ban QLRPH) (149.563 ha) và Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng quản lý (125.230 ha).

Nhằm phát huy sức mạnh của cộng đồng và nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ và phát triển rừng, trong thời gian qua các Ban QLRPH đã thực hiện khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Nhà nước. Nhờ vậy trong năm 2011, tổng diện tích trồng rừng và chăm sóc rừng của các Ban QLRPH là 876 ha và tổng diện tích khoán bảo vệ rừng đạt 16.600 ha. Cụ thể: Ban QLRPH Nam Quảng Bình 1.800 ha, Động Châu 2.000 ha, Ba Rền 2.000 ha, Long Đại 3.300 ha, Quảng Trạch 3.000 ha, Tuyên Hóa 3.000 ha, Minh Hóa 1.500 ha.

Rừng Khe Nước Trong đang được quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: N.L

Rừng khe Nước Trong đang được quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt.

Ảnh: N.L

Đi đôi với việc phát triển rừng, các đơn vị chủ rừng cũng đã củng cố, kiện toàn, bố trí và sắp xếp lực lượng phù hợp trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ. Năm 2011, Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng và 8 Ban QLRPH đã kiện toàn 47 tổ, đội PCCC với 361 người tham gia; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và ký cam kết bảo vệ rừng và PCCC trong cộng đồng thôn, bản sống liền rừng, ven rừng và phụ thuộc vào rừng.

Chính hoạt động tuyên về bảo vệ rừng và phát triển rừng tốt nên đã góp phần nâng cao trách nhiệm và ý thức bảo vệ rừng của nhân dân và kết quả đáng ghi nhận là năm 2011 các khu rừng phòng hộ và rừng đặc dụng trên địa bàn không xảy ra cháy rừng.

Các chủ rừng cũng đã chủ động và thường xuyên kiểm tra truy quét lâm tặc các khu vực thường hay xảy ra tình trạng khai thác rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Đặc biệt là đối với các địa bàn được xác định là điểm nóng như: khu vực xã Dân Hóa, tiểu khu 37, 39 thuộc lâm phần quản lý của Ban QLRPH Minh Hóa; khu vực Khe Nét, tiểu khu 38 thuộc quản lý của Ban QLRPH Tuyên Hóa; khu vực Đá Đẽo; xã Phúc Trạch, Xuân Trạch; khu vực giáp ranh tỉnh Quảng Bình- Quảng Trị thuộc quản lý Ban QLRPH Động Châu...

Thực trạng đáng báo động

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tốt trong công tác bảo vệ và phát triển rừng thì công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các Ban QLRPH vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đó là tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ rừng, khai thác gỗ trái phép còn tiếp diễn.

Năm 2011, các Ban QLRPH đã phát hiện, lập biên bản và chuyển giao cơ quan chức năng xử lý 82 vụ vi phạm, tịch thu 168,31 m3 gỗ các loại và các phương tiện vi phạm như: máy cưa xăng, xe máy. Trong đó, Ban QLRPH Động Châu xử lý 20 vụ vi phạm với khối lượng 25,28 m3 gỗ, Ban QLRPH Long Đại 17 vụ với 38,66 m3 gỗ, Ban QLRPH Ba Rền 13 vụ với 19,866 m3 gỗ, Ban QLRPH Tuyên Hóa 17 vụ với 62 m3 gỗ...

Đáng nói hơn, thời gian gần đây tình trạng chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng ở các địa phương về cả mức độ và tính chất nhưng lại thiếu sự can thiệp đồng bộ và kịp thời của các cấp, các ngành chức năng.

Gỗ khai thác trái phép được tịch thu tại đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1 (Chi Cục kiểm lâm tỉnh). Ảnh: N.L
Gỗ khai thác trái phép được tịch thu tại đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1 (Chi Cục kiểm lâm tỉnh). Ảnh: N.L

Điển hình như: Ngày 23-5-2011, trong khi lực lượng kiểm lâm Trạm kiểm lâm Xuyên Á đang làm việc tại trụ sở thì bất ngờ có 30 đối tượng đi xe máy mang theo vũ khí xông thẳng vào phá hoại tài sản và đánh đập dã man một số cán bộ của trạm. Hay vụ việc ngày 17-7-2011, một nhóm đối tượng dùng hung khí tấn công và bắt giữ 3 kiểm lâm viên của Trạm Kiểm lâm Thượng Hóa, Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng...

Ông Phạm Hồng Thái, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do đời sống nhân dân vùng gần rừng, liền rừng còn nhiều khó khăn, đa phần không có việc làm và chủ yếu dựa vào rừng để mưu sinh.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ đối với nguồn vật liệu gỗ, đặc sản rừng ngày càng cao làm gia tăng sức ép đối với rừng. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho các hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng còn ít, phương tiện phục vụ tuần tra kiểm soát lâm sản không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nên hiệu quả công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản bị hạn chế.

Mặt khác, đại bộ phận lực lượng của các Ban QLRPH chưa được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, không được trang bị công cụ hỗ trợ nên gặp nhiều khó khăn trong thực thi nhiệm vụ. Một số vụ về chống người thi hành công vụ chậm được xử lý hoặc xử lý không nghiêm, thiếu tính răn đe và giáo dục...

                                                                                                    N. L





,
.
.
.