.

Bác Hồ và những năm Ngọ nhiều dấu ấn

Thứ Năm, 30/01/2014, 13:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có 79 mùa xuân, đặc biệt, bốn năm Ngọ có nhiều dấu ấn đáng nhớ nhất. Đó là năm Canh Ngọ 1930, Nhâm Ngọ 1942, Giáp Ngọ 1954 và Bính Ngọ 1966.

Năm Canh Ngọ 1930 : Nguyễn Ái Quốc từ một cơ sở ở Thái Lan, đáp xe lửa đi Băng Kok, rồi xuống tàu thủy đến Singapore, rồi chuyển sang một con tàu khác đến Hương Cảng (Trung Quốc) vào ngày 23-12-1929. Các đồng chí Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Phong ra tận cảng biển bí mật đón Người.

Sau khi thống nhất với các đồng chí mình về Hội nghị thành lập Đảng, Người tìm gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tỉnh ủy Quảng Đông đề nghị được giúp đỡ bảo đảm an toàn cho hội nghị.

Hội nghị họp từ ngày 3 tháng 2 năm 1930, tức mồng 5 Tết Canh Ngọ, đến ngày 7-2-1930, tại Cửu Long gần Hương Cảng (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, đại diện Quốc tế Cộng sản. Hội nghị nhất trí hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng để lập một đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 24-2-1930, theo yêu cầu của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng đã ra Quyết định chấp nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thành công của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm sáng tỏ thêm tầm cao tư tưởng và phương pháp lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta.

Năm Nhâm Ngọ 1942: Xuân Nhâm Ngọ 1942, Người ăn Tết Nguyên đán, đón giao thừa trên Đất mẹ, và đã viết bài thơ chúc Tết đầu tiên đăng trên báo “Việt Nam độc lập”, số 114, ra ngày 1-1-1942:                      

Chúc năm mới

Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi.
Năm cũ qua rồi, chúc năm mới:
Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong !
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi !
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau !
Chúc Việt Minh ta càng tấn tới !
Chúc toàn quốc ta trong năm này,
Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới !
Năm này là năm rất vẻ vang,
Cách mệnh thành công khắp thế giới.

Bài thơ được viết ra trong cảm hứng xuân phơi phới và một niềm tin mãnh liệt: “Cách mệnh thành công khắp thế giới”. Mỗi lời chúc Tết của Bác đều gắn với nhiệm vụ cụ thể. Nội dung bài thơ thể hiện tính chiến lược cách mạng nhất quán là đoàn kết toàn dân chiến đấu dưới lá cờ đỏ sao vàng được Mặt trận Việt Minh phất cao và đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của đất nước.

Đầu năm Nhâm Ngọ 1942, Người đã sáng tác bài diễn ca, theo thể lục bát, tựa đề: “Địa dư nước ta” nhằm nâng cao sự hiểu biết về địa lý, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước cho quần chúng cách mạng.

Sau “Địa dư nước ta”, Người còn sáng tác bài diễn ca, tựa đề : “Lịch sử nước ta”, gồm 210 câu và một bảng ghi “Những năm quan trọng” gồm 30 sự kiện kèm theo, nhằm ca ngợi những trang sử vẻ vang dựng nước và giữ nước của dân tộc suốt từ thời Hồng Bàng cho đến tháng 2-1942, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân, đề cao lòng tự hào dân tộc, kịp thời động viên toàn dân đoàn kết, tham gia Mặt trận Việt Minh làm cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc.

Sự kiện cuối cùng trong bảng “Những năm quan trọng”, Người đã dự đoán: “Việt Nam độc lập 1945”. Lời tiên tri của Người đã trở thành hiện thực với cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 - 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cũng trong năm Nhâm Ngọ 1942, trên đường đi công tác, Người đã bị bọn phản động Tưởng Giới Thạch bắt giam, đày ải qua 14 nhà tù ở Trung Quốc. Chính trong thời gian này, Người đã viết tập thơ “Nhật ký trong tù” - một áng văn chương bất hủ.

Năm Giáp Ngọ 1954: Ngày 1-1-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị để chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ và bàn việc triển khai kế hoạch điều động lực lượng cho chiến trường Tây Bắc.

Khi giao nhiệm vụ cho Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Người nói: “Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng ! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”.

Năm Giáp Ngọ 1954, năm của Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, trong Thơ chúc Tết, ngày 1-2-1954, Người đã giao cho quân và dân ta hai nhiệm vụ:

“Đẩy mạnh kháng chiến để giành
                                        độc lập tự do,
Cải cách ruộng đất là công việc rất to,
Dần dần làm cho người cày có ruộng
                            khỏi lo nghèo nàn”
Cuối bài thơ, Người khẳng định:
“Quân và dân ta nhất trí kết đoàn,
Kháng chiến, kiến quốc nhất định
                             hoàn toàn thành công.
Hòa bình dân chủ thế giới khắp
                              Nam, Bắc, Tây, Đông,
Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều”.

Ngày 19-9-1954, tại Đền Hùng, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong (Sư đoàn 308), trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, với câu nói nổi tiếng, Người căn dặn: “Các Vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

Năm Bính Ngọ 1966: Ngày 1-1-1966, trong Thơ chúc mừng năm mới, Người lạc quan khẳng định chiến thắng tất yếu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta:

“Mừng miền Nam rực rỡ chiến công,
Nhiều Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Plâyme,
                                             Đà Nẵng...
Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng,
Giặc Mỹ leo thang ngày càng thua nặng.
Đồng bào cả nước đoàn kết một lòng,
Tiền tuyến hậu phương, toàn dân
                                               cố gắng.
Thi đua sản xuất chiến đấu xung phong.    
Chống Mỹ, cứu nước, ta nhất định
                                                thắng”.

Năm Bính Ngọ 1966, quân và dân hai miền Nam - Bắc lập nhiều chiến công lớn, đánh thắng bước đầu chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ.

Nguyễn Xuyến