Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Hội nghị chuyên đề công tác giám sát của Đảng

Cập nhật lúc 07:07, Thứ Năm, 14/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 13-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị chuyên đề công tác giám sát của cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra 3 cấp. Tham dự hội nghị có đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Đinh Công Hải, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh ủy,  Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy; đồng chí Trần Xuân Vinh, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh ủy,  Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ...

Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, phát biểu tại hội nghị.

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giám sát của cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra ba cấp từ năm 2006 đến năm 2012 nêu rõ: Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp sớm ban hành Quy chế làm việc của uỷ ban kiểm tra các cấp; xây dựng và ban hành chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa; kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm; ban hành quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát.

Nội dung giám sát đã tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, bám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.Quá trình giám sát, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thực hiện đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền giám sát theo quy định. Qua giám sát đã giúp cấp ủy đánh giá đúng tình hình; từ đó, có biện pháp chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời khuyết điểm. Những trường hợp tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm, sau giám sát đều kiên quyết chuyển qua uỷ ban kiểm tra để kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.

Cùng với giám sát thường xuyên, công tác giám sát chuyên đề cũng đã được chú trọng; đối tượng, nội dung giám sát ngày càng được mở rộng, trong đó tập trung giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết, chỉ thị, các quy định của cấp ủy cấp trên và cấp mình; việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, chức trách nhiệm vụ được giao. Qua giám sát đã kịp thời phát hiện khuyết điểm, sai phạm để chấn chỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ giám sát vẫn còn những hạn chế. Nhiều cấp ủy vẫn chưa chú trọng thực hiện nhiệm vụ giám sát; nội dung giám sát còn ít. Chất lượng, hiệu quả công tác giám sát chưa cao, chưa coi trọng giám sát phòng ngừa; nhiều hạn chế, khuyết điểm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện, chấn chỉnh...

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ nhấn mạnh nhiệm vụ giám sát trong năm 2013 là, cấp uỷ các cấp, trước hết là các đồng chí trong thường trực cấp ủy phải có nhận thức đúng về công tác giám sát; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp uỷ Đảng, phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát.

Hiện nay, các cấp uỷ Đảng đang nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, do đó công tác giám sát lại càng phải được chú trọng hơn.

Cấp ủy các cấp phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức để các cấp ủy, tổ chức Đảng, các tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ vị trí, ý nghĩa của công tác giám sát trong Đảng; xác định vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia giám sát hoạt động của Đảng. Đồng thời, phải chú trọng xây dựng cơ chế phối hợp giám sát trong Đảng với giám sát của các tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của nhân dân.

Uỷ ban kiểm tra các cấp phải tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ giám sát; tham mưu, đề xuất với cấp uỷ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát, từ việc xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, đối tượng giám sát và tổ chức lực lượng giám sát.

Phải nắm chắc tình hình thực tiễn, những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương, đơn vị để lựa chọn những nội dung, tiến hành giám sát có hiệu quả; tập trung giám sát một số nội dung, lĩnh vực có liên quan đến các quyết định quan trọng của cấp ủy, tổ chức đảng, bảo đảm thực hiện tốt cả giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề. Cần quan tâm giám sát việc thực hiện kết luật, quyết định của cấp ủy và uỷ ban kiểm tra cấp mình sau khi kiểm tra, để góp phần nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra. Trước mắt, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra ba cấp cần phải tiến hành giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp về xây dựng Đảng hiện nay" để có biện pháp lãnh đạo chỉ đạo thực hiện Nghị quyết tốt hơn.

Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm thì phải kiên quyết chuyển uỷ ban kiểm tra xem xét, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, như vậy mới nâng cao tính giáo dục, ngăn ngừa sai phạm.

                                                                                 P. V




 

,
.
.
.