Các cơ quan, đơn vị địa phương tổ chức hội nghị góp ý vào Dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992

Cập nhật lúc 12:26, Thứ Sáu, 08/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Sở Tư pháp vừa tổ chức hội nghị thông qua dự thảo báo cáo tổng hợp ý đóng góp sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tham gia hội nghị có đông đủ cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng sở cùng lãnh đạo phòng Tư pháp các huyện, thành phố.

Tại buổi hội nghị, có 10 ý kiến trình bày trực tiếp và rất nhiều ý kiến góp ý bằng văn bản được gửi đến tổ giúp việc. Hầu hết ý kiến tại hội nghị đều thống nhất đánh giá: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được soạn thảo khá công phu, kế thừa được các bản Hiến pháp trước đó cũng như đã nắm bắt được xu thế phát triển của đất nước. Nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Hiến pháp đã giải quyết được những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992; bảo đảm là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính dự báo và ổn định lâu dài. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung, sửa đổi một số từ, cụm từ trong Hiến pháp cho rõ nghĩa, bảo đảm chặt chẽ trong quá trình thực hiện.

Nhờ có sự chủ động lập kế hoạch, tiến hành gợi ý, phân công nội dung, lĩnh vực để có sự tập trung nghiên cứu, góp ý kiến chuyên sâu theo từng nội dung cụ thể nên đã có nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết, thể hiện trách nhiệm của người làm công tác tư pháp đối với bản Hiến pháp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

                                                                                 Hương Lê

* Sau hội nghị triển khai kế hoạch tại huyện, các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bố Trạch đã triển khai đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Theo đó, toàn huyện có 338 điểm được tổ chức lấy ý kiến góp ý với tổng số 117.000 lượt người tham gia góp ý. Nội dung được góp ý gồm Lời nói đầu và 10/11 chương của Dự thảo. Tổng số điều được góp ý sửa đổi, bổ sung là 74/124 điều.

Ngoài ra, còn có thêm một số ý kiến góp ý chung khác về nội dung, bố cục, thứ tự của các chương, điều... trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Cùng với việc tổng hợp ý kiến của nhân dân, huyện Bố Trạch đã hoàn chỉnh báo cáo tổng hợp, tổ chức hội nghị tại huyện với sự tham gia của đội ngũ cán bộ cốt cán các cơ quan, đơn vị, địa phương và các cá nhân nguyên là lãnh đạo chủ chốt của huyện qua các thời kỳ cùng tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

                                                                                      N. M


* Thực hiện Kế hoạch của Sở Giáo dục-Đào tạo về việc lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Phòng Giáo dục-Đào tạo Minh Hóa đã triển khai nghiêm túc việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Để việc lấy ý kiến mang lại hiệu quả cao, đơn vị đã thành lập Ban tổ chức thực hiện lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; phổ biến nội dung dự thảo và tổ chức lấy ý kiến trong toàn thể lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên Phòng, cán bộ quản lý các trường học; đồng thời chỉ đạo các trường học tổ chức thực hiện lấy ý kiến tại đơn vị mình.

Kết quả, Phòng GD-ĐT Minh Hóa đã nhận được 45 ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó, có 27 ý kiến cơ bản nhất trí về nội dung, bố cục và kỹ thuật xây dựng Hiến pháp, 18 ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung, tập trung ở các điều 4, 15, 34, 38, 107, 112...

                                                                                     N. M

* Thực hiện kế hoạch triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của tỉnh và huyện, ngày 4-3, xã Vạn Ninh tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tại hội nghị, với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, các đại biểu cơ bản thống nhất cao với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, có 10 ý kiến phát biểu góp ý đề nghị sửa đổi và bổ sung 45 ý trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó, tập trung vào những nội dung chính như cần bổ sung một số từ ngữ dễ hiểu vào Điều 1, Điều 2, Điều 3, Điều 4 của Chương I về Chế độ chính trị; ngoài việc bổ sung những điều mới như Điều 16 và Điều 21, Điều 44, Điều 45, Điều 46 của Chương II về Quyền con người, pquyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cần  bổ sung thêm quyền giám sát, phản biện xã hội và quyền được xét xử công bằng, quyền có mức sống tối thiểu, quyền giữ gìn văn hóa các dân tộc thiểu số....; cần thay thế một số cụm từ của Điều 59, Điều 66, Điều 67, Điều 68 của Chương III về Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường; Điều 70, Điều 71 của chương IV về bảo vệ Tổ quốc v.v.. 

                                                                            Hồng Minh
                                                                  (Đài TT Quảng Ninh)




 

,
.
.
.