Tập trung vận động nhân dân tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Cập nhật lúc 14:30, Thứ Hai, 11/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Gần 30 năm đổi mới, đất nước có sự thay đổi lớn trên các lĩnh vực, ngày càng có vị thế trên trường quốc tế, tham gia vào nhiều tổ chức thế giới, đồng thời thế giới cũng có những biến động cho nên Hiến pháp năm 1992 cũng có những nội dung không phù hợp, có nội dung cần bổ sung thêm cho hoàn chỉnh và có những nội dung mới.

Vì vậy, sửa đổi Hiến pháp và yêu cầu toàn dân góp ý là việc làm cần thiết nhằm xây dựng đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Cùng với các tổ chức, đơn vị trong tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác vận động nhân dân tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và bước đầu đã tạo được nhiều hiệu ứng tích cực.

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang triển khai mạnh mẽ, sâu rộng trong toàn tỉnh. Quán triệt Nghị quyết Trung ương 2, Kết luận Trung ương 5 (khoá XI), Chỉ thị số 22-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội, Ủy ban MTTQVN tỉnh đang tập trung cao độ triển khai với mục tiêu bảo đảm các yêu cầu: Tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương và địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đối với các tổ chức thành viên của Mặt trận tỉnh và Mặt trận các huyện, thành phố.

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tiến hành với nhiều hình thức: Góp ý trực tiếp, góp ý bằng văn bản gửi đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; tổ chức hội nghị thảo luận, lấy ý kiến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng một cách rộng rãi, dân chủ, công khai. Đối với hình thức góp ý thông qua văn bản, sau hội nghị triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã phân công thư ký hướng dẫn, tiếp nhận, lập danh sách các ý kiến góp ý bằng văn bản của cá nhân, cơ quan, tổ chức chuyển đến, đồng thời phân loại, ghi chép, tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan các ý kiến góp ý để tổng hợp báo cáo. Còn đối với hình thức góp ý thông qua hội nghị, để triển khai thực hiện có hiệu quả việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, từ ngày 22-1-2013 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Thường trực mở rộng đến trưởng, phó ban, Văn phòng cơ quan Ủy ban MTTQVN tỉnh vào ngày 22-1-2013 và hội nghị triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tổ chức vào ngày 28-1-2013.

Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức hội nghị triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức hội nghị triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Trên cơ sở các nội dung được quán triệt tại hội nghị triển khai, các tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQVN tỉnh, Mặt trận các huyện, thành phố; các hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQVN tỉnh; đại diện dân tộc thiểu số, tôn giáo... đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia góp ý; tổ chức lấy ý kiến các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, công nhân, nông dân, chức sắc, tôn giáo... ở đơn vị mình bảo đảm các yêu cầu về chất lượng, tiến độ, an ninh trật tự và tiết kiệm. Các nội dung góp ý tại các hội nghị đã được các đơn vị tập hợp, tổng hợp thành văn bản và gửi cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đúng tiến độ để tổng hợp chung.

Với tinh thần dân chủ, tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã tham gia nhiều ý kiến góp ý có chất lượng vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong đó tập trung chủ yếu vào các nội dung như: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp. Nhiều ý kiến tập trung góp ý sâu vào các nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm. Tính đến nay, đã có 159 xã, phường, thị trấn, 7/7 Mặt trận huyện, thành phố, 13/35 tổ chức thành viên của Mặt trận tỉnh đã tổ chức xong việc lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Qua công tác kiểm tra, nắm bắt thông tin từ các tổ chức thành viên của Mặt trận tỉnh và Mặt trận các huyện, thành phố, thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận và các tổ chức thành viên, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được tiến hành khẩn trương, có chất lượng; an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội được bảo đảm; công tác tổng hợp ý kiến đầy đủ, chính xác, bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng và tiết kiệm theo chỉ đạo của tỉnh. Cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã được tạo điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, tìm hiểu, tham gia, đóng góp vào Dự thảo Hiến pháp. Hàng ngàn ý kiến tham gia, đóng góp được các cấp, các ngành, tổ chức tổng hợp đã thể hiện được ý thức, tinh thần trách nhiệm của người dân đối với đất nước.

Đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Những kết quả bước đầu trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

                                                                                 Đào Vân


 

,
.
.
.