Các cơ quan, đơn vị và địa phương góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Cập nhật lúc 07:40, Thứ Hai, 11/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 38/2012 ngày 23-11-2012 của Quốc hội và kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND huyện Quảng Ninh đã thành lập Ban chỉ đạo và triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cấp phát tài liệu và đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng này trong toàn thể nhân dân.

Sau một thời gian thực hiện, tính đến ngày 4-3-2013, đã có 1.446 đại biểu tham gia góp ý tại các hội nghị xã, thị trấn, 22 đơn vị báo cáo tổng hợp  với 74 ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhìn chung, các ý kiến cơ bản thống nhất với chủ trương lấy ý kiến nhân dân và những nội dung trong Dự thảo đã nêu. Các ý kiến góp ý tập trung các vấn đề như Chế độ chính trị; Quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; Bảo vệ Tổ quốc; Chính quyền địa phương...

Để tiếp tục góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 6-3-2013, HĐND huyện Quảng Ninh tổ chức hội nghị góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.  Với tinh thần dân chủ thẳng thắn, tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích và làm rõ những điều cơ bản về Quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Chính quyền địa phương; Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường...

Trong đó, nhiều ý kiến góp ý như Điều 115 cần bổ sung cụm từ “ở đâu có tổ chức chính quyền địa phương thì ở đó có HĐND”; Xem xét lại cụm từ “thời gian dài” trong Điều 98; Bỏ cụm từ “có trách nhiệm” tại khoản 3 Điều 68; Bỏ cụm từ “và có quyền ngang nhau” trong khoản 1 Điều 27; Thay từ “kín” tại khoản 1 Điều 88 bằng từ "nội bộ"; Bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật” vào Điều 50. Xem xét lại từ “hùng mạnh” trong Điều 73; Bổ sung thêm cụm từ “trừ trường hợp do luật định” vào Điều 21; Thay cụm từ “không ai bị kết án 2 lần vì một tội phạm” tại khoản 2 Điều 32 bằng cụm từ “không ai bị kết án 2 lần vì một lần phạm tội”...

Sau hội nghị này, HĐND huyện Quảng Ninh tiếp tục tiếp nhận nội dung góp ý của nhân dân thông qua các hình thức góp ý nhằm bảo đảm đợt góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có chất lượng và đạt hiệu quả cao.

                                                                            Hồng Minh
                                                               (Đài TT -TH Quảng Ninh)

* Ngày 4-3, Ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 huyện Minh Hóa đã tổ chức cuộc họp để thống nhất nội dung, hình thức báo cáo kết quả tổng hợp các ý kiến góp ý của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Thực hiện Chỉ thị số 22 - CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội, các kế hoạch của tỉnh, huyện Minh Hóa đã tăng cường công tác chỉ đạo, kịp thời cung cấp các văn bản chỉ đạo để hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Đồng thời, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân tiếp thu tinh thần của đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng này.

Thông qua hội nghị cũng như khuyến khích nhân dân góp ý trực tiếp bằng văn bản, Ban chỉ đạo huyện Minh Hóa đã tiếp nhận 313 ý kiến của 36 đơn vị và 8 cá nhân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó có 74 ý kiến không tán thành một số điều khoản trong Dự thảo sửa đổi Hiếp pháp, 120 ý kiến bổ sung vào một số điều khoản trong Dự thảo, 107 ý kiến góp ý sửa đổi một số điều khoản trong dự thảo và 12 ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều khoản trong dự thảo. Nhân dân huyện Minh Hóa đóng góp bổ sung tất cả các chương của dự thảo Hiến pháp, nhưng chủ yếu tập trung vào Lời nói đầu, Chương I, II, III.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo huyện, các ý kiến đóng góp vào dự thảo đã thể hiện tâm huyết, trí tuệ và mang tính xây dựng cao, đồng thời thống nhất quan điểm việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là yêu cầu của thực tiễn, sửa đổi để phù hợp với công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Trên tinh thần trung thành, khách quan đối với những ý kiến góp ý của nhân dân, Ban chỉ đạo huyện Minh Hóa tổng hợp để gửi lên Ban chỉ đạo của tỉnh.

                                                                   Mạnh Chi - Thùy Linh
                                                                  (Đài TT-TH Minh Hóa)

* Thông qua các hình thức lấy ý kiến như tổ chức hội nghị toàn ngành và tại 7 phòng GD-ĐT các huyện, thành phố, các đơn vị và cơ sở giáo dục, lồng ghép trong các buổi tọa đàm sinh hoạt chuyên môn..., toàn ngành GD-ĐT đã có 15.630 lượt ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Phần lớn nội dung các ý kiến đều nhất trí với Dự thảo. Căn cứ vào kết quả góp ý, Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ngành GD-ĐT đã tổng hợp 85 ý kiến đề nghị sửa đổi bằng văn bản và gửi lên cấp trên đúng thời gian quy định. Nội dung các ý kiến đề nghị sửa đổi tập trung vào Lời nói đầu; một số điều của các chương I, II, III, IV, V, VI, VII và Chương X. Ngoài ra còn có một số ý kiến đề nghị sửa đổi về cách diễn đạt, sử dụng các cụm từ ở một số điều khoản còn lại...

                                                                                  N. M



 

,
.
.
.