Học Bác từ một cách làm khuyến học

Cập nhật lúc 09:31, Thứ Ba, 22/11/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã trở thành nguồn động lực vô cùng to lớn để mỗi tổ chức đảng, mỗi tập thể, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân phấn đấu học tập, lao động và làm việc tốt hơn. Một trong những đảng viên tiêu biểu trong Cuộc vận động ở huyện Quảng Ninh mà tôi đã gặp, có một cách làm khuyến học rất độc đáo, có ý nghĩa, đó là bác Phạm Thế Bồng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Lương Ninh.

Bác Phạm Thế Bồng là một người có gần 40 năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người", nhiều năm làm công tác quản lý giáo dục, nên rất hiểu công tác khuyến học, khuyến tài có vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy phong trào học tập ở các nhà trường. Ý tưởng xây dựng giải thưởng "Niềm tin" của bác Phạm Thế Bồng đã có từ lâu, nhưng trước đây do đang đương chức, thời gian chưa cho phép, nên năm 2006, sau khi được nghỉ hưu, bác mới có điều kiện để thực hiện.

Từ năm 2007, với vai trò là bí thư chi bộ 3, thôn Lương Yến, Đảng bộ xã Lương Ninh, bác Phạm Thế Bồng đã cùng với chi bộ triển khai nghiêm túc các nội dung Cuộc vận động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần xây dựng chi bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, xây dựng xóm thôn không ngừng đổi mới, phát triển.

Là một người đảng viên có nhiều năm tuổi Đảng, bác Phạm Thế Bồng đã học tập được nhiều điều bổ ích từ các chuyên đề của Cuộc vận động, trong đó bác rất tâm đắc với những mẩu chuyện kể về đức tính tiết kiệm vì đất nước, vì nhân dân và vì mọi người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Soi vào nhiệm vụ làm khuyến học của mình, bác càng tin tưởng rằng giải thưởng "Niềm tin" của mình với mong muốn "bù đắp những gì khi đương chức chưa thực hiện được" nhất định sẽ thành công nếu bác và cả gia đình biết tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày; việc làm khuyến học của mình nhất định sẽ được gia đình, đồng chí, đồng nghiệp và cả xã hội ghi nhận, đồng tình.

Ông Phạm Thế Bồng bồi dưỡng tư duy giải bài tập cho học sinh giỏi tại nhà. Ảnh: T.V.H
Ông Phạm Thế Bồng bồi dưỡng tư duy giải bài tập cho học sinh giỏi tại nhà. Ảnh: T.V.H

Điều đó chính là động lực quan trọng giúp bác vượt qua những khó khăn ban đầu, vượt qua được những lời "dị nghị" là "Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", hay "Làm chuyện không tưởng" để biến ý tưởng của mình trở thành hiện thực, đưa lại "niềm tin", giúp cho các thầy cô giáo và các em học sinh trong vùng có thêm động lực phấn đấu vươn lên dạy tốt, học tốt...

Để bắt tay vào xây dựng giải thưởng "Niềm tin", hàng tháng, mỗi lần nhận lương, bác Bồng đã trích lại một phần để dành. Năm học 2006 - 2007, bác đã liên hệ với Trường tiểu học và THCS Lương Ninh để thống nhất xây dựng cơ cấu tiền thưởng hàng năm, khen thưởng đặc biệt cũng như cách thức trao thưởng cho những em học sinh có thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc đạt tiêu chuẩn theo tiêu chí của giải đã  đặt ra.

Đối với giải thưởng tặng thường xuyên, trong năm học, những học sinh lớp 5 và lớp 9 đạt giải nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, có kết quả học tập, rèn luyện cao, sẽ được bác tặng thưởng 250.000đ, giải nhì được 200.000đ, giải ba được 150.000đ và giải khuyến khích được thưởng 100.000đ. Đối với khen thưởng đặc biệt, những em học sinh đã được nhận giải thưởng "Niềm tin" cả năm học lớp 5 và lớp 9 sẽ được bác thưởng cho 1 chuyến tham quan, du lịch, theo mức được  quy định: tham quan 4 ngày ở thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội, tham quan 2 ngày ở thành phố Huế hoặc Vinh, tham quan 1 ngày trong tỉnh và tham quan 1 ngày trong huyện  căn cứ vào các mức giải học sinh giỏi cả lớp 5 và lớp 9 mà các em đạt được...

Từ năm học 2008 - 2009, giải thưởng "Niềm tin" đã được bác Phạm Thế Bồng mở rộng thêm ở Trường THCS Vĩnh Ninh và từ năm học 2009 - 2010, mở rộng thêm ở Trường THCS Quán Hàu. Từ khi giải thưởng "Niềm tin" ra đời đến nay, bác Phạm Thế Bồng đã trao thưởng cho 32 lượt học sinh các trường tiểu học, THCS ở 4 nhà trường có thành tích học tập xuất sắc và đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi với tổng số tiền trên 4 triệu đồng.

Tuy số tiền trao thưởng hàng năm cho mỗi em đạt giải là không lớn,  nhưng từ khi giải thưởng "Niềm tin" của bác Phạm Thế Bồng ra đời đã có tác dụng rất lớn trong công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn huyện Quảng Ninh. Học theo cách làm của bác, từ lâu, hàng năm, Hội đồng hương xã Vĩnh Ninh tại thành phố Hà Nội đều xây dựng quỹ khuyến học và gửi về để Trường THCS Vĩnh Ninh trao thưởng cho các em học sinh có thành tích cao trong học tập và rèn luyện. Thấy được ý nghĩa của giải thưởng "Niềm tin", ông Lê Đức Lương, Giám đốc Công ty XDTH Lương Ninh, huyện Quảng Ninh cũng đã đóng góp tiền và phối hợp với bác Phạm Thế Bồng để mở rộng và phát triển quy mô giải thưởng.

Ngoài việc trao thưởng cho các em học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi theo quy định của giải thưởng, từ năm học 2010 - 2011, bác Phạm Thế Bồng còn liên hệ với Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện trao thêm 01 giải thưởng trị giá 500.000 đồng cho một giáo viên có thành tích xuất sắc nhất huyện trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Và giải thưởng đã được trao cho cô giáo Trần Thị Hoà ở Trường THCS thị trấn Quán Hàu.

Không chỉ dừng lại với giải thưởng "Niềm tin" do mình xây dựng, vừa qua, bác Phạm Thế Bồng còn mở tại nhà mình 1 lớp học mang tên "Bồi dưỡng tư duy cho học sinh qua việc giải bài tập các môn học" nhằm bồi dưỡng kỹ năng và tư duy giải bài tập cho các em học sinh xếp loại giỏi hoặc có giải học sinh giỏi các cấp từ các bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Toán, Vật lý và Sinh học. Hiện nay lớp học của thầy có 6 học sinh lớp 7 trong xã tham gia.

Vâng, nói đến công tác khuyến học, thì khắp nơi trong tỉnh ta có nhiều cách làm hay, độc đáo và sáng tạo, có nhiều cán bộ, đảng viên và người dân rất tâm huyết. Nhưng cách  bác Phạm Thế Bồng học theo gương Bác Hồ, chắt chiu, tiết kiệm từ những đồng lương hưu trí khiêm tốn của mình để làm khuyến học là việc làm hết sức có ý nghĩa.

                                                                                                        Trương Văn Hà

,
.
.
.