Đảng bộ An Ninh (Quảng Ninh): Quan tâm phát triển kinh tế nông nghiệp

Cập nhật lúc 09:55, Thứ Sáu, 18/11/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Là một xã thuần nông, có điểm xuất phát thấp, trong những năm qua, đặc biệt là sau đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ xã An Ninh (Quảng Ninh) đã xác định phát triển nông nghiệp là mục tiêu hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội.  Các cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện mục tiêu đó với nhiều cách làm sáng tạo, đến nay có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp phát huy hiệu quả, bộ mặt vùng quê lúa An Ninh đã có nhiều đổi mới.

Xã An Ninh có tổng diện tích tự nhiên 1.948ha với 2.208 hộ chủ yếu sinh sống dựa vào nông nghiệp. Điều kiện đất đai của xã không thuận lợi, địa hình thấp trũng, hàng năm thường gánh chịu thiệt hại do lũ lụt gây ra, nên sản xuất nông nghiệp khá bấp bênh.

Xác định nông nghiệp là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đổi một số cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng. Nếu như trước đây bình quân mỗi hộ có trên 10 khoảnh ruộng thì sau khi dồn điền đổi thửa đã thu lại còn 3-4 thửa. Đặc biệt trong thời gian qua An Ninh đã chú trọng đầu tư thâm canh, đưa một số giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao vào trồng thử nghiệm bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ thế 9 tháng đầu năm mặc dù chịu nhiều tác động của suy thoái kinh tế nhưng tình hình kinh tế xã An Ninh vẫn tăng trưởng khá, một phần là nhờ tập trung sản xuất nông nghiệp.

Nhờ công tác chỉ đạo chăm bón, điều tiết nước hợp lý, vụ đông-xuân vừa qua toàn xã An Ninh gieo trồng được 885,5ha tăng 10ha, năng suất 66,6 tạ/ha tăng 7,17 tạ/ha, sản lượng 5.909,2 tấn tăng 695,8 tấn so với vụ đông-xuân trước và được xem là vụ bội thu nhất. Vụ hè-thu gieo trồng được 316,5 ha, năng suất 59,1tấn/ha, sản lượng 2115,1 tấn (sản lượng tái sinh là 252 tấn). Đặc biệt thôn Hoành Vinh được xem là đơn vị tiêu biểu của huyên Quảng Ninh, luôn dẫn đầu về năng suất, sản lượng trong toàn xã. Vụ đông-xuân vừa qua thôn gieo trồng 365 ha chiếm 41,2% diện tích toàn xã, sản lượng 2.539 tấn chiếm 42% sản lượng toàn xã.

Hầu hết những hộ gia đình trong thôn đều đi lên từ cây lúa, nhiều hộ sản xuất đến vài ba mẫu. Điển hình có hộ gia đình ông Võ Phi Hiến gieo trồng 6 mẫu. Vụ hè thu vừa qua sản lượng gia đình ông thu được trên  20 tấn, lúa tái sinh là 7,5 tấn. Bình quân 1kg thóc có giá trên thị trường 7.500 đồng, tính ra 1ha bà con lãi gần 20 triệu đồng. Hiệu quả càng tăng lên rõ rệt từ khi xã có chủ trương dồn điền đổi thửa gia đình ông đã tận dụng mặt nước kết hợp làm mô hình lúa - cá đem lại thu nhập cao trên 100 triệu đồng. Mô hình lúa - cá cũng được nhiều hộ gia đình áp dụng ở các thôn Thống Nhất, Phúc Nhĩ hiệu quả ban đầu mang lại tương đối cao.

Chăn nuôi bò ở xã An Ninh. Ảnh:Đ.T.N
Chăn nuôi bò ở xã An Ninh. Ảnh:Đ.T.N

Nét mới trong công tác chỉ đạo sản xuất của xã là ngoài những giống lúa X21, X23, quen với đồng đất địa phương; thời gian qua xã đã đưa các giống mới PT6 vào trồng thử nghiệm, cho năng suất cao hơn các giống trước đây. Vụ đông-xuân tới An Ninh sẽ tiếp tục đưa thêm một số giống năng suất, chất lượng cao vào trồng như HT1, TBR1,TBR45. Mặt khác An Ninh cũng đã chủ trương chuyển đổi một số cây trồng phù hợp với vùng bán sơn địa như cây chuối, sắn ra diên rộng

Cùng với việc phát triển cây lúa,  đảng bộ xã luôn quan tâm, chỉ đạo, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho bà con. Nhiều mô hình chăn nuôi kết hợp lúa – cá – lợn - vịt đang được triển khai nhân rộng trong toàn xã. Ngoài ra nhằm tận dụng diện tích ao hồ, mặt nước có nhiều phù du thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, vừa qua An Ninh đã nuôi trồng được 50ha, sản lượng thu được 40 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ.

Không chỉ chú trọng phát triển nông nghiệp, việc trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc cũng được xã tập trung chú trọng. Hiện tại toàn xã có hơn 350 ha rừng các loại. Khâu chăm sóc, lập các tổ, tiểu ban bảo vệ rừng được đặc biệt đề cao.  Thời gian tới xã sẽ tiếp tục bảo vệ và chỉ đạo trồng mới thêm nhiều ha rừng và chuyển đổi một số diện tích đất rừng sang trồng cao su.

Với quyết tâm chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và nguồn vốn nhân dân tự đóng góp, An Ninh đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có quy mô lớn phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất cho bà con như công trình nhà hội trường và các phòng chức năng 2,6 tỷ đồng, bãi tràn Đập Miệu 500 triệu đồng, cống Cao Xuân 356 triệu đồng, nhà vệ sinh trường THCS, tiểu học  479 triệu đồng, nâng cấp đê Tân An 900 triệu đồng và kiên cố hóa các hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu nước...

Đi đôi với công tác chăm lo phát triển kinh tế, lĩnh vực  văn hóa- xã hội cũng được quan tâm phát triển. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đang được triển khai, thực hiện. Kết quả có 7/7 thôn đăng ký làng văn hóa, 1565/2011 gia đình đăng ký gia đình văn hóa đã tạo nên một không khí thi đua sôi nổi tích cực làm thay đổi bộ mặt làng xã.  Công tác xóa đói giảm nghèo với nhiều hình thức hỗ trợ cho vay vốn tạo cơ hội cho người nghèo vươn lên thoát nghèo, đến nay hộ nghèo trong toàn xã còn 443 hộ, chiếm tỷ lệ 20,4% (theo chuẩn mới).

                                                                       Đoàn Thị Nguyệt

 

 

 

 

 

 

 

 

,
.
.
.