.

K8 Ký ức không phai - Kỳ 2: Nghĩa tình K8

Thứ Tư, 23/04/2014, 09:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiến tranh đã tôi luyện nên những người con K8 có đủ bản lĩnh để vượt lên nghịch cảnh. Cũng chính trong cuộc trường chinh lịch sử ấy, tại những miền quê họ sống và đi qua, những đứa trẻ K8 đã nhận được biết bao sự bảo bọc, chở che và tình thương yêu sâu sắc của đồng bào. Tình thương yêu ấy tựa đóa hoa thơm ngát vẫn vươn lên giữa cái đói, cái nghèo và sự tàn phá khốc liệt của cuộc chiến chinh.

>> Kỳ 1: Cuộc thiên di màu đỏ

Thời chiến, trẻ em vừa đi học vừa phụ việc đồng áng (Ảnh tư liệu).
Thời chiến, trẻ em vừa đi học vừa phụ việc đồng áng (Ảnh tư liệu).

“Thép từ ngàn độ lửa”

Đến hôm nay, gần nửa thế kỷ trôi qua, những học sinh K8 ngày nào giờ người còn, người mất, người thành danh, kẻ thất bại nhưng có lẽ những tháng ngày gian khó của “cuộc thiên di màu đỏ” ấy sẽ là kí ức mãi mãi không bao giờ quên.

Như một cựu học sinh K8 đã chia sẻ với chúng tôi: “Những ngày tháng gian khó đó đã cho chúng tôi một nghị lực sống. Nhờ đó, chúng tôi đã lớn lên”. Khó khăn, thử thách thời chiến đã rèn đúc nên những con người biết vươn lên trong nghịch cảnh cuộc đời. Để hôm nay, dẫu đang ở vị trí nào trong xã hội, họ vẫn coi đó như một phần quãng đời ý nghĩa nhất đã tôi luyện cho họ những nghị lực sống đầu đời.

Đối với ông Lại Văn Ly, hình ảnh những em nhỏ chỉ mới lên 5, lên 7 tuổi gầy nhom, đứa cầm ba lô, đứa xách ruột tượng nối đuôi nhau đi giữa con đường đầy vết tích bom đạn sẽ mãi là hình ảnh ám ảnh ông đến suốt cuộc đời. Ngày đó, ông vừa là người chỉ đạo, cũng vừa là một người cha tiễn hai con nhỏ lên đường đi sơ tán theo kế hoạch K8. Hơn ai hết, ông hiểu những khó khăn mà các em sẽ phải trải qua, có nước mắt và ắt sẽ không tránh khỏi những thương vong.

“Hầu hết trong những buổi tiễn các em đi, khi cha mẹ khóc, thì những đứa con lại thể hiện niềm vui được đi xa. Nhưng rồi, những ngày sau đó, đứa trẻ nào cũng nhớ nhà, có đứa đau, đứa ốm. Nghĩ lại mà thương lắm”, vị trưởng ban chỉ đạo K8 ngày nào không khỏi nghẹn ngào.

Những ngày kế tiếp của cuộc hành trình đặc biệt ấy, niềm vui con trẻ sẽ dần thay thế bằng nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết. Những đứa trẻ ngày nào vẫn còn bé nhỏ trong vòng tay của mẹ, giờ phải một mình xa gia đình, đến một vùng đất mà đến cái tên thôi đối với các em cũng còn quá xa lạ.

Ông Đoàn Chí Hiển (Hải Đình, Đồng Hới) bồi hồi nhớ lại: “Sau một tháng ròng rã đi giữa mưa gió, giữa bom, đạn, đêm đầu tiên tại nơi tập kết, tôi nhớ nhà đến quay quắt. Nhìn mọi thứ xung quanh đều khác xa với nhà mình, tôi chỉ biết quay mặt vào tường khóc nức nở. Đến hôm sau, gặp lại nhau, nhìn mắt đứa nào cũng sưng húp. Đó có lẽ là thử thách quá lớn đối với những đứa trẻ mới lên 5, lên 10 như chúng tôi ngày ấy”.

Lần đầu tiên, những đôi chân trẻ thơ cứ mải miết đi giữa những cung đường đầy vết tích bom đạn, đi giữa những đoạn đường rừng hiểm trở, giữa cát bỏng nắng cháy. Không thể kể hết nỗi gian truân, vất vả của cuộc hành trình dài hàng trăm cây số kéo dài ròng rã mà những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi chơi phải trải qua. Lúc đi bộ hàng chục cây số, khi lại chen trên phà, trên thuyền, nhồi nhét trên những chuyến ô tô dằn xóc, đội mưa rét để ra tận Thanh Hóa, Nam Định...

Mỗi giây phút trên chuyến hành trình bi tráng ấy, các em luôn phải đối mặt với hiểm nguy từ bom đạn

“Thép từ ngàn độ lửa” (Lê Bá Dương) là tên cuốn sách tập hợp những bài viết dưới dạng ký sự, ghi chép, hồi ký, bút ký, thơ... nói về cuộc “vạn lý trường chinh” - kế hoạch K8, K10 đầy máu và nước mắt của người dân Vĩnh Linh, Quảng Bình. Đó cũng là món quà tri ân của đồng bào tuyến lửa đối với đồng bào miền Bắc đã cưu mang, đùm bọc, yêu thương con em họ trong những ngày chiến tranh ác liệt.

giặc ngày đêm rình rập. Dọc đường đi, các em đã tận mắt chứng kiến những cánh rừng bị bom đạn cày nát, rải rác hai bên đường là xác những chiếc xe bị bom dội, khét lẹt, đen trùi trũi đến đáng sợ. Những tiếng người khóc, tiếng máy bay gầm rú trở thành những thanh âm ám ảnh in sâu trong những tâm hồn non nớt.

“Xuất phát chưa được bao xa, đoàn chúng tôi phải tận mắt chứng kiến cảnh chiếc xe đi trước bị bom dội, cháy ngùn ngụt, chưa kịp hoàn hồn thì chiếc xe chở chúng tôi bị lật. May rằng trên xe không ai bị thương nhưng đó thực sự là một cú sốc lớn đối với những đứa trẻ như chúng tôi. Mấy anh em chỉ biết ôm nhau mà khóc vì sợ hãi”, ông Lê Thế Giới (TT Quán Hàu, Quảng Ninh) rưng rưng nhớ lại.

Đối với hầu hết những học sinh K8 ngày ấy, cuộc sống tại nơi tập kết vất vả nhưng đầy mới lạ. Những đứa trẻ mới ngày nào đang tuổi ăn, tuổi chơi giờ đây phải quen dần với những công việc đồng áng như chăn trâu, cắt cỏ, thổi cơm... “Nhớ những lần được gia đình giao cho ở nhà nhóm bếp, nấu cơm.

Những nồi cơm đông người ăn thường rất nặng, quá sức với một đứa trẻ gầy còm như tôi. Mỗi lần như thế, tôi phải nhờ người lớn hơn bưng đặt sẵn lên bếp, khi thì 2 nồi, có khi là 3”, ông Trần Công Trếng, Phó Bí thư Đảng ủy phường Đồng Phú nhớ lại. Sự vất vả trong cuộc sống cùng cái đói, cái rét nơi ở mới càng làm những đứa trẻ li hương nhớ nhà da diết. Chỉ gần hai năm sống hòa vào nhịp sống của người dân nơi đây, những đứa trẻ K8 ngày ấy quen dần với công việc đồng áng, trưởng thành lên từ những gian khó, vất vả.

Nghĩa tình K8

Bước qua tuổi 74, cụ Đoàn Thị Diệu Tá (Bảo Ninh, Đồng Hới) không thể quên những tháng ngày cụ từng là một trong những giáo viên mang trọng trách dẫn dắt và đưa đoàn học sinh K8 ra sơ tán tại tỉnh Thanh Hóa. Ngày đó, cô giáo trẻ Đoàn Thị Diệu Tá thấy thương da diết những đứa học trò chưa tròn 10 tuổi đã phải xa gia đình, ly hương giữa sự khốc liệt của chiến tranh. Nhiều đêm liền, ngắm nhìn các em say ngủ, những dáng người nhỏ bé co ro ôm lấy nhau, những giáo viên, bảo mẫu trong đoàn không ai không rơi nước mắt.

Cụ bảo: “Ngày nớ, dẫn các em đi, dù chưa một lần làm mẹ nhưng tôi thấy xót xa vô cùng. Có lẽ vì rứa mà trong suốt quãng đường đi, cả khi ra sống tại nơi tập kết, những học sinh K8 luôn được chúng tôi yêu thương đặc biệt. Mà không chỉ chúng tôi, đi đến đâu, các em cũng nhận được tình thương và sự bảo bọc của đồng bào”.

Cựu học sinh K8-AHLĐ, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cùng các CCB.
Cựu học sinh K8-AHLĐ, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cùng các CCB.

Tại những mảnh đất được đặt chân đến, những học sinh K8 vẫn không quên hình ảnh những bà, những mẹ đã nhường hầm cho các em, chăm sóc, nấu cho các em ăn từng bữa cơm, chăm cho các em từng giấc ngủ. Những miền quê dọc tuyến đường họ đi qua, đâu đâu cái đói, cái nghèo cũng hiện hữu nhưng những bữa cơm luôn được đồng bào chuẩn bị chu đáo và dọn sẵn cho các em.

Anh hùng Lao động, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, một người con của mảnh đất Lệ Thủy anh hùng cũng là một trong những học sinh K8 ngày nào. Nhắc tới cuộc hành trình đặc biệt nhất cuộc đời mình, ông không khỏi xúc động: “Chuyện nhân dân nhường hầm cho chúng tôi ngủ là bình thường. Có khi hành quân đến 2h đêm mới dừng chân ở một làng nào đó, chúng tôi cũng chẳng biết đó là nhà ai, họ bảo vào ngủ là ngủ, gia đình họ nhường cho ngủ với con cái họ. Khi ra tới Nghệ An, vào nhà một người dân, họ rất quý, cởi hết quần áo ra và tắm giặt cho chúng tôi, tìm những cái áo mới để thay hoặc bỏ thêm vào ba lô, cái áo nào rách thì vá lại cho”.

Người dân các tỉnh Thanh Hóa, Nam Hà, Ninh Bình, Nam Định – những nơi có học sinh K8 sơ tán đã dành cho các em một sự bảo bọc thiêng liêng. Cuộc sống thời chiến còn lắm khó khăn nhưng mỗi gia đình đã tình nguyện nhận các em về nuôi, chăm sóc cho các em học hành. Bao tháng trời ròng rã, những đứa con xa quê lớn dần lên từ những bữa cơm đạm bạc và từ chính tình yêu thương vô điều kiện của những con người dân quê mộc mạc, chân chất.

“Ngày đó, còn nhỏ nên tôi chưa hiểu hết tình cảm mà người dân vùng đất Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa dành cho học sinh K8 chúng tôi. Giờ, khi đã làm mẹ, hiểu được những vất vả của cuộc sống gia đình, tôi mới hiểu hết tình cảm thiêng liêng ấy. Một gia đình làm nông trong thời chiến nuôi con đẻ của mình đã vất vả, vậy mà họ vẫn nhận nuôi thêm 2, thậm chí là 3, 4 đứa trẻ nữa. Nuôi người dưng bằng cả tình thương và tấm lòng mà chưa một lần tôi thấy những người cha, người mẹ đó cằn nhằn dù chỉ là sự nhăn nhó”, bà Hoàng Thị Vy (Hải Đình, Đồng Hới), cựu học sinh K8 trải lòng.

Suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt, những “đứa con K8” đã được những người cha, người mẹ thứ 2 nuôi nấng, bảo bọc bằng tất cả tình thương yêu. Dẫu cuộc sống còn lắm vất vả nhưng họ đã nhường cơm, sẻ áo, chăm sóc những đứa con nuôi trong bao lần đau ốm hay an ủi, vỗ về mỗi khi nhớ nhà, nhớ quê. Cuộc sống thời chiến vốn đã thiếu thốn, nhưng dẫu thế, nghĩa tình người dân miền Bắc vẫn luôn dành trọn cho những đứa con của miền Nam ruột thịt. “Ngày ấy, vùng quê nơi tôi ở nghèo lắm.

Chẳng có bữa ăn nào chúng tôi được ăn no. Có hôm cả gia đình cùng nhịn đói. Vậy mà bữa cơm cuối cùng ngày tôi chuẩn bị trở về quê, gia đình bố nuôi tôi đã nấu cho tôi ăn một bữa cơm chiên có mỡ. Đó là lần đầu tiên con cái họ được ăn một bữa cơm “thịnh soạn” đến thế. Có lẽ là vì tôi. Và với tôi, đó cũng là bữa cơm ngon nhất trong suốt cuộc đời mình”, ông Đoàn Chí Hiển bùi ngùi nhớ lại.

Diệu Hương

Kỳ cuối: K8 hôm nay