.

Dập dềnh sóng nước thuyền nan

Thứ Ba, 04/03/2014, 08:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng đầu xuân mưa bụi lất phất, ông ngồi giữa cơ man gỗ vụn và một đống đồ nghề đục, đẽo... Đôi mắt ông nhìn xa xăm về phía biển. Nơi ấy, từng chiếc thuyền nan dập dềnh theo từng con sóng, lúc ẩn lúc hiện rồi lần lượt tấp vào bờ. Ông lão bảo: cả trăm cái bơ (thuyền nan) nớ đều do người trong vùng mần ra cả. Nhưng rồi mai mốt, không biết lấy ai để nối nghiệp ông cha?Nói đoạn, đôi mắt lão ngư Võ Nhuận (Đức Trung, Đức Trạch, Bố Trạch) trầm đục như biển ngày giông bão. Đôi tay thoăn thoắt lại tiếp tục công việc mà suốt 40 năm nay ông vẫn gắn bó: nghề đóng thuyền nan.

Nghề không danh phận

Vùng biển Đức Trạch nổi tiếng với nghề đóng tàu thuyền có công suất lớn, mỗi chiếc có giá tới hàng tỷ đồng. Đến Đức Trạch, choáng ngợp trước những con thuyền đánh bắt xa bờ đồ sộ ấy, mấy ai để ý đến những con thuyền nan bé nhỏ, đêm dập dềnh theo từng con sóng, ngày tựa lưng im lìm trên bãi cát mênh mang.

Nghề làm thuyền nan rất lặng lẽ, người làm thuyền nan cũng âm thầm ở một góc làng chài. Nghề truyền nghề, cứ thế định hình, ai cũng hiểu là nghề truyền thống nhưng chưa bao giờ có được hai chữ “danh phận” cho nghề  này. Và trước sự biến thiên của cuộc mưu sinh, nghề cũng không mang lại sự phát đạt. Sự tận tụy của những người thợ làm thuyền nan như ông Nhuận chỉ đơn giản vì chén cơm và cái tình với biển, với ngư dân.

Gặp lão ngư Võ Nhuận khi ông đang tỉ mỉ đục đẽo sửa lại chiếc thuyền cũ cho người làng. Ông bảo: “Mỗi chiếc thuyền nan truyền thống dài chừng 6m, rộng 1.6m và sâu 0.8m. Để làm được một chiếc thuyền hoàn thiện, chưa kể công đoạn đan phên tre, đã phải mất 8 ngày. Ngày trước, khi nghề ni còn thịnh, người làng kiêm luôn cả đan phên tre, chừ người làm càng hiếm nên muốn làm thuyền, phải đi mua phên tre từ làng Thọ Đơn (Quảng Thọ, Quảng Trạch)”. Tre được chọn phải là loại tre đã phơi khô, già đều nhau, nếu không, độ co giãn của nan tre không bằng nhau sẽ làm cho thuyền bị vênh, bị hở...

Sau khi đã hoàn thành phên tre, công đoạn tiếp theo là cạp thuyền bằng khung gỗ. So với thuyền thúng, người thợ làm thuyền nan phải kỳ công hơn, nhất là trong khâu làm khung thuyền. Khung thuyền nan chủ yếu bằng gỗ huỵnh, đòi hỏi phải chắc chắn để đủ sức chống chịu với sóng, với gió. Sau khi hình thành chiếc thuyền, người thợ sẽ bắt đầu quét mặt ngoài chiếc thuyền bằng nhựa đường để chống thấm nước vào khoang thuyền. Một chiếc thuyền hoàn thiện là phép cộng của tất cả sự vất vả, tỉ mỉ và cả tình yêu với biển cả quê hương.

Gạt bụi bám đầy trên đôi bàn tay sần sùi, chai sạn, ông lão tỉ tê: “Nghề ni chẳng phải quá vất vả nhưng suốt ngày làm trong bụi bặm, trong tiếng đục đục, đẽo đẽo. Ai không đủ kiên trì thì không thể sống chết với nghề đến hết đời được”.

Ông Võ Nhuận sửa lại thuyền nan cho ngư dân trước giờ đánh bắt.
Ông Võ Nhuận sửa lại thuyền nan cho ngư dân trước giờ đánh bắt.

Vậy là ông đã sống với cái nghề suốt ngày ngập trong bụi bặm và tiếng ồn ấy ngót nghét đã 40 năm. Thời trai trẻ, ông chẳng bao giờ nghĩ cái nghề lặng thầm ấy sẽ theo mình đến suốt cuộc đời. Lớn lên, đi bộ đội rồi xuất ngũ, ông theo trai làng lênh đênh trên các con thuyền lớn đánh bắt xa bờ. Chỉ những ngày biển động, nghề làm thuyền nan trở thành nghề phụ, giết thời gian và kiếm thêm ít thu nhập. Khi tấm lưng trần không còn đủ sức chống chịu với sóng gió đại dương, đôi bàn tay đã bợt bạt đi vì nước biển, ông mới chịu rời thuyền, trở vào bờ, bám nghề đóng thuyền nan như một lối thoát cho cuộc mưu sinh. Vậy mà chẳng biết từ bao giờ, ông yêu cái “lối thoát mưu sinh” ấy như yêu chính biển quê mình.

Bãi biển Đức Trạch những ngày đầu năm tấp nập người. Sau một đêm lênh đênh trên chiếc thuyền nan đánh bắt gần bờ, hàng trăm ngư dân Đức Trạch lại trở về với bao nhiêu cá, mực. Đêm mùa xuân không trăng sao là cơ hội để ngư dân nghèo trúng mùa cá trích. Đón từng thúng cá đầy ắp từ tay những người đàn ông lực lưỡng, những người mẹ, người vợ lại tất tả ngược xuôi đến các chợ lớn bé trong huyện, nụ cười lấp lánh hy vọng. Nhìn cái không khí lao xao trên bến, dưới thuyền, thợ thuyền Võ Nhuận cười ấm áp.

Đời người thợ thuyền, được nhìn thấy từng chiếc thuyền nan mình làm ra đầy ắp quà tặng từ biển sau mỗi dịp cập bến là lòng đong đầy niềm vui. Dẫu chỉ là một nghề bình dị, lặng lẽ hiện hữu trong những ngôi làng chài sát biển, nhưng nghề đóng thuyền nan cùng những nghệ nhân làm nên nó đã góp phần làm giàu thêm những bản sắc văn hóa của làng biển Quảng Bình.

Lấy ai truyền nghề?

Xưa, đi dọc mấy làng chài ở Đức Trạch đâu đâu cũng thấy người miệt mài đan thuyền nan, thuyền thúng. Nay, phải cất công lắm mới tìm được đôi, ba người còn giữ được nghề. Lâu năm nhất vẫn là lão ngư Võ Nhuận, rồi kế đến là lão ngư Nguyễn Văn Thới, Lê Ngạc ở thôn Bàu Bàng...

Giờ, ở Đức Trạch, người thợ làm thuyền nan trẻ nhất cũng đã sắp sửa chạm đỉnh 50. Lớp trai trẻ trong làng chẳng còn ai thiết tha với nghề của cha ông để lại, dẫu nghề chẳng bao giờ phụ người, người vẫn sống đủ đầy nếu gắn bó cùng nghề, bởi như ông Nhuận thiệt bụng khoe thì có năm thu nhập có khi lên đến cả trăm triệu đồng. Nhưng ước mơ của những người trẻ lại vươn xa hơn, đó là được lênh đênh trên những con thuyền lớn, đánh bắt xa bờ. Những năm trở lại đây, ở Đức Trạch còn rộ lên phong trào xuất khẩu lao động sang các nước Hàn Quốc, Đài Loan... Không ít người đổi đời sau những chuyến xuất ngoại và một lẽ dĩ nhiên, chẳng mấy ai còn mặn mà với nghề làm thuyền nan truyền thống của làng.

Ông Nhuận vẫn tự hào khoe rằng những người thợ đóng thuyền nan ở Đức Trạch như ông và ông Thới, ông Ngạc đã từng có mặt ở khắp nơi. Dọc các làng chài ven biển Quảng Trạch, Bố Trạch, Đồng Hới, đâu đâu cũng có bóng dáng của những chiếc thuyền nan được ông đóng mới, sửa chữa. Rồi ông trầm ngâm: “Chừ thì sức khỏe cũng ngày một yếu đi, đã 70 rồi, không biết sẽ đủ sức làm nghề đến lúc mô nữa”.

Khi được hỏi: “Đã có ai truyền nghề hay chưa”, giọng ông càng trầm buồn: “Tui chịu, chẳng có đứa con mô thiết tha với nghề ni cả”. Đời ông cũng mặn chát và lắm giông bão như sóng nước ngoài kia. Hai người vợ đầu thì người mất, người bỏ ông mà đi. Ông đi bước nữa với người vợ thứ ba. Ba người vợ, với 10 người con, trong đó, có 4 người con trai nhưng tiếc là chẳng ai muốn nối nghiệp cha mình. Ông buồn lắm. Nỗi buồn thấp thoáng cả nỗi lo rằng một ngày không xa nữa thôi, khi những người như ông, ông Ngạc, ông Thới mất đi, sẽ không còn ai tâm huyết với nghề truyền thống của cha ông.

Trời chập choạng tối. Những ngư dân đi lộng lại rời bờ, bắt đầu một đêm miệt mài với sóng, với gió và mặn mòi biển cả. Những chiếc thuyền nan phủ keo bóng loáng, dập dềnh vượt sóng mang theo biết bao hy vọng của những người dân làng chài. Chúng sẽ không bao giờ hiểu được, những người làm ra mình cũng đang dập dềnh, lênh đênh để mong giữ lại nghề.

Ông Nguyễn Đức Ninh, Trưởng phòng Văn hóa huyện Bố Trạch nhìn nhận: “Không chỉ là một nghề nuôi sống ngư dân, nghề làm thuyền nan còn là một nét văn hóa, đậm chất vùng miền, chất văn hóa ngư dân và rất đáng để gìn giữ”. Năm 2006, một dự án xây dựng làng nghề Đức Trạch được đưa ra, trong đó, nghề đóng thuyền nan cũng là một trong những nghề được chú trọng đầu tư.

Thế nhưng, đến hôm nay, nghề đóng thuyền nan Đức Trạch không những không phát triển mà đang có nguy cơ bị mai một. Hiện tại Đức Trạch chỉ còn khoảng 20 hộ dân còn làm nghề, trong đó chủ yếu mang tính chất “tự cung, tự cấp”, phục vụ nhu cầu đi biển của gia đình.

Ghi chép của Diệu Hương