.

Ngư Hóa... gần mà xa

Thứ Ba, 11/03/2014, 08:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là cảm giác của những ai lần đầu đến với xã Ngư Hóa, một xã miền núi nằm heo hút, tách biệt phía thượng nguồn sông Gianh của huyện Tuyên Hóa. Gần! Khi có đến ba tuyến đường đến Ngư Hóa: từ Quốc lộ 12A đoạn cầu Minh Cầm rẽ vào, phía xã Quảng Hợp (Quảng Trạch) ngược lên và từ Hà Tĩnh vòng lại. Xa! Vì tuyến đường nào vào xã cũng gập ghềnh, gian nan. Và thêm một nhẽ… xem ra người dân nơi này khó khăn gấp bội lần khi đi tìm hướng xóa đói, thoát nghèo. Các tiêu chí xây dựng nông thôn mới còn vời vợi xa.

 

Gian nan đường vào xã Ngư Hóa.
Gian nan đường vào xã Ngư Hóa.

Trần Bá Nam, Chủ tịch xã Ngư Hóa hỏi tôi từng đến xã bao nhiều lần. Tôi trả lời rằng ba, đi từ ba hướng khác nhau. Lần đầu vòng ra Hà Tĩnh, cắt đất Kỳ Lạc mà vào. Lần thứ hai, "mượn" đất Quảng Hợp đi lên. Và bây giờ theo con đường chính diện nối Quốc lộ 12A, con đường ngày khởi công của 5 năm về trước tựa như ước mơ ngàn đời của người dân Ngư Hóa, xích lại gần hơn với miền xuôi trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo. Năm năm sau, tuyến đường ngổn ngang đá sỏi, bùn lầy trở thành “ác mộng” với những ai muốn vào ra, nhất là đội ngũ thầy cô giáo đang dạy học tại xã.

Chủ tịch xã trạc tuổi tôi, trưởng thành từ cán bộ đoàn, lại sinh ra và lớn lên nơi đất nghèo Ngư Hóa nên chắc chắn hiểu sâu vùng đất cằn và hiểu con người nơi đầu nguồn dòng Gianh. Anh bảo rằng “Dù sao Ngư Hóa cũng đã có nhiều thay đổi so với trước đây, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, nhân dân bảo đảm được cái ăn trong năm. Hai chủ trương lớn về phát triển kinh tế UBND xã đặt ra là trồng rừng và chăn nuôi, nhân dân tích cực hưởng ứng. Các anh lên thấy hơn 400 mét đường bê tông chạy dọc thôn 1 đến thôn 4 chưa? Kinh phí đầu tư trên 700 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 142 triệu đồng. Nhờ vào nông thôn mới cả đó”.

Xã Ngư Hóa có 142 hộ, 483 khẩu. Diện tích đất khả dĩ làm nông nghiệp được khoảng 50ha, trong đó diện tích lúa cả năm 20ha; ngô 4,5ha; lạc 7ha, sắn 7ha, khoai gần 2ha, rau, đậu, vừng 9ha... Tổng sản lượng lương thực năm 2013 gần 91 tấn. Bình quân lương thực đầu người chỉ nhỉnh hơn 188 kg/năm... Quá thấp! Tổng đàn gia súc toàn xã 264 con, giảm 17 con, trong đó có 108 con trâu, 48 con bò và 108 con lợn; đàn gia cầm 2.330 con.

Mặc dù xác định thế mạnh của xã là chăn nuôi và trồng rừng, nhưng Ngư Hóa vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào nhằm phát triển tổng đàn. Bên cạnh đó vì cách trở về mặt địa lý, thông thương, giao lưu hàng hóa giữa xã và các địa phương khác hầu như không có nên gia súc, gia cầm nuôi lớn không bán được. Đơn cử, rất nhiều hộ dân muốn phát triển đàn lợn, chi phí bỏ ra nhiều, đến khi xuất chuồng thương lái không vào mua, thành ra chỉ tiêu thụ được trong phạm vi xã, lợi nhuận thấp, từ đó bà con chẳng mặn mà, không mạnh dạn tái đầu tư cho chăn nuôi.

Lên Ngư Hóa, cảm nhận hết sự gian nan trong cuộc chiến “giữ rừng”. Diện tích đất rừng thuộc khu vực giáp ranh với xã Kỳ Lạc, xã Quảng Hợp và xã Đức Hóa luôn là “điểm nóng” về vấn đề xâm thực, lấn chiếm. Trong năm 2013, cùng với các ngành chức năng của huyện Tuyên Hóa, xã Ngư Hóa đã tiến hành 7 đợt tuần tra các vùng giáp ranh, tổ chức một đợt ra quân quy mô cưỡng chế những diện tích dân ngoài địa phương vào trồng cây lấn chiếm. Kết quả, có 60 ha rừng được trở về với địa giới xã. Ngoài những biện pháp quyết liệt để giữ tài nguyên rừng và diện tích đất lâm ngiệp, Ngư Hóa tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh công tác chăm sóc, bảo vệ và trồng rừng. Ngoài diện tích rừng trồng trong năm gần 10 ha, năm 2014, kế hoạch trồng mới rừng mở rộng thêm 60 ha.

Lúa nước phát triển tốt tại Ngư Hóa.
Lúa nước phát triển tốt tại Ngư Hóa.

Trở lại với câu chuyện cùng Chủ tịch UBND xã Trần Bá Nam, anh bảo: “Hiện tại tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 34,07%, giảm mạnh so với đầu nhiệm kỳ. Trong phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên tích cực xóa đói giảm nghèo, người dân Ngư Hóa ngoài tính cần cù, chịu thương chịu khó còn có sự tiếp sức từ phía Ngân hàng Chính sách huyện Tuyên Hóa. Hiện tại tổng dư nợ toàn xã gần 1.870 triệu đồng, trong đó vốn vay hộ nghèo 1.520 triệu đồng, vay giải quyết việc làm 64 triệu đồng, vay kinh doanh sản xuất 171 triệu đồng... Bà con sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, nhiều hộ dân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mức thu nhập ổn định và trả nợ lãi đúng kỳ hạn. Hội Phụ nữ của xã cũng thành lập một tổ tiết kiệm tín dụng, huy động hơn 36 triệu đồng và xét cho 25 chị em vay để chăn nuôi lợn”.

Tôi đề cập đến vấn đề xây dựng nông thôn mới, Trần Bá Nam phảng phất chút buồn: “Cố gắng hết mức rồi đó anh, nhưng đặc thù của xã khó khăn chồng lên khó khăn như hiện tại thì đích đến của phong trào xây dựng nông thôn mới còn xa vời vợi”. Trong 19 tiêu chí nông thôn mới, sau ba năm triển khai, Ngư Hóa chỉ đạt được 4 tiêu chí: quy hoạch, điện sinh hoạt, an ninh trật tự và giáo dục.

Xem ra, trong 4 tiêu chí trên thì chỉ có điện thắp sáng là “sát sườn” nhất với đời sống dân sinh. Quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết vùng trung tâm xã vẫn tiếp tục bổ sung, điều chỉnh. Giáo dục-đào tạo đang còn phải bàn khi hệ thống trường, lớp trong tình trạng thiếu và yếu, nhiều phòng học bị xuống cấp, dột nát. Và có lẽ tôi thấy một điều lạ nhất trong hệ thống giáo dục của tỉnh Quảng Bình chỉ “riêng có” ở Ngư Hóa là ba cấp học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cùng chung một trường, chưa chia tách được. Thế nên để xây dựng được một trường đạt chuẩn quốc gia tại Ngư Hóa thì còn tốn lắm thời gian.

Chỉ cách Quốc lộ 12A chưa đầy 20 cây số, Ngư Hóa gần lắm nếu tuyến đường giao thông vào xã được hoàn thành. Sự chờ đợi của người dân Ngư Hóa cơ hồ còn lâu, vì thế Ngư Hóa thành ra xa xôi, cách trở. Phá vỡ được địa thế cô lập với nền kinh tế tự cung tự cấp hiện tại, tăng cường sự thông thương, giao lưu, buôn bán với các vùng miền khác... chắc chắn một ngày không xa, Ngư Hóa sẽ gần lại. Nhưng tự thân Ngư Hóa chẳng bao giờ thực hiện được nếu như không có một “cú hích” quyết định từ phía tỉnh và huyện Tuyên Hóa.

Thanh Long