.

Mối tình Việt-Nhật thời kháng Pháp

Thứ Sáu, 04/04/2014, 15:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Không thể truy nguyên danh tính theo phiên âm tiếng Nhật, đặt ông nằm lại đây, trong nghĩa trang này trên đất Việt với họ tên thuần Việt: Liệt sĩ Lê Trung, Bác sỹ quân y, quốc tịch Nhật Bản, hy sinh ngày 1-10-1948.

Lê Trung - Ông là ai?

Cuốn "Lịch sử ngành y tế Quảng Bình 1945 - 1995" trang 41 viết: "... Bà Hoàng Thị Kim Huê, cán bộ phụ nữ được Ủy ban kháng chiến cử qua phụ trách quân y viện dã chiến ở thôn Trung Nghĩa và bác sĩ Lê Trung (người Nhật) cũng được lên làm việc tại bệnh viện quân dân y Thuận Đức". 

Trang 48 viết  "...Tại Tuyên Hóa giáp biên giới Việt Lào thành lập bệnh xá quân y (gọi là quân y viện) ở bản Na Phầu phục vụ bộ đội, cán bộ, dân công ta ở chiến trường Trung Lào về. Bệnh xá do ông Lê Văn Tri điều hành, bác sĩ Lê Trung (người Nhật) phụ trách chuyên môn, bà Hoàng Thị Kim Huê phụ trách hậu cần thuốc men và một số cán bộ nhân viên y tá phục vụ".  Ở trang 41 có những dòng chú thích: "Bác sĩ Lê Trung là một trong ba sĩ quan quân đội Nhật ở Đồng Hới đã theo kháng chiến thời kỳ Nhật Hoàng đầu hàng quân đội Đồng Minh.

Người Nhật đặt tên Việt Nam. Ông được tỉnh cho đến làm việc tại "quân y viện dã chiến" ở Trung Nghĩa. Sau khi bệnh viện quân dân y Thuận Đức thành lập, ông và bà Huê được chuyển về làm tại đây. Khi bệnh viện quân dân y Thuận Đức chuyển ra Tuyên Hóa, ông và bà Huê làm việc ở đây một thời gian ngắn rồi được chuyển đến làm việc tại bệnh viện bản Na phầu. Bà Huê và bác sĩ Trung lấy nhau, sinh được cháu gái, đặt tên Tuyên. Về sau bác sĩ Trung bị bệnh và chết tại Tuyên Hóa, mai táng chu đáo.

Cameramen Bùi Dũng ở Đài truyền hình Quảng Bình cứ tiếc mãi vì không giữ được bản sao băng ghi hình lễ cải táng di hài liệt sĩ bác sĩ Lê Trung từ Tuyên Hóa về Nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc. Các ông bà Đại tá Thái Bá Nhiệm- Trương Thị Lệ Chi, Đại tá Vũ Ngọc Lới- Nguyễn Thị Ngọc Cầu là những cán bộ kháng chiến cùng thời, với sự giúp đỡ phối hợp của cấp ủy chính quyền và cơ quan chức năng, đã cải táng di hài liệt sĩ Lê Trung về Nghĩa trang tỉnh (Ba Dốc) để tiện hương khói và bà Hoàng Thị Kim Huê từ Nha Trang ra dễ bề thăm viếng.

Di hài liệt sĩ bác sĩ Lê Trung, người con xứ sở hoa anh đào từng giữ cương vị "Bác sĩ quân y tỉnh trưởng" nằm ở hàng mộ 70, lô số 4, ngôi số 1, nghĩa trang Ba Dốc. Lần theo địa chỉ những người bạn chiến đấu thời Bình Trị Thiên khói lửa, chúng tôi hiểu thêm về người sĩ quan quân y trong quân đội Thiên Hoàng tình cờ có mặt tại Quảng Bình trong thời điểm nhạy cảm nhất của lịch sử và đã có một quyết định táo bạo và sáng suốt đóng góp công sức chuyên môn cho cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam khi mà lực lượng kháng chiến non trẻ đứng trước thử thách vô cùng cam go chống trả đội quân viễn chinh nhà nghề của thực dân Pháp.

Sau cách mạng tháng Tám, khoảng tháng 9-1945, theo quy định của Đồng Minh, quân Tưởng Giới Thạch được phân công tiến vào miền Bắc Việt Nam làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật. Một liên đội quân Tưởng do viên Tư lệnh Hoàng Thiếu Minh chỉ huy đã đến Đồng Hới. Theo ông Lại Văn Ly, cán bộ lão thành, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Trị Thiên và đại tá Nguyễn Trọng Tể nay đã 94 tuổi thì thời điểm này có ba sĩ quan Nhật không muốn đầu hàng quân Tưởng, tình nguyện theo kháng chiến...

Cán bộ ta đặt tên Việt cho hai sĩ quan tác chiến là Ngọ và Mùi, ý rằng, nước Nhật quốc kỳ là mặt trời mọc, nay thua trận coi như đã qua đứng Ngọ tới Mùi, xế chiều, khiến họ cũng lấy làm thú vị. Hai sĩ quan này sau đó tham gia huấn luyện võ thuật và kỹ năng tác chiến cho các đơn vị vũ trang của ta và cùng tham gia chiến đấu. Riêng viên sĩ quan quân y thì được đặt tên Việt là Lê Trung và tham gia kháng chiến trong ngành Y như sách đã viết.

Các ông Lại Văn Ly, Nguyễn Trọng Tể đều miêu tả rằng, bác sĩ Lê Trung người tầm thước trắng trẻo rất đẹp trai, tính rất hiền. Đặc biệt trong công tác chuyên môn hết sức tận tụy. Thờì kỳ đầu kháng chiến cuộc sống vùng chiến khu vô cùng khó khăn nhưng bác sĩ Lê Trung đều can đảm chịu đựng, nhờ giỏi chuyên môn nên chữa trị được nhiều người bệnh, cứu sống nhiều thương binh nặng. Từng có lần một chiến sĩ bị thương nặng trong trận Puturu, không có cáng thương, Lê Trung đã  cõng thương binh đi bộ hàng mấy chục cây số về Banaphào cứu chữa...

Mối tình Việt - Nhật trong chiến tranh

Chị Hoàng Thị Kim Huê sinh ở huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, là một phụ nữ thông minh và hết sức năng động. Hồi ức về người phụ nữ này, tất cả các vị cán bộ lão thành mà chúng tôi được tiếp xúc đều tỏ ý thán phục. Cơ duyên trên đường công tác chị đến Quảng Bình và tham gia kháng chiến tại đây.

Năm 1947, ở tuổi 26, không nhiều hơn những cán bộ khác nhưng mọi người đều coi như chị kết nghĩa. Kháng chiến trường kỳ còn lâu dài gian khổ, mọi người vừa vui đùa "cặp đôi" chị với bác sĩ Lê Trung (lúc này vào tuổi 29) vừa có ý xe duyên cho đôi trai gái tài sắc vẹn toàn và cũng không còn trẻ này.

Chính ông chủ tịch Ủy ban hành chánh kháng chiến Hoàng Văn Diệm làm chủ hôn lễ cưới. Họ sống hạnh phúc và cùng sát vai nhau trong công tác, chiến đấu và sinh cháu gái đầu lòng đặt tên là Lê Thị Hoàng Tuyên để ghi nhớ mảnh đất Tuyên Hóa lưu dấu mối tình của họ. Mùa thu năm 1948, ở vùng rừng thiêng nước độc, bác sĩ Lê Trung nhiễm bệnh sốt rét ác tính biến chứng.

Trong hoàn cảnh kháng chiến thuốc men và phương tiện quá thiếu thốn, bác sĩ Lê Trung kiệt sức dần và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 1-10-1948. Bà Hoàng Thị Kim Huê tiếp tục công tác, làm chính trị viên các bệnh viện ở Quảng Bình, Quảng Trị, đến năm 1960 thì tái hôn với đồng chí Trần Đồng, Bí thư Khu ủy Vĩnh Linh. Sau 1975, bà trở về Nha Trang góp công sức xây dựng quê hương, có công rất lớn trong việc xây dựng nhà máy nước khoáng Đảnh Thạnh của tỉnh Khánh Hòa...

Mặc dù là người có công lớn trong hai cuộc kháng chiến và trong hòa bình, bà vẫn sống giản dị, từ chối những đặc ân của chính quyền và đơn vị kinh tế mà bà có công xây dựng. Con gái Lê Thị Hoàng Tuyên lấy chồng công tác đại sứ quán mời ra sinh sống nước ngoài, bà cũng từ chối. Không nguôi nhớ về người bạn đời tài hoa bạc mệnh thuở trước, bà nhờ những người bạn cũ cải táng di hài liệt sĩ Lê Trung về Nghĩa trang tỉnh ở Ba Dốc để tiện bề hương khói. Bà mất tại Nha Trang năm 1999. Chị Lê Thị Hoàng Tuyên cũng đã mất vì bệnh hiểm nghèo. Được biết trong thời kỳ công tác chị đã được nhà nước giúp đỡ để sang Nhật tìm người thân bên họ nội.

Vẫn còn nhiều dấu hỏi

Từ khi bà Huê mất và chị Tuyên cũng qua đời, chỉ còn ông bà Đại tá Thái Bá Nhiệm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình- Trương Thị Lệ Chi và ông bà đại tá Vũ Khắc Lới- Nguyễn Thị Ngọc Cầu thỉnh thoảng thăm viếng phần mộ bác sĩ Lê Trung. Nay ông Nhiệm bà Chi đã qua tuổi 85 già yếu, ông Võ Khắc Lới đã mất, bà Cầu đã 88 tuổi ốm nặng không đi lại được. Nhiều năm qua không thấy các cháu ngoại của liệt sĩ Lê Trung đến Quảng Bình.

Danh tính tiếng Nhật và quê hương bản quán cũng không ai biết. Theo ông Lại Văn Ly thì chỉ có một người là ông Bân hồi ấy làm phiên dịch tiếng Nhật là có thể nhớ được. Và hai sĩ quan tác chiến Ngọ, Mùi, cùng chiến đấu trong hàng ngũ kháng chiến, số phận họ ra sao, âu cũng nên biết để ghi công.

Nhiều năm trước, tôi đọc được trong một trang viết của tác giả Trương Tán đăng trên tạp chí địa phương có kể về mối tình của một cựu sĩ quan Nhật Hoàng với một nữ sinh Huế đi kháng chiến và trường hợp hy sinh của ông trong một trận đánh phòng ngự, liệu có liên quan gì đến hai nhân vật Ngọ, Mùi trên đây?! Và ông Bân! Vị thông ngôn tiếng Nhật những năm giữa thập niên bốn mươi của thế kỷ trước hiện có còn sống, đang cư trú nơi đâu...? Đã đến lúc cần lưu tâm làm sáng rõ những tồn nghi để bổ sung cho lịch sử.

Đã 69 năm từ cái ngày những sĩ quan quân đội Nhật Hoàng đến từ xứ sở hoa anh đào cùng nhau có quyết định táo bạo và cao cả: Đứng vào hàng ngũ Việt minh tham gia kháng chiến. Họ đã hòa lẫn vào lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, mồ hôi máu xương hòa vào đất nước ta với một nghĩa cử bất hủ, một đạo lý muôn thuở: Bênh vực kẻ yếu chống lại cường quyền "Lộ kiến bất bình bạt đao tương trợ".

Nguyễn Thế Tường