.

K8 Ký ức không phai - Kỳ 1: Cuộc thiên di màu đỏ

Thứ Ba, 22/04/2014, 19:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Tháng 8-1966, ba vạn em nhỏ của tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình được lệnh sơ tán ra các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Hà, Thanh Hóa... theo kế hoạch mang mật danh K8. Gần nửa thế kỷ trôi qua, những em nhỏ ngày nào giờ đã là những người ông, người bà, mái tóc đã bạc màu quá nửa. Nhưng những tháng ngày gian khó ấy sẽ mãi là một phần ký ức đẹp nhất theo họ đi suốt cuộc đời.

 

Ông Lại Văn Ly, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo K8 Quảng Bình.
Ông Lại Văn Ly, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo K8 Quảng Bình.

Cuộc hành trình của 3 vạn em nhỏ Vĩnh Linh, Quảng Bình diễn ra giữa muôn trùng vất vả. Những đôi bàn chân bé nhỏ vẫn ngày đêm mải miết trên những cung đường đầy bom đạn, giữa lạnh lẽo gió mưa và oi nồng nắng cháy. Trong cuộc thiên di lịch sử ấy, không ít người đã hy sinh và hàng chục em nhỏ mãi mãi không bao giờ trở về.

“Vạn lý trường chinh”

Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm gặp ông Lại Văn Ly, một cán bộ lão thành cách mạng, nguyên là Trưởng ban chỉ đạo K8 Quảng Bình. Bước vào tuổi 85, sức khỏe đã giảm sút nhiều nhưng trong trí nhớ của ông, ký ức về K8 ngày nào vẫn nguyên vẹn, đậm đặc. Kể về cuộc “vạn lý trường chinh” có một không hai trong lịch sử ấy, đôi mắt trầm đục của người lính già không giấu nỗi niềm xúc động. Những vết nhăn trên khuôn mặt lấm tấm vết đồi mồi xô nhau lại. Bao nhiêu ký ức đua nhau trở về như quá khứ chỉ mới ngày hôm qua.

Ông kể: Vào những năm 1965-1966, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, tăng cường khủng bố, tàn phá miền Nam. Thời kỳ đó, khu vực Vĩnh Linh và Quảng Bình là nơi bị địch đánh phá ác liệt nhất, trở thành “tọa độ lửa” của Mỹ. Người dân tuyến lửa đã phải hứng chịu hàng nghìn tấn bom, đạn. Xóm làng bị cày nát bởi sự khốc liệt của chiến tranh. Cuộc sống của nhân dân chuyển hẳn xuống hầm hào, địa đạo. Những lớp học diễn ra trong tiếng bom rơi, đạn nổ.

Nhận định chiến tranh còn kéo dài, Trung ương Đảng đã đề ra Kế hoạch 8 (tức triển khai từ tháng 8-1966), nhằm di dân ra khỏi vùng chiến sự ác liệt, giảm mật độ dân số ở tuyến lửa. Với kế hoạch này, khoảng 3 vạn các em nhỏ (từ 5 đến 15 tuổi) ở vùng chiến tuyến Vĩnh Linh, Quảng Bình cần được sơ tán ra các tỉnh phía Bắc. Mục đích của K8 là để “gìn giữ lực lượng và nòi giống”, đảm bảo cho lực lượng ở lại chiến đấu yên lòng đánh giặc.

Tháng 5-1966, đồng chí Trần Hữu Dực, Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phổ biến các chủ trương trên cho Quảng Bình. Ban chỉ đạo K8 Quảng Bình được thành lập gồm đại biểu các ngành: Giao thông vận tải, Giáo dục, Phụ nữ, Thanh niên, Ban bảo vệ bà mẹ trẻ em tỉnh. Đồng chí Lại Văn Ly, lúc ấy là Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng Ban chỉ đạo K8 Quảng Bình.  Việc triển khai kế hoạch diễn ra theo từng bước, chu đáo, cẩn trọng. Từng xã lập danh sách rồi tập trung tại các huyện, thị xã. Tất cả những cuộc chia tay đều tiến hành trong đêm tối, trong im lặng, trong lưu luyến và ngậm ngùi.

Những cuộc di chuyển ấy diễn ra giữa khung cảnh bom Mỹ đánh phá ác liệt nên nhiều khó khăn và vất vả. Giữa tiếng bom đạn và tiếng gầm rú của máy bay không lực Mỹ, những đôi chân trẻ thơ vẫn mải miết trên những cung đường khó nhọc, hầu hết đều phải đi bộ. Những đoạn đường bị máy bay bắn phá ác liệt, đoàn phải dừng lại lưu trú tại các hộ dân ven đường. Đêm xuống, lại tiếp tục băng rừng, lội suối. Cuộc hành trình cứ thế diễn ra trong đêm, dưới ánh trăng khi tỏ, khi mờ, giữa ánh pháo sáng, giữa tiếng thâm u của núi rừng. Từng đoàn em nhỏ lóc nhóc chỉ biết nắm lấy áo nhau đi trong đêm tối.

Cô Hoàng Thị Thanh Hương, nguyên là phó khoa Hồi sức-Cấp cứu, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới bùi ngùi nhớ lại: “Ngày đó, quãng đường đi gian khổ vô cùng, nhất là đối với những đứa trẻ mới lên 5, lên 7 như chúng tôi. Nhớ nhất là lần vượt bộ qua đèo Mồng Gà trong đêm tối, cả đoàn đứa sau túm lấy áo đứa trước rồi dò dẫm bước đi. Bởi nếu không cẩn thận sẽ bị ngã xuống mương, cũng đã không ít lần nhiều đứa bị rơi xuống mương nước, còn bị ngã, trầy xước là chuyện thường xuyên. Nghĩ lại vẫn thấy gian nan”.

Phần lớn các em học sinh K8 Quảng Bình đều được ra sơ tán tại tỉnh Thanh Hóa. Ngày đó, để đến được địa điểm cuối cùng, hầu hết các đoàn đều phải mất cả tháng trời. Đến nơi, mỗi gia đình sẽ đón 1 hoặc 2 em nhỏ về nhà, chăm sóc và cho các em ăn học như chính con cái trong gia đình mình. Cuộc sống của những học sinh K8 bắt đầu từ đó-một cuộc sống bình yên giữa khói lửa chiến tranh.

Điều không thể quên

Để bảo vệ những “hạt giống đỏ”, biết bao mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của những người lính, những người thầy giáo, cô bảo mẫu... đã đổ xuống. Nhiều gương lái xe điển hình đã được ghi danh. Xí nghiệp ô tô Vĩnh Linh có anh Trần Chí Thành dẫn đoàn xe chở 400 cháu xuất phát tại Vĩnh Linh trong lặng lẽ. Khi đi qua Dốc Sỏi (Lệ Thủy), đoàn xe bị máy bay Mĩ phát hiện, thả pháo sáng.

Đón học sinh K8 ngày trở về (Ảnh tư liệu).
Đón học sinh K8 ngày trở về (Ảnh tư liệu).

Giữa tình thế hiểm nguy ấy, một mình anh đã vòng xe lại, bật đèn pha chiếu sáng thu hút máy bay Mĩ đuổi theo. Khi đi hết đoạn đường đó, chiếc xe anh lái bị bom dội nát bươm, bản thân anh cũng bị thương nặng. Cả đoàn xe và 400 em nhỏ vẫn được an toàn. Sự mưu trí, dũng cảm của anh trở thành tấm gương cho biết bao lái xe trong chuyến hành trình có một không hai trong lịch sử ấy. Công ty ô tô Quảng Bình có lái xe Đặng Minh Châu, đêm 22-7-1967 chở 30 cháu qua Ba Trại, bị máy bay Mĩ ném bom lân tinh. Anh đã bình tĩnh trèo lên xe gạt thuốc phốt pho đang cháy, cởi áo dập tắt lửa, tiếp tục cho xe chạy ra trạm Mỹ Trạch an toàn.

Kế hoạch K8 kéo dài gần 2 năm. Những chuyến đi ấy diễn ra giữa mịt mù bom đạn. Lằn ranh giữa sự sống và cái chết quá đỗi mong manh. Điều đau xót nhất là hàng chục em nhỏ K8 đã bị bom đạn Mỹ giết hại. Trong một chuyến đi ra Bắc, chuyến xe định mệnh chở 40 em học sinh K8 Vĩnh Linh đi ngang qua Mỹ Trung (Quảng Ninh) bị dội bom. Sau tiếng nổ kinh hoàng, chiếc xe bị hất tung lên cao. Xác người vương vãi khắp nơi. Trên chuyến xe định mệnh ấy, chỉ còn duy nhất một em sống sót.

Rồi chuyến xe chở 30 em nhỏ trên đường 22B ra Kỳ Anh cũng gặp nạn, 20 em bị chết, 10 em bị thương và mang thương tật suốt đời. Đó có lẽ là ký ức đau thương nhất mà những ai đã từng đi qua bom đạn chiến tranh, cùng vượt qua những vất vả của cuộc trường chinh bi tráng không thể nào quên.

Ra đi trong lặng lẽ, nhưng biết bao em nhỏ khi trở về, mái nhà xưa đã bị bom Mỹ san phẳng, gia đình người còn, người mất. Những mất mát ấy tưởng chừng không gì có thể bù đắp nổi. Nhưng họ vẫn phải gạt nước mắt để sống tiếp bởi những gì đã trải qua suốt thời gian sống xa gia đình đã tôi luyện nên những con người bản lĩnh, đủ sức vượt qua bao giông gió cuộc đời.

Diệu Hương

Kỳ sau: Nghĩa tình K8