.

Chuyện những người gùi hàng vào... hang đá!

Thứ Bảy, 01/03/2014, 10:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau những ngày Tết Nguyên đán đầm ấm, yên vui, quây quần bên gia đình, họ-những chàng trai của vùng núi nghèo Sơn Trạch (Bố Trạch), Tân Hóa (Minh Hóa)-lại tất bật cho các chuyến đi rừng đầu năm. Điều khác lạ là lần này, họ không vào rừng để “lấy” những sản vật của mẹ thiên nhiên, đánh đổi bằng sự mạo hiểm, nước mắt và thậm chí cả… máu. Họ cũng vào rừng, nhưng là để… gùi hàng hóa, nhu yếu phẩm, thiết bị máy móc cho những vị khách du lịch từ mọi nơi trên thế giới đến và khám phá hệ thống hang động kỳ bí, đặc sắc có một không hai của Quảng Bình.

Kể từ khi Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) bắt đầu khai thác các tuyến du lịch mạo hiểm tại hệ thống hang động ở Sơn Trạch, Tân Hóa, và nhất là từ năm 2013 khi hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng được chính thức khai thác thử nghiệm, một nghề mới bắt đầu được manh nha hình thành... nghề khuân vác hàng (hay dân trong nghề vẫn dùng thuật ngữ “porter”). Vậy là trong một vài năm trở lại đây, nghề mới này bỗng trở nên thân thuộc với bà con miền núi, góp phần thay đổi không nhỏ cuộc sống vốn dĩ còn khó khăn của bà con và hứa hẹn sẽ mang lại nhiều nét đổi mới tích cực hơn trong tương lai.

Anh Đinh Thanh Sơn (sinh năm 1988, thôn 3, Tân Hóa, Minh Hóa) bắt đầu biết đến nghề “porter” từ năm 2011. Một cách tình cờ, anh được người bạn giới thiệu với Công ty Oxalis để bắt đầu làm quen với nghề chuyên gùi hàng cho các chuyến du lịch khám phá mạo hiểm đến hang Tú Làn. Bén duyên từ đây, và cuộc sống của anh có nhiều thay đổi lớn.

Học hết lớp 11, anh Sơn phải nghỉ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bố mất sớm, mẹ già yếu, em trai còn nhỏ dại, hai chị lớn đều đã lập gia đình, trong khi anh cũng đã có gia đình riêng, nhưng vợ không có việc làm ổn định, lại thêm hai con đang tuổi ăn tuổi lớn. Sau khi giải ngũ, anh loay hoay với việc tìm kế sinh nhai khi mình là trụ cột chính của cả gia đình lớn.

Từ năm 2010, do ảnh hưởng của trận lũ lịch sử, ruộng đồng trong thôn không thể trồng lúa, chỉ có thể trồng lạc, khoai, ngô với thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng/năm. Với sức trẻ, người ta kêu đi rừng làm gỗ anh cũng đi, nhưng chỉ được mùa nắng, mùa mưa thì bó gối nằm nhà. Dẫu vậy, nếu có đi rừng, một tháng anh cũng chỉ kiếm thêm từ 1-2 triệu đồng. Cuộc sống hết sức bấp bênh.

Phải từ khi bắt đầu làm “porter”, cuộc sống gia đình anh mới khấp khởi một chút hy vọng mới. Anh hồ hởi chia sẻ, mỗi tháng anh đi khoảng từ 3-4 chuyến, chuyến dài nhất là 4 ngày, chuyến ngắn nhất là 1 ngày. Trung bình, chuyến 1 ngày, mỗi “porter” được nhận 200.000 đồng, chuyến đi qua đêm thì khoảng 250.000 đồng. Như vậy, thu nhập của anh mỗi tháng duy trì từ 1 triệu đồng đến 4 triệu đồng. Không chỉ vậy, công việc nhẹ nhàng và đỡ vất vả, hiểm nguy hơn rất nhiều so với nghề đi rừng. Anh bảo, từ khi làm công việc này, mình mừng một, vợ con mừng mười và anh còn giới thiệu 6-7 người bạn của mình cùng chung sức chí thú làm nghề.

Với họ, những người làm nghề “porter”, mỗi chuyến đi là một cuộc khám phá, đầy mới mẻ và tự hào.
Với họ, những người làm nghề “porter”, mỗi chuyến đi là một cuộc khám phá, đầy mới mẻ và tự hào.

Theo anh Trương Xuân Trung, Trưởng nhóm “porter” của Công ty Oxalis ở xã Tân Hóa, hiện nay, tại khu vực này, Công ty duy trì 40 anh em “porter” với tuổi đời từ 18-30 tuổi, chủ yếu là người Nguồn sống tập trung ở các thôn thuộc xã Tân Hóa. Nếu như trước đây nghề chính của anh em là đi rừng hoặc vào miền Nam kiếm sống, thì nay với công việc mới, anh em dễ dàng thích nghi và thêm yêu thích, gắn bó với rừng núi hơn.

Công việc hàng ngày của mọi người mỗi khi có tour là gùi hàng hóa, nhu yếu phẩm, trang thiết bị cho khách du lịch theo tuyến hành trình. Trong suốt chuyến đi, anh em thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ khách du lịch và phục vụ ăn uống. Mặc dù đối với khách nước ngoài rào cản ngôn ngữ là điều không thể tránh khỏi, nhưng do được phía Công ty đào tạo rất về tốt các kỹ năng, thái độ với khách du lịch, cho nên anh em đều thân thiện, hòa đồng, sử dụng “ngôn ngữ cử chỉ” rất chuyên nghiệp để trao đổi với khách.

Vừa trở về từ chuyến hành trình khám phá dài ngày đến hang Sơn Đoòng cùng đoàn của Thái tử Tiểu Vương quốc Abu Dhabi ngay những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ 2014, Hồ Xuân Cường (18 tuổi, thôn Phong Nha, Sơn Trạch, Bố Trạch) không hề thấy mệt mỏi, ánh mắt vẫn ngời sáng, lấp lánh niềm hân hoan. Khi thấy tôi nghi ngại trước vóc dáng nhỏ bé của em liệu có thể gùi được bao nhiêu hàng, anh em trong đoàn hào hứng chia sẻ: “Nó có thể gùi đến hơn 1 tạ hàng hóa(?!)”...

Cường tâm sự, đây là chuyến đi làm đầu tiên của mình, bố mất từ khi mới 3 tuổi, nhà có 3 chị em, mẹ sức khỏe rất yếu. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngay từ khi học cấp 2, Cường đã phải nghỉ học, em làm đủ mọi nghề để kiếm sống, từ bưng bê nhà hàng cho đến đi rừng..., ai gọi gì em làm nấy, miễn có tiền phụ giúp gia đình. Kể từ khi chú Hồ Khanh, Trưởng nhóm “porter” hang Sơn Đoòng nhận em vào đoàn, có công việc ổn định, mẹ em còn vui hơn cả em.

Anh Hồ Khanh cho biết, đoàn “porter” phụ trách hang Sơn Đoòng có hơn 40 người chính thức và 10 người dự bị, độ tuổi từ 18-55 tuổi. Mỗi tháng, mỗi anh em tham gia khoảng 2 tour. Mặc dù số lượng khách du lịch mỗi tour rất ít, nhưng do đặc thù đường đi và yêu cầu kỹ thuật, số lượng “porter” thường nhiều gấp mấy lần, thời gian đi cũng dài hơn so với các tuyến ở Tú Làn (Minh Hóa) hay Hang Én (Bố Trạch), nỗi vất vả cũng vì thế mà tăng lên. Chẳng hạn trong chuyến khám phá đầu tiên đến hang Sơn Đoòng vào tháng 8-2013, chỉ với 6 du khách quốc tế, nhưng có tới 16 “porter” tham gia hành trình với số lượng trang thiết bị, thực phẩm mà đoàn mang theo lên tới hơn 600 kg. Với mỗi chuyến đi, anh em được trả 500.000 đồng/người/ngày.

Để được chọn vào đoàn, các anh em phải trải qua các đợt kiểm tra về sức khỏe, thái độ làm việc, mức độ nhiệt tình, chu đáo. Nhờ vậy, khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế đã dành không ít lời khen và cảm tình đặc biệt cho đội ngũ những “porter’ bản địa này. Còn nhớ, ông Dennis Lipatov, một trong những vị khách quốc tế đầu tiên đến hang Sơn Đoòng, đã chia sẻ niềm cảm phục sâu sắc đối với các “porter” trong chuyến đi, và khẳng định, nếu không có họ, sẽ khó có được chuyến khám phá thành công này.

Để xây dựng được một đội ngũ “porter” chuyên nghiệp trong hoàn cảnh nhiều bà con miền núi vẫn còn rất xa lạ với công việc mới mẻ này là một sự nỗ lực và quyết tâm của Công ty Oxalis. Anh Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Oxalis cho biết, để không ngừng nâng cao chất lượng của các tour khám phá, trước hết, Công ty đã xây dựng một kế hoạch dài hơi đối với đội ngũ “porter”. Công ty phụ trách đào tạo các mảng liên quan đến cách thức phục vụ, kỹ năng giao tiếp, cách thức nấu ăn, xử lý tình huống... và Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh hỗ trợ đào tạo về an toàn trong hang động. Các “porter” được chỉ dạy tỉ mỉ từ cách mắc võng, cách dựng lều nghỉ... cho đến cách sắp xếp đồ ăn, nấu nướng theo khẩu vị của khách...

Đặc biệt, thái độ, cách ứng xử với môi trường, với tự nhiên, với di sản luôn là nội dung được quan tâm nhất trong quá trình rèn luyện, thử thách. Ngoài ra, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng tham gia đào tạo nghiệp vụ đối với các hướng dẫn viên, “porter”. Hiện tại, đội ngũ “porter” của Công ty hơn 100 người, với 80 thành viên chia đều cho hang Tú Làn và Sơn Đoòng, hơn 20 thành viên còn lại là của hang Én.

Xác định đây sẽ là nghề lâu dài, góp phần cải thiện, nâng cao mức sống của các anh em, nhất là đối với những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Nguyễn Châu Á khẳng định, đội ngũ “porter” sẽ được tăng cường thêm về số lượng, nâng cao chất lượng trong tương lai khi nhiều tour mới sẽ được đưa vào khai thác và các tour cũ được đẩy mạnh. Chẳng hạn như tuyến mới hang Vả có thể tăng thêm 4 tour/1 tuần, do đó cần tới 50 “porter” hay tuyến hang Tú Làn sẽ tăng thêm 6.000 khách/năm và cần hơn 100 “porter”.

Vẫn gắn bó với rừng, vẫn đi rừng, nhưng theo một cách khác, hoàn toàn mới với nhiều thanh niên ở các vùng núi tỉnh ta, đó là... làm du lịch. Với cách thức mới mẻ này, họ tăng khả năng giao tiếp, vượt qua mọi ngại ngần, góp phần đưa hình ảnh tuyệt đẹp của vùng đất, con người Quảng Bình đến với bạn bè khắp năm châu. Nhưng trong tương lai, nghề “porter” vẫn cần nhiều sự quan tâm hơn nữa, không chỉ của riêng Công ty Oxalis, mà còn của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương với các quy định, hỗ trợ phù hợp.

Mai Nhân