.

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề: "Giấc mơ" bao giờ thành hiện thực?! - Kỳ 2: Liệu có là "giấc mơ xa"?

Thứ Sáu, 01/08/2014, 14:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu làng nghề luôn là nhiệm vụ được đặt ra nhằm bảo tồn và phát huy giá trị vốn có của làng nghề cũng như thúc đẩy nền kinh tế của các địa phương. Vai trò của thương hiệu rất quan trọng đối với sự phát triển cũng như định vị vị trí của sản phẩm làng nghề. Tuy nhiên, điều này không phải làng nghề nào ở tỉnh ta cũng nhận thấy và cũng không ít làng nghề dù nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhưng do nhiều nguyên nhân nên việc hiện thực hoá mong muốn đó trở nên quá xa vời.

>> Kỳ 1: Khi thương hiệu không "đồng hành" cùng làng nghề

HTX rượu Võ Xá (Võ Ninh, Quảng Ninh) đã tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm của mình.
HTX rượu Võ Xá (Võ Ninh, Quảng Ninh) đã tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm.

Vì đâu nên nỗi?

Chuyện các làng nghề không mấy mặn mà với việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm có nhiều nguyên nhân mà có lẽ nguyên nhân đầu tiên phải nói đến chính là tâm lý "dựa dẫm truyền thống" của chính những người làm nghề. Theo họ, vì đã có truyền thống lâu đời nên sẽ có nhiều người biết đến sản phẩm của làng nghề mình, do đó việc xây dựng thương hiệu là... thừa.

Đơn cử như trường hợp của làng nghề đan lát Thọ Đơn (Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn). Với việc được hình thành, phát triển cách đây hơn trăm năm, đan lát Thọ Đơn trở nên "nổi tiếng" đối với người dân các vùng lân cận, người dân Quảng Bình, nhưng khi đã vượt qua địa giới tỉnh nhà thì tên tuổi của làng nghề lại chẳng mấy ai biết đến bởi công tác quảng bá thương hiệu còn quá hạn chế.

Mặc dù sản phẩm đan lát Thọ Đơn có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước nhưng khi được tung ra thị trường, người ta không phân biệt được đâu là sản phẩm của làng nghề này. Ông Trần Văn Liếp, một thợ đan lát có hơn 40 năm tuổi nghề của làng chia sẻ: "Bây giờ vẫn cứ nhờ vào việc nghe tiếng tăm, người nọ truyền người kia để giới thiệu sản phẩm của mình thôi chứ làm quảng bá lớn thì còn xa lắm".  

Một nguyên nhân nữa khiến các làng nghề tỉnh ta không mấy mặn mà với việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là do lối sản xuất thủ công, manh mún, nhỏ lẻ theo hộ gia đình, phần nhiều là kinh doanh theo lối riêng rẽ "mạnh ai nấy làm" nên sự gắn kết giữa các hộ trong làng nghề chưa cao. Trong khi việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại và khâu giới thiệu, quảng bá sản phẩm phải mất nhiều chi phí. Thực trạng chung của các làng nghề hiện nay là hạn chế về năng lực tài chính nên chi phí dành cho việc phát triển thương hiệu không được đầu tư xứng đáng...

Nhiều làng nghề ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu, sẵn sàng đầu tư nhưng lại thiếu kinh nghiệm và sự tư vấn cần thiết; tỷ lệ thành lập tổ chức làng nghề của các địa phương còn rất ít nên việc xây dựng chương trình quảng bá, tiếp thị, xúc tiến thương mại còn hạn chế. Nước mắm Nhân Nam (Nhân Trạch, Bố Trạch) đã được cơ quan chức năng đăng ký nhãn hiệu độc quyền, nhưng do chưa xây dựng được thương hiệu nên việc tiêu thụ vẫn còn nhiều thụ động và hiệu quả kinh tế thấp.

Tại thị trường nội tỉnh, sản phẩm của làng nghề vẫn được khách hàng ưa chuộng, thế nhưng nước mắm Nhân Nam lại chưa thể chinh phục được thị trường tiềm năng ngoại tỉnh. Nguyên nhân là do sự đơn điệu về mẫu mã, thiếu chiến lược maketing dài hơi, thiếu thông tin thị trường, thông tin đối thủ cạnh tranh... 

Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết, một rào cản khác trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, đăng ký nhãn mác hàng hóa ở làng nghề, đó là nhiều làng nghề đến nay chưa có bộ máy hoạt động quy củ, cán bộ còn kiêm nhiệm. Do đó họ chưa chuyên tâm, chưa tâm huyết với sự phát triển của làng nghề, nhận thức còn hạn chế, chưa hiểu rõ việc bảo hộ sở hữu công nghiệp cũng như chưa biết lựa chọn hình thức, cách thức bảo hộ sở hữu công nghiệp nào phù hợp với thực trạng sản xuất sản phẩm của làng nghề mình...

Bên cạnh đó, một số làng nghề mặc dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chỉ dẫn địa lý, đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền nhưng công đoạn quảng bá sản phẩm lại không được chú trọng đúng mức nên thương hiệu sản phẩm vẫn chưa đến được với người tiêu dùng.

Đi tìm lời giải

Theo đánh giá của giới chuyên môn, để tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường thì việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề là điều vô cùng cần thiết. Việc không có thương hiệu không những không tạo được niềm tin ở người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm mà làng nghề còn chịu nhiều thiệt thòi về giá cả.

Tuy nhiên, để làm được điều này không phải là chuyện dễ dàng. Để tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường, việc xây dựng thương hiệu đòi hỏi phải đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và mỗi địa phương, mỗi làng nghề cần có cái nhìn toàn diện và quan tâm đúng mức tới vấn đề này. Chiến lược dài hơi để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là đăng ký nhãn hiệu độc quyền và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là internet (qua các website). Điều này đòi hỏi chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải có kiến thức maketing, tin học, ngoại ngữ. Thế nhưng, thực tế cho thấy những đòi hỏi này đang "làm khó" không ít làng nghề.

Trong số các làng nghề tỉnh ta có lẽ rượu Võ Xá (Võ Ninh, Quảng Ninh) là làng nghề khá "nhanh chân" trong việc tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm của địa phương. Năm 2008, với sự hỗ trợ của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), HTX rượu Võ Xá đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu độc quyền với Cục Sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Nhờ đó, HTX cùng với xã viên có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Với sản lượng lớn, chất lượng bảo đảm, rượu Võ Xá đã có mặt ở nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, HTX rượu Võ Xá rất chú trọng đến khâu quảng bá sản phẩm. Ngoài việc giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, trung tâm thương mại, tích cực mở rộng thêm các đại lý ở các tỉnh khác như TP.HCM, Hà Tĩnh..., HTX còn không ngại đầu tư thuê người xây dựng trang web để quảng cáo thương hiệu của mình trên internet. Nhờ đó, rượu Võ Xá ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Rõ ràng, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đã mang lại rất nhiều hiệu quả trong việc đẩy mạnh sự phát triển của làng nghề theo hướng bền vững. Điều đáng buồn là hiện tại ở tỉnh ta không mấy làng nghề làm được điều này. Thực tế, sản phẩm của nhiều làng nghề có chất lượng bảo đảm, mẫu mã đẹp, nhưng quảng bá thế nào để chứng minh cho người tiêu dùng tin tưởng, sử dụng sản phẩm thì đây là việc rất hiếm làng nghề làm được. Vì vậy, hầu hết sản phẩm làng nghề hiện nay vẫn đang tiêu thụ theo kênh trôi nổi, sản xuất cầm chừng và chủ yếu phân phối cho thị trường trong tỉnh.

Từ thực tế đó, muốn xây dựng và phát triển thương hiệu làng nghề, trước mắt cần nâng cao nhận thức của làng nghề về tầm quan trọng của thương hiệu. Làng nghề cần xác định thương hiệu là vũ khí cạnh tranh của sản phẩm. Xây dựng thương hiệu trước tiên là sự đầu tư để mang lại những sản phẩm có chất lượng, thể hiện uy tín của đơn vị sản xuất kinh doanh.

Muốn làm được như vậy, làng nghề cần chú trọng hơn nữa tới công tác đào tạo nghề, đổi mới công nghệ, phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tạo dựng uy tín, hình ảnh của thương hiệu trên thương trường. Bên cạnh đó là sự thay đổi tư duy của làng nghề trong việc định vị, xây dựng chiến lược, đăng ký bảo hộ thương hiệu. Nhiều làng nghề cho rằng thủ tục của việc xây dựng thương hiệu rườm rà, phức tạp, tốn kém, nhưng để đạt được sự phát triển bền vững trong tương lai thì cần phải gạt bỏ tư tưởng lợi ích trước mắt để hướng tới mục tiêu lâu dài. Xây dựng thương hiệu đã khó, phát triển thương hiệu còn khó hơn, đòi hỏi sự tỉ mỉ cả về chiến lược xây dựng, đầu tư tài chính và đội ngũ nhân sự.

Các làng nghề, chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tham gia triển lãm, hội chợ để quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, Nhà nước, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ các làng nghề khắc phục tình trạng khó khăn về vốn, sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ và tạo tư cách pháp nhân cho các hộ sản xuất, các doanh nghiệp mở rộng giao thương hàng hóa. Có như vậy mới nâng cao được tính cạnh tranh-chìa khóa tăng trưởng của sản phẩm làng nghề trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

Đ.V