.

Sản xuất nông nghiệp ở Lệ Thủy: Những "gam màu" sáng

Thứ Sáu, 01/08/2014, 12:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong 6 tháng đầu năm 2014, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế-xã hội của huyện Lệ Thủy vẫn tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Các chỉ tiêu về nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, TTCN... cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt, lĩnh vực trồng trọt và xây dựng nông thôn mới là những lĩnh vực có nhiều khởi sắc ấn tượng...

Tại kỳ họp lần thứ 11, HĐND huyện Lệ Thủy khóa XIX (nhiệm kỳ 2011-2016) đã đánh giá: Tổng diện tích cây trồng hàng năm 13.562 ha (bằng 102% so với cùng kỳ), trong đó lúa chiếm 10.117 ha; năng suất lúa vụ đông-xuân 2013-2014 đạt 65,26 tạ/ha (bằng 105,53% so với cùng kỳ). Đây là vụ lúa có năng suất cao nhất từ trước đến nay. Tổng sản lượng lương thực vụ đông-xuân 2013-2014 ở Lệ Thuỷ đạt 66.854 tấn, tăng gần 5.000 tấn so với cùng kỳ...

Năm 2014 là năm huyện Lệ Thuỷ đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, đối với vụ lúa đông-xuân 2013-2014, huyện đã tích cực chỉ đạo nông dân tập trung bám ruộng đồng để đầu tư cho sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị trên một đơn vị diện tích. Từ chỗ toàn huyện trước đây chỉ thực hiện thí điểm 80 ha cánh đồng mẫu lớn, đến nay đã tăng lên 546 ha.

Ngoài ra, toàn huyện còn áp dụng mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI) thêm 105,7 ha. Vụ đông-xuân 2013-2014, huyện Lệ Thuỷ đã triển khai gieo cấy trên 10.120 ha lúa (tăng khoảng 300 ha so với cùng kỳ). Cơ cấu những bộ gống lúa chủ lực Lệ Thuỷ đưa vào sử dụng ở vụ mùa này gồm: gống lúa thuần (Xi23,  X21, NX30, 94-11, X33...) với diện tích từ 5.800 đến 6.000 ha; lúa lai (Nhị ưu 838, Nhị ưu 986, D.ưu 527...) khoảng 500 đến 700 ha; giống lúa chất lượng cao (P290, IR353-66, P6, nếp IJ352, XT28, HT1...) với diện tích từ 2.500 đến 2.800 ha; giống lúa tiến bộ kỹ thuật: khoảng 600 ha...

Nông dân Lệ Thuỷ đẩy mạnh việc đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng.
Nông dân Lệ Thuỷ đẩy mạnh việc đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng.

Mới đây, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Trần Văn Tuân dẫn đầu đã đến các xã Liên Thuỷ, An Thuỷ, Phong Thuỷ để kiểm tra một số mô hình sản xuất giống lúa vụ đông-xuân 2013-2014 thực hiện cánh đồng mẫu lớn trong xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, đoàn công tác của UBND tỉnh đã đến thôn Quy Hậu, xã Liên Thuỷ xem xét, kiểm tra mô hình sản xuất giống lúa mới CXT 30 do Công ty cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình phối hợp triển khai thực hiện với diện tích 8 ha; mô hình sản xuất giống lúa P6 tại HTX Mỹ Lộc Thượng (xã An Thuỷ) theo hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) do Công ty cổ phần Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình phối hợp triển khai với diện tích 52 ha; mô hình sản xuất giống lúa VH1 với diện tích 50 ha và mô hình sản xuất giống lúa AC5 trên diện tích 65 ha tại HTX Mỹ Lộc Hạ (xã An Thuỷ) do Công ty TNHH Khoa học-Công nghệ Vĩnh Hoàng phối hợp thực hiện. Kết quả kiểm tra cho thấy, năng suất giống lúa CXT 30 đạt trên 65 tạ/ha; năng suất giống lúa P6 đạt khoảng 76 tạ/ha; năng suất giống lúa VH1 đạt trên 70 tạ/ha; năng suất giống lúa AC5 ước đạt 74 tạ/ha.

Nhìn chung, các mô hình giống lúa nói trên đều đang sinh trưởng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh cao, tiết kiệm được chi phí nhờ gieo với mật độ thấp hơn các bộ giống lúa khác... nên bà con nông dân tỏ ra rất phấn khởi.

Đặc biệt ở vụ mùa này, toàn bộ các mô hình sản xuất giống lúa vụ đông-xuân 2013-2014 thực hiện cánh đồng mẫu lớn trong xây dựng nông thôn mới ở Lệ Thuỷ đều được các doanh nghiệp tiến hành thu mua hết theo giá cả đã thoả thuận trước đó. Như vậy, bên cạnh niềm vui được mùa, nông dân Lệ Thuỷ còn có thêm niềm vui nhờ được giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp... 

Ngoài việc chỉ đạo nông dân triển khai gieo cấy gần 2.000 ha lúa hè-thu năm 2014 theo kế hoạch đề ra, UBND huyện Lệ Thuỷ còn chỉ đạo người dân đẩy mạnh chăm sóc, thâm canh 8.543 ha lúa tái sinh. Bước vào đầu vụ, do tình hình khô hạn diễn ra tương đối gay gắt nên UBND huyện đã chỉ đạo các xã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích ruộng không gieo được lúa vụ hè-thu sang trồng các loại cây trồng khác nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 91 ha sang trồng đậu xanh. Thời điểm này, mặc dù UBND huyện Lệ Thuỷ chưa đưa ra con số thống kê chính xác, nhưng theo nhiều bà con nông dân cho biết, lúa tái sinh năm 2014 sẽ cho năng suất, sản lượng cao hơn nhiều năm trở lại đây. 

Người dân Lệ Thuỷ nỗ lực kiên cố hoá đường giao thông nội đồng  để xây dựng nông thôn mới.
Người dân Lệ Thuỷ nỗ lực kiên cố hoá đường giao thông nội đồng để xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh niềm vui được mùa thì Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQGXDNTM) của huyện Lệ Thuỷ cũng đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, toàn huyện có 3 xã đăng ký đạt nông thôn mới trong năm 2014 đó là Phong Thuỷ, Lộc Thuỷ, Liên Thuỷ; 5 xã (An Thuỷ, Tân Thuỷ, Dương Thuỷ, Mỹ Thuỷ, Mai Thuỷ) đăng ký sẽ đạt nông thôn mới vào năm 2015. Tại thời điểm này, Lệ Thủy có 3 xã đạt trên 17 tiêu chí, 3 xã đạt trên 15 tiêu chí, 2 xã đạt 14 tiêu chí, 6 xã đạt từ 10-12 tiêu chí, 10 xã đạt từ 5-10 tiêu chí và có 2 xã đạt dưới 5 tiêu chí...

Theo ông Nguyễn Quang Năm, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ cho biết, thời điểm này toàn huyện đang tích cực chỉ đạo các xã thực hiện Chương trình MTQGDNTM theo đúng kế hoạch, lộ trình đã đề ra; tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo từ cấp huyện đến xã, thôn; thường xuyên tổ chức rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện từng tiêu chí để tập trung chỉ đạo; tiến hành kiểm tra, hướng dẫn các xã lập quy chế quản lý quy hoạch xây dựng NTM theo quy định; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nguồn kinh phí tỉnh cấp để tập trung chỉ đạo xây dựng NTM đạt kết quả cao (trong đó chú trọng chỉ đạo 3 xã Phong Thủy, Lộc Thủy, Liên Thủy thực hiện 2 tiêu chí còn lại để phấn đấu hoàn thành xã NTM trước ngày 30-9-2014); tiếp tục chỉ đạo 5 xã (An Thủy, Tân Thủy, Dương Thủy, Mỹ Thủy, Mai Thủy) rà soát đăng ký nguồn vốn để thực hiện các tiêu chí còn lại và phấn đấu đạt xã NTM trong năm 2015...

Đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình MTQGXDNTM ở Lệ Thuỷ đạt 664.250 triệu đồng (6 tháng đầu năm 2014 là 120.304 triệu đồng), trong đó nguồn vốn đóng góp của nhân dân là 102.049 triệu đồng (6 tháng đầu năm 2014 là 5.151 triệu đồng)...

Với những "gam màu" sáng trong lĩnh vực trồng trọt và xây dựng nông thôn mới mà Lệ Thuỷ đã đạt được trong năm 2014, sẽ góp phần rất quan trọng làm bức tranh kinh tế - xã hội chung toàn huyện ngày càng hoàn thiện.

Văn Minh