.
Chung sức xây dựng nông thôn mới:

Sự bứt phá ngoạn mục

Thứ Tư, 30/07/2014, 08:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2011, khi huyện Bố Trạch bắt tay vào triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Thanh Trạch nằm trong tốp những địa phương dự kiến sẽ chạm đích nông thôn mới vào năm 2020. Thế nhưng sau hơn ba năm nỗ lực phấn đấu, Thanh Trạch đã tạo nên một sự bứt phá ngoạn mục với lộ trình về đích nông thôn mới vào cuối năm 2015, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu của huyện Bố Trạch trong xây dựng nông thôn mới.

Rút ngắn lộ trình 5 năm là việc không phải địa phương nào cũng có thể thực hiện được. Với Thanh Trạch, địa phương đất chật người đông, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng đối mặt với ngổn ngang khó khăn. Thế nhưng với quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân địa phương, sau chặng đường gian nan buổi đầu ấy, thời điểm này, Thanh Trạch đang hoàn tất những tiêu chí cuối cùng để trở thành xã NTM vào cuối năm 2015.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Tuyển, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, ngay từ đầu, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM xã đã phối hợp cùng khối Mặt trận, các ban, ngành, các thôn tổ chức tốt công tác tuyên truyền. Quá trình tuyên truyền, bên cạnh nội dung vận động nhân dân đóng góp nguồn vốn đối ứng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, vấn đề được xem như cốt lõi đó chính là việc làm cho người dân hiểu được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM để tự giác tham gia.

Bên cạnh đó, thông qua hệ thống phát thanh của xã, những tấm gương điển hình, những cách làm hay trong phong trào xây dựng NTM được nêu gương. Các tổ chức đoàn thể địa phương cũng đồng thời tiến hành tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như mít tinh hưởng ứng Tuần lễ nước sạch – vệ sinh môi trường, đẩy mạnh việc thu gom rác thải; phát động trồng cây, giữ gìn và khai thác tốt danh lam thắng cảnh trên địa bàn; xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế... Những hoạt động khởi đầu đầy tâm huyết này đã thu hút được sự tham gia của đông đảo nhân dân địa phương, “cuốn” họ vào một cuộc thi đua sôi nổi và tự giác...

Người dân xã Thanh Trạch thu gom rác thải, góp phần hoàn thành tiêu chí Môi trường.
Người dân xã Thanh Trạch thu gom rác thải, góp phần hoàn thành tiêu chí Môi trường.

Sau ba năm triển khai, cùng với sự đổi thay trong tư duy của mỗi người dân về trách nhiệm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn Thanh Trạch đã có nhiều khởi sắc đáng tự hào. Toàn xã đã bê tông hóa được 12.760m đường giao thông, 11 cống thoát nước các loại. Tổng số vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đạt gần 20 tỷ đồng, trong đó vốn của tỉnh và huyện 1,7 tỷ đồng, còn lại là của địa phương và nhân dân. Nổi bật trong phong trào có thôn Thanh Hải với tỷ lệ bê tông hóa đường nội thôn đạt trên 95%.

Trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng, đã có 122 hộ hiến đất, tài sản với tổng trị giá gần 700 triệu đồng. Điều quan trọng là tất cả người dân đều tham gia hiến đất và tài sản trên tinh thần tự nguyện nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu chung. Cùng với hạ tầng giao thông, những năm qua, từ nhiều nguồn kinh phí, địa phương cũng đã chú trọng đầu tư cho cơ sở vật chất, trường học với tổng trị giá gần 7 tỷ đồng.

Đến nay, ¾ trường học trên địa bàn đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Và điểm nổi bật không thể không kể đến chính là việc xây dựng cơ sở vật chất văn hóa của xã và các thôn. Trong ba năm qua, bằng nội lực của cộng đồng dân cư, địa phương đã hoàn thành 3 nhà văn hóa thôn với tổng trị giá gần 2,7 tỷ đồng và một số công trình khác như sân vận động, trang thiết bị văn hóa... trị giá trên 1,3 tỷ đồng...

Cùng với việc hoàn thành tốt nhóm tiêu chí “cứng” tạo nên diện mạo mới cho quê hương, Thanh Trạch luôn quan tâm đến nhóm tiêu chí “mềm”, đặc biệt là công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Với đặc thù của một địa phương đa ngành nghề, việc tổ chức phát triển các hình thức sản xuất có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, trong 3 năm qua, Thanh Trạch đã chuyển đổi thành công 29ha diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang mô hình trang trại, xây dựng các vùng chuyên trồng lúa, nuôi trồng thủy sản và trồng rừng kinh tế...

Đến nay, xã có gần 30 trang trại tổng hợp làm ăn có hiệu quả. Bên cạnh đó, với lợi thế cảng Gianh và cụm trung tâm chợ Thanh Hà, xã đã quy hoạch khu vực nhà xưởng công nghiệp, sản xuất, kinh doanh chế biến thủy, hải sản, cửa hàng, cửa hiệu...

Hiện toàn xã có trên 30 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau, 30 tàu công suất lớn bảo đảm vươn khơi bám biển cùng 4 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, mang lại niềm tin cho ngư dân. Sự nỗ lực này đã góp phần quan trọng tạo nên những con số ấn tượng, đó là tỷ lệ hộ nghèo 4,07%, thu nhập bình quân đầu người trên 23 triệu đồng/người/năm, hàng năm giải quyết việc làm mới cho 150 đến 220 lao động...

Một trong những tiêu chí khó mà nhiều địa phương của huyện Bố Trạch đang trăn trở là tiêu chí môi trường, Thanh Trạch thậm chí còn có nhiều cái khó điển hình hơn bởi đặc thù đất chật người đông và nhiều hoạt động gây ô nhiễm. Xác định được cái khó của mình nên ngay từ đầu, Thanh Trạch đã nỗ lực đầu tư cho tiêu chí này. Xã đã kêu gọi hai doanh nghiệp phối hợp thu gom rác thải trên địa bàn với nguyên tắc xã hội hóa. 80% hộ dân đã tự nguyện tham gia; quy hoạch lại khu nghĩa địa tập trung và các khu chăn nuôi... Đặc biệt, với việc tỉnh đầu tư công trình nước sạch đã góp phần quan trọng để Thanh Trạch hoàn thành tiêu chí khó này.

Thời gian còn lại từ nay đến cuối năm 2015, Thanh Trạch sẽ phải hoàn thành các tiêu chí gồm trường học, giao thông, văn hóa, hệ thống chính trị. Để hoàn thành các tiêu chí còn lại và duy trì hiệu quả những tiêu chí đã đạt được, địa phương cần phải khắc phục một số tồn tại, hạn chế. Đó là công tác chỉ đạo, điều hành có lúc, có khi còn lúng túng, thiếu sự chủ động, sáng tạo. Trong đào tạo, tập huấn bổ sung kiến thức NTM do nhiều lý do nên thiếu kịp thời, việc giám sát, đánh giá chất lượng đào tạo, tập huấn chưa thực sự được coi trọng. Nội dung quy hoạch còn nặng về xây dựng hạ tầng, chưa đánh giá đúng vai trò của việc quy hoạch phát triển sản xuất cũng như các thế mạnh và hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế...

Xác định được tiềm năng thế mạnh cũng như những hạn chế, tồn tại của địa phương trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cùng với sự bứt phá ngoạn mục trong 3 năm qua, tin rằng Thanh Trạch sẽ tiếp tục hoàn thành những tiêu chí cuối cùng đúng lộ trình, đưa quê hương về đích NTM trước 5 năm như kế hoạch đề ra.

Ngọc Mai