.

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề: "Giấc mơ" bao giờ thành hiện thực?! - Kỳ 1: Khi thương hiệu không "đồng hành" cùng làng nghề

Thứ Năm, 31/07/2014, 08:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Tỉnh ta hiện có 14 làng nghề và 10 làng nghề truyền thống. Trong những năm qua, sự phát triển của các làng nghề đã góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và giải quyết hiệu quả bài toán lao động, việc làm cho các địa phương. Tuy nhiên có một thực trạng là hầu hết các sản phẩm làng nghề vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn khi tìm cho mình một chỗ đứng trên thị trường do chưa thực sự chú trọng đến việc đầu tư xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các làng nghề phát triển thiếu bền vững.

Những năm qua, công tác phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn luôn được các ngành, các cấp chính quyền địa phương quan tâm, nhờ đó số lượng làng nghề trên địa bàn tỉnh tăng lên nhanh chóng. Năm 2008, từ 15 làng nghề, làng nghề truyền thống đầu tiên được UBND tỉnh công nhận, đến nay, con số này đã tăng thêm 9 làng nghề. Sản phẩm làng nghề khá đa dạng, phong phú, từ mây tre đan, mây mặt cáo, nón lá, sản phẩm đúc rèn, mộc mỹ nghệ cho đến bún bánh, khoai deo, rượu, nước mắm...

Tuy nhiên thực tế những năm qua cũng cho thấy cơ cấu ngành nghề nông thôn và làng nghề mặc dù phát triển đa dạng, thị trường tiêu thụ sản phẩm đã được mở rộng hơn song chưa đáp ứng được thực tế phát triển làng nghề hiện nay. Trong số hàng chục sản phẩm làng nghề, chưa có sản phẩm nào mang tính mũi nhọn vươn ra thị trường với sức cạnh tranh cao. Số làng nghề tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm còn quá khiêm tốn, vô hình chung sản phẩm của các làng nghề tỉnh ta luôn bị cạnh tranh trong thế bất bình đẳng, thua thiệt ngay cả ở thị trường nội địa.

Không ít làng nghề đang chới với trong việc tìm hướng phát triển bền vững bởi chưa xây dựng được thương hiệu riêng hoặc chưa mặn mà với việc xây dựng thương hiệu, dẫn đến khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giảm giá trị sản xuất.

Không quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, nhiều làng nghề tỉnh ta gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hướng phát triển bền vững.
Không quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, nhiều làng nghề tỉnh ta gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hướng phát triển bền vững.

Được công nhận là làng nghề truyền thống từ 2010, đến nay làng nghề mây đan La Hà (Quảng Văn, Quảng Trạch) có hơn 100 hộ tham gia làm nghề đan lát, góp phần tạo việc làm cho khoảng 220 lao động địa phương. Sản phẩm của làng nghề là loại mây mặt cáo, được xuất bán ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Từ chỗ đứng trước nguy cơ mai một, nhờ tâm huyết của những người nặng lòng với nghề ông cha, mây đan La Hà đã hồi sinh trở lại. Trung bình mỗi năm, người dân địa phương sản xuất được hàng vạn m2 mặt mây.

Tuy nhiên hiện nay, cùng với những khó khăn chung về vốn, đầu vào nguyên vật liệu, trang thiết bị, máy móc và hạ tầng... người làm nghề ở La Hà còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ phía thị trường tiêu thụ. Ông Trần Văn Hiếu, Chủ nhiệm HTX mây đan La Hà cho biết: "Sản xuất mây đan trên địa bàn La Hà vẫn chưa phát huy hết hiệu quả kinh tế do chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, lượng sản phẩm bán ra còn tùy thuộc vào từng thời điểm, mùa vụ.

Bên cạnh đó, mẫu mã các sản phẩm cũng chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường tỉnh bạn, đặc biệt là sự cạnh tranh với các sản phẩm từ nhựa đang tràn ngập thị trường. Sự "cứu cánh" lúc này chính là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, nhưng xem ra để làm được điều này là chuyện khó khăn vô cùng".

Vốn có gần một trăm năm tuổi, trải qua nhiều thăng trầm, người dân làng nón Hạ Thôn (Quảng Tân, Quảng Trạch) đã và đang góp phần gìn giữ giá trị văn hóa mà cha ông để lại. Bằng bàn tay tài hoa của mình, họ đã làm ra những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Từ chỗ chỉ một vài hộ nhỏ lẻ, đến nay nghề này đã được nhân rộng, trở thành "điểm mạnh" của Quảng Tân.

Qua trao đổi với ông Phạm Quốc Lành, Chủ tịch UBND xã Quảng Tân, chúng tôi được biết nếu như năm 1955 trong làng có 75 hộ tham gia sản xuất nón lá với 50.000 sản phẩm/năm, thì đến năm 1975 có 200 hộ tham gia và sản xuất được 100.000 sản phẩm, năm 1995 có 500 hộ tham gia và sản xuất được 700.000 sản phẩm. Và hiện tại, toàn xã đã có trên 850 hộ tham gia, sản xuất được trên 1 triệu sản phẩm/năm. Giá trị sản xuất nón lá đạt trên 9 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 30-33% tổng thu nhập của địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho người dân, nâng mức thu nhập bình quân đầu người trong xã lên 10,5 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 13,8% (cuối năm 2013).

Thị trường tiêu thụ bấp bênh, sản phẩm đúc rèn Mai Hồng ngày càng bị co hẹp.
Thị trường tiêu thụ bấp bênh, sản phẩm đúc rèn Mai Hồng ngày càng bị co hẹp.

Đặc biệt, từ cách thức làm nón ban đầu, người dân Hạ Thôn đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo ra cách làm mới để cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa phải là "điều kiện đủ" để nón lá Hạ Thôn có được chỗ đứng vững vàng khi tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Hiện tại, do phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm của các làng nghề khác, nên giá thành của nón lá Hạ Thôn khá thấp. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này theo ông Phạm Xuân Kiều, Bí thư Chi bộ thôn Tân Tiến, là do sản phẩm của làng chưa xây dựng được thương hiệu riêng để chiếm trọn niềm tin của khách hàng.

Không chỉ ở hai làng nghề trên mà hiện tại trên địa bàn tỉnh ta rất nhiều làng nghề đang chới với trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ và không ít làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền chỉ vì sức cạnh tranh trên thị trường quá "yếu đuối". Những làng nghề như đan lát Xuân Bồ (Xuân Thuỷ, Lệ Thuỷ), đúc rèn Mai Hồng (Đồng Trạch, Bố Trạch)... là những ví dụ điển hình. Ngoài việc khan hiếm nguyên liệu, thì tình trạng "bí đầu ra" là nguyên nhân chính khiến các làng nghề này lâm vào ngõ cụt. Sản phẩm làm ra không tiếp cận được với nhiều thị trường đa dạng mà chỉ "quẩn quanh" phục vụ nhu cầu cho người dân địa phương nên không phát huy hết giá trị, giá thành thấp là điều dễ hiểu. Đó là thực tế buồn không chỉ đối với Xuân Bồ hay Mai Hồng mà là tình trạng chung.

Trong tổng số 24 làng nghề và làng nghề truyền thống được tỉnh công nhận thì đến nay số làng nghề được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể và đã tiến hành xây dựng thương hiệu sản phẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc không xây dựng được thương hiệu sẽ dẫn đến sản xuất luôn thiếu tính bền vững do không những không tạo được niềm tin ở người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm mà còn chịu thiệt thòi về giá cả do phải qua nhiều khâu trung gian.

Để phát triển bền vững, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm thì con đường hiệu quả nhất đối với các làng nghề là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Nhưng thực tế lại cho thấy lộ trình hiện thực hoá điều này lại đang còn quá xa vời đối với các làng nghề tỉnh ta.

Đ.V

Bài 2: Liệu có là “giấc mơ xa”?!