Thành phố trong tương lai

Cập nhật lúc 09:32, Thứ Sáu, 21/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Với những ưu thế "trời cho", thành phố Đồng Hới có những nét quyến rũ riêng và đang đổi thay từng ngày. Nhưng để có được một thành phố hiện đại, tôn cao những giá trị mà thiên nhiên đã ban tặng đòi hỏi phải có sự "nhào nặn", "chỉnh sửa" một cách chỉn chu... Quy hoạch chung điều chỉnh xây dựng thành phố Đồng Hới đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 phản ánh kỳ vọng đó...

Đến hôm nay mọi người thi thoảng vẫn nhắc đến quy hoạch Đồng Hới những năm đầu bảy mươi của thế kỷ trước. Hình như lúc đó có ý tưởng xây dựng Đồng Hới "lệch tây". Nhưng rồi bởi những lý do trong thực tế, nó đã "lệch đông" như hiện hữu...Lệch đông hay lệch tây đều có lý do và lợi thế của mỗi phương án. Và rồi sau nữa Đồng Hới tiếp tục có sự điều chỉnh theo hướng mở rộng cả về hai phía tây và đông...Nhưng khi mà tốc độ phát triển KT-XH của thành phố Đồng Hới nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung là khá lớn và có những chuyển biến mang tính thời đại như hiện nay, những gì đã và đang hiện hữu bộc lộ những "khuyết tật" mà không thể không chỉnh sửa.

Mặt khác, khi chúng ta xác định rõ hơn mục tiêu phát triển của Đồng Hới trong vài thập kỷ tới là đô thị du lịch trọng điểm trong khu vực thì càng phải có sự điều chỉnh trong quy hoạch... Và cái đích của quy hoạch cũng được thể hiện rất rõ, tập trung vào những nét cơ bản: Trước hết là chỉnh sửa những bất hợp lý trong các quy hoạch trước đây. Cùng với điều đó là quy hoạch hướng đến mục tiêu đưa Đồng Hới  thành thành phố du lịch, phát triển bền vững trong khu vực. Để tương xứng với trọng trách đó, Đồng Hới phải có diện tích đủ lớn với các giải pháp trị thuỷ, mở rộng diện tích cây xanh, xây dựng một số điểm nhấn, tạo nên nét riêng biệt so với các thành phố trong khu vực...

Khác với những lần trước, quy hoạch thành phố Đồng Hới lần này do Công ty Nikken Sekkei Nhật Bản đảm nhiệm. Và qua nhiều lần chỉnh sửa, góp ý của các cấp, các ngành, quy hoạch chung điều chỉnh xây dựng thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận đã cơ bản hoàn tất. Một Đồng Hới trong tương lai gần sẽ như thế nào để xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả tỉnh? Sau đây là một vài nét cơ bản.

Đồng Hới trong tương lai không nhỏ hẹp như hiện tại, mà sẽ được mở rộng ra phía bắc, vào phía nam với diện tích hơn 21.200 ha (hiện tại 15,500 ha). Diện tích mở rộng sẽ là khu vực Lương Ninh  562ha, Quán Hàu 326 ha, Vĩnh Ninh 1.185ha Quảng Ninh; Lý Trạch 2.178ha và Nhân Trạch 245ha Bố Trạch. Về quy mô dân số theo quy hoạch sẽ là 250.000 người, trong đó dân số đô thị là 190.000  người.

Cấu trúc mạng lưới giao thông kết nối theo hai hướng chính là bắc-nam và đông-tây, tạo thành bộ khung cơ bản của đô thị. Kết nối bắc-nam có 3 trục giao thông chính là quốc lộ 1A, đường tránh thành phố và đường Hồ Chí Minh. Liên kết đông- tây bao gồm trục đông-tây 1 kết nối khu vực công nghiệp và khu đô thị phía bắc, khu vực du lịch nghỉ dưỡng (đường Phan Đình Phùng, đường xây dựng mới); trục đông-tây 2 giữ vị trí là trục trung tâm đô thị (sẽ bao gồm đường xây mới, đường Hà Huy Tập, Trần Hưng Đạo, Tôn Đức Thắng); trục đông-tây 3 kết nối làng xóm nông thôn với trung tâm đô thị, đô thị mới (đường Lý Thái Tổ, Lê Lợi) và trục đông-tây 4 kết nối đô thị phía nam, khu vực du lịch nghỉ dưỡng (sẽ là đường xây mới hoàn toàn).

Một góc thành phố Đồng Hới. Ảnh: P.V
Một góc thành phố Đồng Hới. Ảnh: P.V

 Cùng với bộ khung giao thông, không gian đô thị sẽ phát triển về cả 4 phía và hình thành 6 phân vùng. Bao gồm: Phân vùng trung tâm: khu vực sông Cầu Rào là bộ mặt mới của thành phố, tại đây tập trung các chức năng đô thị chính. Phân vùng cửa ngõ gồm khu vực đầu phía nam và phía bắc của quốc lộ 1A, đường tránh thành phố giữ vị trí là cửa ngõ của thành phố, hình thành đô thị mới để chào đón du khách. Phân vùng công nghiệp trung tâm là trục đường Phan Đình Phùng. Phân vùng bảo tồn đất nông nghiệp là khu vực phía tây đô thị. Phân vùng du lịch- nghỉ dưỡng: ven biển phía bắc có bãi biển đẹp sẽ dành cho thư giãn, giải trí. Phân vùng đô thị - nghỉ dưỡng: hình thành tại khu vực Bảo Ninh đô thị mới hoà hợp giữa nơi ở, làm việc và du lịch. Trên cơ sở phân vùng như vừa trình bày, việc xây dựng kiến trúc cảnh quan của từng vùng được quy hoạch chi tiết.

Ví dụ, khu vực Bảo Ninh sẽ hình thành khu đô thị mới bao gồm nơi ở, làm việc, nghỉ dưỡng gần nhau có hồ nước và cây xanh xung quanh. Về trục đô thị của khu vực này gồm 2 đường bắc-nam và 3 đường đông-tây; trục nước và trục cây xanh. Cửa ngõ là 3 cầu vượt sông Nhật Lệ cùng với toà nhà cao tầng bố trí đầu cầu. Khu vực nghỉ dưỡng ven biển sẽ xây dựng khách sạn thấp tầng hợp nhất với bãi biển đẹp, công viên bờ biển để có thể ngắm biển, tổ chức sự kiện. Khu vực đô thị mới bố trí nhà tầng thấp và trung bình bao quanh trục nước và cây xanh ở trung tâm; xây dựng đường đi dạo tiếp cận mặt nước; các công trình thương mại tầng thấp ven đường đông-tây để tạo sự sầm uất...

Xây dựng, cải tạo cảnh quan hai bên bờ các con sông Nhật Lệ, Cầu Rào, sông Luỹ, sông Mỹ Cương thành các trục cây xanh, mặt nước nhằm tạo cảnh quan và không gian thoáng mát cho đô thị. Khu trung tâm hành chính của tỉnh tại khu vực phía đông bắc và tây nam sông Cầu Rào thuộc phường Đồng Phú và phường Đức Ninh Đông và được xây dựng theo hướng hiện đại, đồng bộ, là một trong các điểm nhấn quan trọng của thành phố. Cải tạo chỉnh trang chợ Đồng Hới thành khu thương mại phức hợp, khu vực phía đông đường Quang Trung thành trọng điểm thương mại, dịch vụ sầm uất với các đường phố đi bộ, hình thành không gian mua sắm và đi bộ tại chợ và đường Mẹ Suốt, nơi giao lưu của người dân đô thị và khách du lịch...

Quy hoạch cũng đã đưa ra những phương án trị thuỷ để bảo đảm an toàn cho thành phố trong mùa mưa. Trong đó đề cập đến việc cải tạo dòng chảy của những con sông chính, như với sông Cầu Rào đoạn hạ lưu sẽ cải tạo đoạn sông bị thu hẹp tại 3 điểm, xây dựng hồ điều hoà rộng 180 ha ở thượng lưu...

Những thủ tục cho Đề án Quy hoạch chung điều chỉnh xây dựng thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã hoàn tất. Nhưng để biến ý tưởng thành hiện thực, để Đồng Hới thực sự là một thành phố du lịch, văn minh, hiện đại là một khối lượng công việc khổng lồ, đầy khó khăn trong đó đòi hỏi có sự chung tay của toàn xã hội mà trước hết là mỗi người dân của thành phố Đồng Hới.

                                                                                              Văn Hoàng

 

 

,
.
.
.