Hướng đi mới của ngư dân Cồn Sẻ

Cập nhật lúc 10:51, Thứ Hai, 24/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc (Quảng Trạch) nằm giữa dòng Gianh như một ốc đảo biệt lập, và cuộc sống của người dân nơi đây cũng bấp bênh theo con nước... Bây giờ, Cồn Sẻ đã có một đội tàu hùng mạnh vươn ra khơi xa khai thác hải sản, góp phần xoá đói giảm nghèo và làm thay đổi diện mạo vùng quê nghèo.

Phát huy nội lực

Thôn Cồn Sẻ hiện có 571 hộ dân với khoảng 3.500 khẩu, trong đó hầu hết số hộ trong thôn đều trực tiếp làm nghề đánh bắt, khai thác thuỷ hải sản. Trước đây, ngư dân Cồn Sẻ khai thác hải sản theo phương thức truyền thống là dùng te, mìn, lưới một... để đánh bắt gần bờ và phương tiện chỉ có thuyền công suất nhỏ. Tuy nhiên, do khai thác lâu ngày, các loại hải sản bị cạn kiệt vì vậy, sản lượng khai thác ngày càng thấp và giá trị kinh tế không cao.

Trước thực tế đó, chính quyền địa phương đã tìm ra các giải pháp hỗ trợ bà con ngư dân. Hội Nông dân xã đã vận động ngư dân tích cực bám biển sản xuất để ổn định đời sống. Mặt khác, các chủ tàu thuyền bắt đầu chuyển đổi dần từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ và mỗi tổ tàu thuyền cơ cấu thêm nhiều nghề như: mành, chụp, câu...

Đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Cồn Sẻ (Quảng Lộc, Quảng Trạch). Ảnh: N.L
Đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Cồn Sẻ (Quảng Lộc, Quảng Trạch). Ảnh: N.L

Đặc biệt, để ngư dân có kinh phí đóng mới tàu thuyền, ngoài triển khai kịp thời, đúng đối tượng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, xã còn tạo điều kiện cấp sổ đỏ để ngư dân tín chấp vay vốn của ngân hàng và có cơ hội đầu tư phát triển kinh tế thủy sản. Ông Nguyễn Cương, Trưởng thôn Cồn Sẻ cho biết, chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây, trong thôn đã có thêm gần 40 chiếc tàu có công suất trung bình từ 100 CV- 300 CV được đóng mới và cải hoán. Điển hình trong năm 2009, toàn thôn có 24 chiếc đóng mới hoàn toàn và trị giá trung bình mỗi tàu khoảng 2,5 tỷ đồng.

Chính nhờ vậy, Cồn Sẻ bây giờ đã có một đội tàu hùng mạnh và ở Quảng Trạch chỉ kém sau xã Cảnh Dương, Quảng Phúc và Quảng Phú. Ông còn cho biết, đầu tư thuyền có mã lực lớn, đánh bắt xa bờ không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm phục vụ xã hội mà còn hạn chế được tình trạng dùng mìn đánh bắt làm hủy diệt môi trường vùng lộng.

Có thể nói, phát huy nội lực đã giúp những ngư dân nơi đây thực hiện được ước mơ mở rộng ngư trường và vươn ra khai thác khơi xa.

Hiện đại hóa nghề biển

Đến nay, toàn thôn Cồn Sẻ có 170 chiếc tàu, thuyền, trong đó có 55 đội tàu đánh bắt xa bờ (công suất từ 100 CV- 400 CV) với tổng công suất gần 10.000 CV và thu hút trên 900 lao động. Các đội tàu đánh bắt xa bờ chủ yếu khai thác hải sản bằng lưới vây, lưới kéo, rê, chụp... và bình thường các tàu đi từ 10 đến 12 ngày, bình quân mỗi tàu có sản lượng từ 8 đến 10 tấn cá, mực các loại/chuyến. 9 tháng đầu năm 2011, mặc dù thời tiết có diễn biến phức tạp, nhưng tổng sản lượng đánh bắt xa bờ được gần 1.500 tấn hải sản với tổng doanh thu gần 70 tỷ đồng.

Để khai thác thủy sản có hiệu quả, các đội tàu ở Cồn Sẻ không chỉ biết đóng tàu công suất lớn, mở rộng ngư trường ra xa hơn, sâu hơn, tăng diện tích khai thác ở tầng đáy lên nhiều lần mà còn chịu khó tìm tòi, học hỏi nâng cao kỹ thuật đánh bắt. Ngư dân đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc khai thác như: mua sắm thêm máy định vị, máy dò cá... và trang bị thêm máy đàm thoại. Nổi bật là ngư dân Nguyễn Huy, anh là người đầu tiên ở huyện Quảng Trạch  lắp đặt máy dò cá ngang nhằm tiết kiệm dầu, tiết kiệm công sức, không đánh sót cá và giúp ngư dân quan sát rõ địa hình, phân biệt cá với rạn san hô...

Đối với những ngư dân Cồn Sẻ, xây dựng tổ đoàn kết trên biển còn là phương thức để hiện đại hóa nghề biển. Các tàu đã thành lập được 8 tổ đoàn kết trên biển với 550 thuyền viên/55 tàu. Anh Nguyễn Văn Hài, trưởng đoàn tàu đánh bắt xa bờ thôn Cồn Sẻ chia sẻ: Nhờ cải tiến lưới cụ hiện đại, phương tiện đánh bắt và tổ chức khai thác theo tổ đội nên đã đem lại hiệu quả khả quan hơn, thu nhập lao động nghề biển ổn định từ 50-60 triệu đồng/năm nên đời sống của bà con ngư dân được cải thiện.

Đáng kể nữa là, đội tàu của anh Nguyễn Sự. Anh Sự mạnh dạn vay vốn cùng với số tiền gom góp được đầu tư đóng mới tàu có công suất 250 CV, trị giá trên 1,5 tỷ đồng và đã đem lại thu nhập khá cao cho gia đình. Ngoài ra, còn có nhiều đội tàu xa bờ làm ăn có hiệu quả, cho thu nhập cao như: tàu anh Phạm Tình, Nguyễn Điện, Tuấn Anh...

Tuy nhiên, để ngư dân đầu tư và từng bước hiện đại hoá nghề biển nhằm đạt năng suất cao, ngoài công tác khuyến ngư và chuyển giao khoa học kỹ thuật, thì ngư dân Cồn Sẻ cần nhiều hơn những chính sách hỗ trợ vay vốn để có điều kiện đầu tư phương tiện đánh bắt cũng như các trang thiết bị hiện đại khác.

                                                                                                                  N. L    

,
.
.
.