Quảng Trạch: Cao su đã bén rễ

Cập nhật lúc 09:12, Thứ Ba, 25/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong các địa phương ở tỉnh ta, Quảng Trạch là huyện cuối cùng trồng cao su, lại đúng vào thời điểm giá mủ loại cây này đang không ngừng tăng cao. Hiện tại, cùng với Lâm trường Quảng Trạch (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Bắc Quảng Bình), đã có một số hộ dân ở các xã liền kề trồng cao su với  hy vọng sẽ  có nguồn thu nhập cao từ loại cây này để “đổi đời”...

Cây cao su đã lên xanh

Chuyển đổi diện tích rừng kém hiệu quả sang trồng cao su, đến nay Lâm trường Quảng Trạch đã thực hiện được gần 370 ha. Trong đó, năm 2009 trồng 116 ha, năm 2010 trồng 200 ha và năm 2011 này trồng 50 ha. Để đưa cây cao su vào trồng, hai yếu tố được doanh nghiệp quan tâm hàng đầu là chọn địa hình, độ dốc và chất đất phù hợp.

Về địa hình, đơn vị đã chọn các khu vực có độ dốc thích hợp, được bao bọc bởi đồi núi nhằm hạn chế đến mức thấp nhất cây gãy đổ trong mùa mưa bão. Chất đất cũng đã được các đơn vị chuyên môn thẩm định, phân tích và khẳng định phù hợp để trồng cao su. Đối với cây giống, lâm trường đã chọn lựa kỹ càng ở các cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh để bảo đảm chất lượng, hạn chế tỷ lệ cây chết trong quá trình trồng, chăm sóc...

Chị Thu, công nhân Lâm trường đang chăm sóc cây. Ảnh: A.T
Chị Thu, công nhân Lâm trường đang chăm sóc cây. Ảnh: A.T

Ông Nguyễn Anh Tuy, Giám đốc Lâm trường Quảng Trạch cho biết: Toàn bộ diện tích cao su của lâm trường hiện tại đều được hợp đồng giao khoán cho công nhân và các hộ gia đình của các xã xung quanh, trung bình mỗi hộ nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ khoảng 3 ha. Mọi chi phí trong quá trình kiến thiết cơ bản đều được chúng tôi đầu tư, từ khâu làm đất, phân bón, cây giống và tiền công chăm sóc, bảo vệ.

Mỗi năm, người dân các xã có hợp đồng được nhận khoảng 14 triệu đồng tiền công chăm sóc, bảo vệ cùng các khoản thưởng vào dịp lễ, tết gần như chế độ của một công nhân lâm trường. Khi cây đến kỳ khai thác, các hộ sẽ bán sản phẩm cho lâm trường theo giá đã thỏa thuận giữa hai bên. Với đà sinh trưởng như hiện tại, dự kiến khoảng 3-4 năm nữa, diện tích cao su trồng năm 2009 của lâm trường sẽ cho khai thác bói.

Để giúp cho công nhân và người dân hợp đồng trồng cao su có thêm nguồn thu nhập, trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, Lâm trường Quảng Trạch đã chỉ đạo đưa vào trồng sắn cao sản, khoai các loại xen giữa các lô. Năng suất sắn đạt từ 20-22 tấn/ha. Đang làm cỏ trong vườn cao su 3 năm tuổi, chị Thu, công nhân đội Nam Liên phấn khởi cho biết: Tôi được lâm trường giao khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ 3 ha, cây phát triển rất tốt. Trong quá trình trồng và chăm sóc, tôi thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên tỷ lệ cây chết chỉ khoảng 10%, cũng đã trồng dặm kịp thời.

Ông Ngô Hữu Phước, 47 tuổi, người dân xã Quảng Phương cũng dừng tay góp chuyện: Con trai tôi là công nhân lâm trường, được nhận 3 ha cao su, giá mủ cao su càng ngày càng tăng cao, ở Bố Trạch nhiều người có cuộc sống khấm khá, thậm chí trở thành tỷ phú cũng nhờ trồng cao su nên cả nhà mừng lắm. Tôi giúp nó chăm sóc, bảo vệ vườn cây hàng ngày, nghe nói chỉ 5 đến 6 năm là có thể thu hoạch bói. Khi có sản phẩm bán cho lâm trường, chắc chắn đời sống gia đình tôi cũng sẽ khấm khá.

Hướng đi cho tương lai

Theo kế hoạch phát triển cao su của huyện Quảng Trạch thì đến năm 2020, trên địa bàn sẽ có 930 ha, trong đó có 680 ha thuộc diện tích của Lâm trường Quảng Trạch. Hiện tại, ngoài 116 ha diện tích cao su 3 năm tuổi ở đội Nam Liên, năm 2010, Lâm trường Quảng Trạch đã trồng thêm được 200 ha ở đội Thống Nhất, nằm trên địa giới hành chính của các xã Quảng Châu, Quảng Tiến và tiếp tục trồng thêm 50 ha theo kế hoạch năm 2011 cũng tại khu vực này. Các diện tích đưa vào trồng cao su chủ yếu là chuyển đổi từ đất rừng hiệu quả thấp của Lâm trường Quảng Trạch, trong đó chủ yếu là chuyển đổi từ rừng thông.

Cùng với lâm trường, thời gian qua đã có nhiều hộ dân ở một số xã lân cận khai phá diện tích rẫy của mình để trồng cao su. Bởi đây là loại cây đang cho giá trị rất cao nên nhiều người dân rất hào hứng khi trồng, dù công sức bỏ ra và số tiền đầu tư không phải là nhỏ.

Vườn cao su 3 năm tuổi của Lâm trường Quảng Trạch. Ảnh: A.T
Vườn cao su 3 năm tuổi của Lâm trường Quảng Trạch. Ảnh: A.T

Ông Nguyễn Chí Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết: Từ mô hình trồng cao su của lâm trường cho thấy, cây cao su hoàn toàn có thể phát triển tốt trên địa bàn, và đây là một hướng đi đúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, vì đây là loại cây công nghiệp, mang tính chất dài hơi, có yêu cầu về kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ, chất đất, địa hình và đầu tư lớn nên huyện đang chỉ đạo các xã thống kê, báo cáo cụ thể tình trạng người dân trồng tự phát để có sự chỉ đạo và hướng dẫn về kỹ thuật.

Có thể nói, trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, việc chuyển những diện tích đất rừng sản xuất kém hiệu quả sang trồng cao su là một hướng đi mà nhiều địa phương đang áp dụng và thực tế cho thấy mang lại hiệu quả rất tốt.

Tuy vậy, đối với điều kiện đặc thù của huyện Quảng Trạch, một số chuyên gia trong lĩnh vực này đã không khỏi phân vân, bởi: diện tích chủ yếu đưa vào trồng cao su của huyện là đất rừng chuyển đổi có độ dốc khá lớn, lại dễ bị gió bão từ phía biển thổi vào làm gãy đổ. Mặt khác, trong thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn vay hạn chế, trong khi số tiền “đổ” vào cho mỗi ha cao su đến khi khai thác được không dưới 70 triệu đồng (theo thời giá hiện tại), liệu người dân có đủ điều kiện để đầu tư hay không?... Đây là những điều mà chính quyền địa phương phải tính tới khi đưa cây cao su vào trồng trên địa bàn.

                                                                                                                       A. T

,
.
.
.