.

Tạo sinh kế bền vững cho người yếm thế trong xã hội

Thứ Hai, 21/11/2016, 10:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Đại hội đại biểu Hội CTĐ tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2016-2021 đã hội tụ nhiều gương điển hình tập thể, cá nhân tiên tiến và những cách làm hay trong phong trào nhân đạo. Báo Quảng Bình xin trân trọng giới thiệu đến độc giả hai mô hình tạo sinh kế hiệu quả, bền vững cho hộ nghèo, người yếm thế trong xã hội.

Hỗ trợ nhân đạo phát triển bền vững cho đối tượng khó khăn

Đó là mô hình sáng tạo trong thực hiện cuộc vận động: “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” của Hội CTĐ thành phố Đồng Hới, triển khai từ năm 2014. Hỗ trợ nhân đạo phát triển bền vững cho đối tượng khó khăn gắn với các chương trình, dự án lớn do Trung ương CTĐ Việt Nam phát động như: phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; “Xuân nhân ái- Tết yêu thương”; “Chung sức hành động vì sức khỏe cộng đồng”; “Tiếp sức học sinh đến trường”; “Hiến máu tình nguyện”; “Nồi cháo tình thương”... Hỗ trợ nhân đạo phát triển bền vững mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, được cộng đồng xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm hưởng ứng. Tổng giá trị hoạt động nhân đạo của Hội CTĐ thành phố Đồng Hới giai đoạn 2011-2016 đạt trên 10 tỷ đồng.

Hiện tại trên địa bàn thành phố Đồng Hới còn 300 hộ nghèo, gần 400 hộ cận nghèo và trên 2.500 đối tượng khó khăn cần được giúp đỡ, chia sẻ. Thực hiện mô hình hỗ trợ nhân đạo phát triển bền vững cho đối tượng khó khăn, Hội CTĐ thành phố xác định “trao cần câu” nhằm giúp các địa chỉ nhân đạo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Nội dung hỗ trợ tập trung vào làm nhà tình thương; giúp cây, con giống; giúp vốn sản xuất, kinh doanh... Hội CTĐ thành phố vận động cán bộ, hội viên, cộng đồng xã hội trên 1 tỷ đồng giúp cho 20 hộ gia đình nghèo, trong đó xây 7 ngôi nhà tình thương trị giá 950 triệu đồng; 130 triệu đồng giúp nguồn vốn, cây, con giống để hộ nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh.

Năm 2015, thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát, xuống cấp cho hộ nghèo, đối tượng chính sách của UBND thành phố, Hội CTĐ thành phố tiếp tục vận động xây 3 nhà nhân ái, trị giá 525 triệu đồng...

Ông Võ Trọng Ngọc, Chủ tịch Hội CTĐ thành phố Đồng Hới tham luận tại Đại hội đại biểu Hội CTĐ tỉnh Quảng Bình.
Ông Võ Trọng Ngọc, Chủ tịch Hội CTĐ thành phố Đồng Hới tham luận tại Đại hội đại biểu Hội CTĐ tỉnh Quảng Bình.

Trong các cuộc vận động, Hội CTĐ thành phố ghi nhận sự đóng góp từ các nhà hảo tâm: Công ty TNHH Á Châu, Công ty TNHH Đại Hoàng Gia, Phòng khám y học cổ truyền thôn Đức Điền, cá nhân các gia đình Hà Thị Xuân (phường Hải Thành), Nguyễn Văn Tám (phường Đồng Mỹ).

Để thực hiện hiệu quả mô hình “hỗ trợ nhân đạo phát triển bền vững cho đối tượng khó khăn” gắn với cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, ông Võ Trọng Ngọc, Chủ tịch Hội CTĐ thành phố kiến nghị: “Cần phải gắn cuộc vận động với việc triển khai các chương trình kinh tế- xã hội trọng điểm từng địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội tham gia vào hoạt động nhân đạo. Sự hỗ trợ nhân đạo phát triển bền vững cho đối tượng khó khăn phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, địa chỉ cần trợ giúp”

“Ngân hàng bò”- tạo sinh kế lâu dài cho người nghèo

Đó là khẳng định của ông Cao Thanh Bình, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Minh Hóa khi tham luận tại Đại hội đại biểu Hội CTĐ tỉnh Quảng Bình nhiệm kỳ 2016-2021.

Huyện Minh Hóa là một trong những huyện nghèo cả nước được hưởng chính sách 30a của Chính phủ. Dự án “Ngân hàng bò” là một trong những kênh trợ giúp người nghèo trong toàn huyện có “cần câu” để vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2010, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam cấp cho huyện Minh Hóa 100 con bò giống sinh sản, giao cho 100 hộ dân thuộc 5 xã trên địa bàn huyện. Năm 2011, Trung ương Hội tiếp tục cấp thêm 60 con bò giống cho 60 hộ gia đình ở 3 xã khác. Tổng số bò giao 160 con, trị giá 1.120 triệu đồng.

Sau hơn 5 năm triển khai dự án “Ngân hàng bò”, chưa bàn đến một số khó khăn, vướng mắc phát sinh như: bò bị chết do thiên tai, dịch bệnh, một số gia đình tự ý bán bò... thì dự án đã tạo hiệu quả thiết thực. Có 84 bê con ra đời gồm 58 bê cái chuyển giao cho 58 gia đình nghèo khác, số bê đực được hóa giá mua lại bê cái bổ sung vào dự án. Dự án “Ngân hàng bò” tạo thêm sinh kế cho 84 hộ dân, trong đó 17 gia đình vươn lên thoát nghèo; 2 hộ xây nhà kiên cố; 47 học sinh tiếp tục có điều kiện đến trường và 6 sinh viên tốt nghiệp đại học.

Hiệu quả dự án “Ngân hàng bò” mang lại góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội chung của huyện Minh Hóa, được các cấp chính quyền, nhân dân và Trung ương Hội CTĐ Việt Nam đánh giá cao.

Để tính hiệu quả dự án “Ngân hàng bò” tiếp tục phát huy tại huyện Minh Hóa, ông Cao Thanh Bình kiến nghị: “Ban quản lý dự án cần phối hợp nhịp nhàng trong quá trình chuyển giao bò sinh sản; kiểm soát tình trạng một số hộ dân tự ý bán bò. Phải có bước sơ kết, tổng kết quá trình triển khai nhằm khen thưởng kịp thời những cá nhân, hộ gia đình thực hiện tốt đồng thời có chế tài ràng buộc đối với những hộ không hoàn thành dự án. Và điều quan trọng nhất là đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về mục đích, tính nhân văn, giá trị nhân đạo của dự án, đây chính là cơ sở để người nghèo giúp đỡ người nghèo, tương trợ lẫn nhau”.

T.Long