.

Phát triển thực phẩm hữu cơ: Tương lai xa, thực tế gần...

Thứ Bảy, 19/11/2016, 08:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Khái niệm về thực phẩm hữu cơ (organic food) không còn xa lạ với người dân Việt Nam, nhưng đối với Quảng Bình, nó vẫn còn quá mới mẻ và lạ lẫm. Tuy nhiên, sau sự cố môi trường biển và nhất là tình trạng báo động về thực phẩm bẩn hiện nay trên thị trường, thực phẩm hữu cơ bắt đầu được các bà nội trợ trong tỉnh săn đón, tìm mua mặc dù giá cả khá cao so với mặt bằng chung của thực phẩm và cũng khá hiếm hoi. Nắm bắt được xu thế này, một số nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tỉnh, đặc biệt là mảng rau củ, đã tiên phong thử nghiệm một số mô hình thực phẩm hữu cơ mới, hứa hẹn sẽ tạo “cú hích” lớn trong thời gian tới.

Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi có thông báo trên trang fanpage “Thực phẩm sạch Mẹ Kây-Quảng Bình” của mạng xã hội Facebook về các sản phẩm rau hữu cơ đã có mặt tại cửa hàng Shop Mẹ Kây, hầu hết số rau ở cửa hàng này đã được tiêu thụ hết. Đây chính là một trong những lý do khiến chị Ngô Thị Kim Dung, chủ cửa hàng Shop Mẹ Kây quyết định dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh thực phẩm hữu cơ còn rất mới mẻ này.

Rau an toàn theo hướng VietGap đã được sản xuất thành công ở tỉnh ta, nhưng rau hữu cơ thì vẫn còn rất mới.
Rau an toàn theo hướng VietGap đã được sản xuất thành công ở tỉnh ta, nhưng rau hữu cơ thì vẫn còn rất mới.

Chị Kim Dung cho biết, xuất phát từ mong muốn đưa sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng tỉnh nhà, giữa năm 2016, chị mạnh dạn đầu tư thêm vốn để mở rộng kinh doanh đối với mảng thực phẩm hữu cơ, vừa làm mới khâu trưng bày sản phẩm, vừa nỗ lực đa dạng, phong phú các mặt hàng. Bên cạnh rau hữu cơ, cửa hàng còn chú trọng vào các loại hạt, quả hữu cơ, thực phẩm khô sấy hữu cơ...

Tuy nhiên, kinh doanh sản phẩm hữu cơ là một bài toán vô cùng khó giải đối với các cửa hàng. Bởi, trên thực tế, do được trồng theo phương thức hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ hóa học và không chứa chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng, bảo quản, cho nên, công sức lao động bỏ ra nhiều, nhưng năng suất thấp và nhất là giá thành sản phẩm cao. Thực phẩm hữu cơ nguồn gốc trong nước sản xuất rất ít ỏi, chủ yếu là nhập từ nước ngoài.

Vì vậy, khách hàng sử dụng thực phẩm hữu cơ phải thực sự hiểu biết nhất định về loại thực phẩm này, đồng thời cũng phải có điều kiện kinh tế để mua. Ở TP.Đồng Hới, người tiêu dùng chủ yếu mới quan tâm đến mặt hàng rau hữu cơ, vốn có giá thành không quá cao, còn các thực phẩm hữu cơ khác thì ít được chú ý vì còn mới mẻ và giá thành đắt đỏ.

Chị Kim Dung chia sẻ, do nguồn cung ứng rau hữu cơ tận Lương Sơn (Hòa Bình), Đà Lạt (Lâm Đồng) của cửa hàng có năng suất khá thấp, cho nên, hàng nhập về khá ít ỏi về số lượng và chưa đa dạng được chủng loại, tình trạng “khan” hàng hay diễn ra. Nếu ở tỉnh ta có sản xuất rau hữu cơ, thì chắc chắn đầu vào sản phẩm của cửa hàng sẽ được bảo đảm hơn, chi phí cho vận chuyển được giảm, giá thành cũng sẽ thấp hơn so với hiện nay và nhiều khách hàng sẽ có điều kiện tiếp cận thực phẩm sạch này.

Chị Kim Dung và chủ của một số cửa hàng có kinh doanh mặt hàng thực phẩm hữu cơ trên địa bàn TP.Đồng Hới rất kỳ vọng sẽ có doanh nghiệp dám mạnh tay đầu tư rau hữu cơ, và chị cũng đang tính đến phương án thuê đất để tự đầu tư sản xuất trong bối cảnh nguồn hàng đang ngày càng khan hiếm như hiện nay.

Nắm bắt được xu thế này, anh Lê Đình Quả, chủ thương hiệu rau sạch An Nông (Hải Trạch, Bố Trạch) cho biết, trang trại của anh đang chuẩn bị trồng thử nghiệm khoảng 1.000m2 rau hữu cơ ăn lá để thăm dò thị trường.

Thực tế cho thấy việc trồng rau hữu cơ vấp phải rất nhiều khó khăn, bởi vừa đòi hỏi công sức chăm sóc, trình độ kỹ thuật, vừa cho năng suất thấp, giá thành lại cao. Điều may mắn là thị trường đầu ra cho sản phẩm rau hữu cơ của An Nông đã được bảo đảm khi một số cửa hàng bán thực phẩm sạch đã đăng ký và chờ đợi để phân phối sản phẩm đến tay khách hàng.

Trong khoảng từ 2-3 tháng tới, đợt rau hữu cơ đầu tiên của anh Lê Đình Quả sẽ được xuất ra thị trường mang bao hồi hộp, lo lắng và tiếp theo đó sẽ là một chặng đường chông gai để có thể gắn bó lâu dài với rau hữu cơ, từ khâu đăng ký công nhận sản phẩm cho đến quảng bá, mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm...

 Gạo hữu cơ và đường thốt nốt làm nên món ăn truyền thống quen thuộc “ống nổ”.
Gạo hữu cơ và đường thốt nốt làm nên món ăn truyền thống quen thuộc “ống nổ”.

Theo ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, hiện tại trên địa bàn tỉnh ta mới chỉ có các đơn vị sản xuất rau an toàn VietGap, chưa có nơi nào tham gia sản xuất rau hữu cơ. Đây là một hướng đi đầy tiềm năng, tầm nhìn rộng cho tương lai, nhưng trong bối cảnh một tỉnh nghèo như tỉnh ta, nguồn kinh phí đầu tư cho sản xuất thực phẩm hữu cơ sẽ rất khó khăn. Đó là chưa kể đến việc thay đổi nhận thức của người dân về loại hình thực phẩm mới này cũng đòi hỏi sẽ phải mất nhiều thời gian, công sức.

Từ một vài mô hình đơn lẻ kinh doanh thực phẩm hữu cơ qua mạng Internet, đến nay, nhiều mô hình ở tỉnh ta đã mạnh dạn bước ra thị trường với các cửa hàng nhỏ, mang tính chất thử nghiệm, đón đầu xu thế tiêu thụ thực phẩm của khách hàng tiềm năng. Trong bối cảnh nỗi lo thực phẩm bẩn đang ngày càng tăng cao thì vị thế, chỗ đứng của thực phẩm hữu cơ chắc chắn sẽ ngày càng vững chắc hơn và cơ hội cho các nhà kinh doanh, sản xuất mặt hàng này sẽ ngày càng rộng mở.

Vì lẽ đó, các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm hữu cơ ở tỉnh ta cần được các cơ quan chức năng quan tâm để kịp thời có sự quản lý, điều chỉnh và hỗ trợ hiệu quả, tích cực. Qua đó, một mặt, sẽ nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân đối với thực phẩm sạch, mặt khác tạo cơ hội cho các mô hình kinh doanh mới phát triển, đồng thời có sự định hướng, giám sát, tránh sự nhập nhằng, lẫn lộn giữa thực phẩm sạch và bẩn.

Theo Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, thực phẩm hữu cơ là những loại thực phẩm không chứa các chất: thuốc trừ sâu và phân hóa học tổng hợp, kỹ thuật di truyền, bùn thải, tia phóng xạ, chất bảo quản. Nếu một sản phẩm được gắn mác thực phẩm hữu cơ, thì ít nhất 95% thành phần tạo ra sản phẩm đó phải là các thành phần hữu cơ...

Mai Nhân