.

Hạnh phúc bình dị

Thứ Bảy, 27/08/2016, 16:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông lão ấy làm nghề cắt tóc đã ngót nghét 60 năm. Chừng ấy năm làm nghề, trải qua những thăng trầm, dâu bể của đời người, ông nghiệm rằng vinh hoa, phú quý là điều dễ đổi dời, chỉ có hạnh phúc bình dị khi được tận sống với nghề yêu thích mới là điều có giá trị vĩnh viễn.

Sáng tháng 8 rực nắng, bên trong quán nhỏ nằm khiêm nhường trên đường Trần Nhân Tông (Đồng Hới), ông Nguyễn Ngọc Miền (74 tuổi) sửa soạn cho một ngày làm việc mới. Dường như với ông lão ở tuổi thất thập này, tuổi tác và thời gian chẳng bao giờ có giá trị khi nụ cười tươi trẻ vẫn luôn nở trên môi. Cái dáng người thanh cảnh, bộ quần áo là lượt chỉnh tề, đôi giày đen sạch láng, những điều đó toát lên ở ông lão dáng dấp của một cán bộ lãnh đạo hơn là một thợ cắt tóc lâu năm.

Ông vẫn bảo, người ta không có quyền chọn cho mình số phận nhưng có thể lựa một thái độ sống tích cực trước những dâu bể cuộc đời. Như ông, 40 năm trước, sau ngày xuất ngũ, trước việc ở lại làm cán bộ vô tuyến điện của Sở Thủy sản Bình Trị Thiên hay trở về làm anh thợ cắt tóc, ông vẫn không ngần ngại lựa chọn cho một cuộc trở về. Sau 17 năm làm lính, từng vào sinh ra tử, từng chạm trán với cái chết, ông chợt nhận ra, cuộc đời có những thứ tưởng như bình dị nhưng lại rất đỗi quý giá. Đó là một mái ấm gia đình, một cánh cổng luôn sẵn đợi, tiếng gọi ngọng nghịu của con thơ, nụ cười ấm nồng của người vợ trẻ và một bữa cơm nghi ngút khói vẫn luôn sẵn sàng đợi chờ người đàn ông trở về sau mỗi ngày làm việc. Với ông Miền khi ấy, hạnh phúc là đó và mọi vinh hoa phú quý cuộc đời cũng là ở đó. Ông lại chọn gắn bó với nghề cắt tóc như một định mệnh và như cả một niềm đam mê mà chẳng bao giờ dứt bỏ được.

“Một nghề mà không bao giờ giàu được, cũng chẳng bao giờ thăng tiến để rồi nhận được sự trọng vọng của người đời nhưng bác vẫn yêu. Nếu lúc trước, chỉ đơn giản là làm nó vì muốn được ở gần vợ con, thì lâu dần lại trở thành một mối mưu sinh không dứt ra được. Đến giờ, 60 năm làm nghề, mình chợt nhận ra, à, hóa ra không phải vì điều gì khác, mà vì, nghề đã thành niềm yêu thích thấm vào máu thịt”, tiếng ông thợ cắt tóc lẫn hòa vào trong tiếng tông – đơ rì rì.

Đôi bàn tay ông lão nhanh thoăn thoắt đẩy đưa từng đường cắt. Đôi bàn tay ấy vẫn khéo léo lắm, nhanh nhạy lắm, như thể, nếu có nhắm mắt lại, ông vẫn đủ kỹ năng để cắt tóc cho người khách lạ. Rồi ông lão lại cười, nụ cười đầy mãn nguyện: “Cháu gái ạ, sắc đẹp chỉ như một bông hoa mà danh tiếng thì chỉ như một hơi thở. Tất cả rồi cũng sẽ tàn lụi. Hạnh phúc chỉ đơn giản là sống một cuộc đời bình dị, làm một công việc bình dị nhưng thực sự có ích. Nên cháu thấy không, bác chẳng giàu, chẳng sang trọng, bác vẫn thấy mình hạnh phúc đến trọn đời”.

Với ông lão, nghề cắt tóc đã trở thành niềm đam mê
Với ông lão, nghề cắt tóc đã trở thành niềm đam mê

Rồi ông lão kể, 15 tuổi, ông bắt đầu học cầm kéo. Nghề cắt tóc khi ấy với gia đình ông vốn là nghề cha truyền con nối. Tiếng kéo loẹt xoẹt, cả nụ cười hài lòng của từng lượt khách đến rồi đi cũng đủ làm ông thấy yêu mê mệt. Ba năm làm nghề, rồi đi bộ đội, vào quân ngũ, ông vẫn cắt tóc cho đồng đội. Những giây phút ấy với anh lính trẻ quá đỗi bình yên, nhất là sau những trận chiến đấu cam go với quân thù. “Ngày ấy, tụi lính của bác chỉ mong được một lần “nện gót giày trên đường phố Đồng Hới”, được nếm mùi vị của hòa bình, vậy mà rồi, sự khốc liệt của chiến tranh ngốn hết của bác cả một quãng đời tuổi trẻ. Khi còn đi học, đọc những tác phẩm văn học kinh điển của thế giới, tự nuôi ảo vọng là sẽ học hành đàng hoàng, thực hiện những ước mơ lớn lao.

Nhưng khi đi qua bom đạn chiến tranh, được trở về nhà bình an sau những ngày đối diện với cái chết, bác mới nhận ra rằng được sống đã là một đặc ân! Vậy nên, làm nghề của cha ông để lại, nghèo một chút nhưng có ích cho đời thì vẫn mãn nguyện thôi”, ông lão cắt tóc gật gù chiêm nghiệm.

Đến hôm nay, cái nghề cầm kéo ấy cũng đã theo ông ngót nghét 60 năm. Đủ đầy cũng nhờ nghề, bốn đứa con ăn học đàng hoàng cũng cậy cả vào nghề. Chừng ấy năm, quán nhỏ khiêm nhường nơi góc phố cùng ông thợ lành nghề đã đón không biết bao nhiêu người khách. Khách đến cắt tóc là lãnh đạo tỉnh cũng có, người lao động cũng có, người giàu có, người nghèo khó cũng đủ cả nhưng với ai, ông cũng đối xử như nhau. “Bác vinh dự được nhiều năm cắt tóc cho các đồng chí như Trần Sự, đồng chí Trần Bội, đồng chí Mai Xuân Thu... kể cả khi họ đương chức hay lúc về hưu. Có người còn gắn bó đến tận hôm nay. Đó là lãnh đạo, còn khách của bác thì đủ mọi đối tượng. Nhưng bác quan niệm, ai mình cũng phải trân trọng họ, vì họ là khách, mà đã là khách thì đều có đặc quyền giống nhau”, ông lão kể, niềm tự hào xen lẫn trong lời kể chuyện chậm rãi của ông thợ cắt tóc lâu năm.

Đến hôm nay, khi ông thợ cắt tóc đã bước vào cái tuổi 74 thì quán nhỏ ấy vẫn có sức hút với đủ mọi đối tượng. Ông vẫn sống đủ đầy nhờ nghề. Vợ mất cách đây 7 năm, con cái thành đạt rồi ra riêng chỉ mình ông đơn lẻ trong căn nhà vắng bóng người phụ nữ. Nhưng ông chọn cho mình cuộc sống độc lập, chẳng phụ thuộc vào con cái. Bởi ông vẫn bảo: “Mình còn sức, còn tự mình nuôi sống và tự phục vụ được, cớ gì phải cậy nhờ rồi làm con cái vất vả thêm”. Người khách quen của ông lại thêm vào: “Còn sức, thì còn cắt tóc bác nhé, bác nghỉ rồi, tụi tui biết cắt tóc ở mô”? Ông lão nghe lại cười hiền. Cũng phải, giữa họ, không chỉ đơn giản là khách và chủ quán, mà còn là bạn sẻ chia chuyện đời, chuyện người trong những giây phút bên lề của cuộc mưu sinh...

Trời về chiều, khách đến quán bắt đầu đông dần. Những người khách hôm nay và cả ông thợ cắt tóc hình như đã quen thân từ lâu lắm. Một người là cán bộ về hưu, người kia là ông thợ bốc vác với màu áo bạc thếch nắng mưa. Họ đều là những người lính hải quân năm xưa, gặp lại nhau chộn rộn cười nói. Ngày mai là ngày của họ - Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam, vậy nên câu chuyện cũng hoài niệm hẳn. “Bữa nào thu xếp lên nghĩa trang Mai Thủy thắp hương cho thằng Tập, Tâm hè? Mấy năm rồi mình chưa lên thăm nó. Mình từng này tuổi rồi, sướng khổ đủ cả nhưng nó thì đã hy sinh gần nửa thế kỷ chứ ít ỏi chi”, ông lão cắt tóc trầm ngâm trong buổi chiều muộn. Hóa ra, ông bảo “được sống đã là một đặc ân của cuộc đời” cũng vì lẽ đó!

Ghi chép của Diệu Hương