.

Công tác PCCC đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke: Không để "nước đến chân"... "mới nhảy"!

Thứ Tư, 24/08/2016, 10:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong bối cảnh các cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke trên địa bàn tỉnh ta ngày càng được mở rộng về quy mô và số lượng như hiện nay, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) được đánh giá là một trong những hoạt động quan trọng hàng đầu.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh, toàn tỉnh hiện có 135 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, trong đó, Phòng quản lý 14 cơ sở, số còn lại thuộc diện quản lý của Công an các huyện, thị xã, thành phố. Quá trình kiểm tra công tác PCCC gần đây của cơ quan chức năng cho thấy, vẫn còn đó nhiều mặt tồn tại, hạn chế đáng lo ngại trong quá trình hoạt động của không ít cơ sở kinh doanh dịch vụ này.

Một cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên đường Tôn Thất Thuyết (phường Đồng Phú, TP.Đồng Hới) đã mở cửa được vài năm trở lại đây. Cơ sở gồm tòa nhà 3 tầng dạng ống kiên cố với 5 phòng hát, gồm 2 phòng có diện tích 20 m2, 3 phòng có diện tích 30 m2.

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên và giải thích của chủ cơ sở thì tòa nhà hiện chỉ có 2 bình bột chữa cháy xách tay là phương tiện phòng cháy, chữa cháy duy nhất. Cơ sở cũng thiếu một số phương tiện PCCC được quy định theo theo điều 8 của Thông tư 47/2015/TT-BCA của Bộ Công an về hướng dẫn bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke, trong đó đáng chú ý là thiếu trang bị hệ thống chữa cháy tự động đối với cơ sở có chiều cao từ 3 tầng trở lên. Nguy hiểm hơn tòa nhà vẫn chưa có lối thoát nạn theo quy định đối với các nhà từ 2 tầng trở lên.

Khi được hỏi, chủ cơ sở karaoke này vẫn còn tư tưởng rất chủ quan trong công tác PCCC và cho rằng: “Quán mình nhỏ, sao mà cháy được (?!)”. Cũng bởi tư tưởng chủ quan nên chủ cơ sở kinh doanh này lơ là trong việc tự kiểm tra an toàn PCCC thường kỳ, lắp đặt trang thiết bị phương tiện chữa cháy chưa đầy đủ, chưa biết bảo quản và cả thờ ơ trong việc huấn luyện nghiệp vụ PCCC.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn tỉnh ta ngày càng mở rộng về số lượng và quy mô.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn tỉnh ta ngày càng mở rộng về số lượng và quy mô.

Đại tá Phan Mậu Cảnh, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh cho biết, đây là tình trạng dễ gặp phải ở các cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke trên địa bàn tỉnh ta. Thực tế cho thấy, bên cạnh những ưu điểm, như: phần lớn cơ sở đã xây dựng hồ sơ theo dõi công tác PCCC, phương án chữa cháy; thành lập lực lượng chữa cháy tại chỗ và huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng này; hệ thống điện, thiết bị điện lắp đặt bảo đảm theo quy định, có attomat bảo vệ, hết giờ kinh doanh hệ thống điện được cắt hoàn toàn; trang thiết bị trong phòng được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, khoa học; quan tâm trang bị các loại phương tiện chữa cháy ban đầu..., thì vẫn còn đó nhiều hạn chế rất đáng lo ngại trong công tác PCCC.

Trước hết, một số cơ sở chưa quan tâm đến công tác PCCC, biểu hiện ở hồ sơ theo dõi tuy đã có nhưng còn thiếu sót, thậm chí có cơ sở không lập hồ sơ, nhất là ở cấp huyện, thị xã, thành phố, và cũng chưa tổ chức kiểm tra an toàn PCCC thường kỳ theo quy định của pháp luật. Nhiều địa phương chưa tổ chức lập hồ sơ quản lý công tác PCCC mà chỉ ghép vào hồ sơ kinh doanh có điều kiện. Nội quy tiêu lệnh PCCC chưa được niêm yết, có cơ sở niêm yết nhưng cũ mờ, không đọc được.

Bên cạnh đó, việc lắp đặt, trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ của một số cơ sở kinh doanh chưa đầy đủ theo quy định của Thông tư 47. Các phương tiện chữa cháy không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, một số cơ sở đã trang bị hệ thống báo cháy tự động nhưng do khâu bảo quản, bảo dưỡng yếu, cho nên bị hư hỏng, chưa sửa chữa, bổ sung kịp thời.

Đặc biệt, không ít cơ sở trang thiết bị hết hạn, hư hỏng nhưng chậm trang bị lại, dẫn đến không bảo đảm về số lượng, chất lượng theo quy định. Lực lượng chữa cháy tại chỗ của nhiều cơ sở kinh doanh cũng chưa được huấn luyện nghiệp vụ PCCC đầy đủ.

Theo Đại tá Phan Mậu Cảnh, mối lo lớn nhất chính là lối thoát nạn cho các cơ sở kinh doanh karaoke trong các tòa nhà từ 2 tầng trở lên. Kết quả kiểm tra tại khu vực TP.Đồng Hới cho thấy mới chỉ có 10/22 cơ sở từ 3 tầng trở lên có bố trí lắp đặt thang thoát nạn ngoài trời hoặc có lối thoát nạn thông từ tầng thượng sang công trình liền kề.

Đây là thiếu sót rất nguy hiểm cho tính mạng, bởi khi có hỏa hoạn ở tòa nhà cao tầng, nhà ống, các lối thoát nạn chính là cứu cánh duy nhất cho con người sống sót. Ngoài ra, đa phần các quán kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh ta đều được cải tạo lại, cơi nới mở rộng, do đó, để thẩm duyệt về thiết kế, kiểm tra, nghiệm thu PCCC trước khi đi vào hoạt động không phải là việc dễ dàng.

Qua kiểm tra cho thấy, một số cơ sở có khối tích trên 1.500 m3 chưa thực hiện công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC và phần lớn phương án chữa cháy của các cơ sở được phê duyệt không đúng với thẩm quyền, nhiều cơ sở thiếu biên bản kiểm tra xác nhận điều kiện về PCCC nhưng vẫn được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT. Một thực tế khác cho thấy, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ này ở cấp huyện, xã ở tỉnh ta là nhỏ lẻ, manh mún. Nhiều quán karaoke chỉ là những phòng hát sơ sài, đơn giản, dùng những vật liệu dễ cháy để xây dựng, thiếu nhiều trang thiết bị PCCC cơ bản.

Trong khi đó, với các cơ sở có quy mô tập trung ở TP.Đồng Hới và trung tâm các huyện, thị xã, để đầu tư đầy đủ hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy... theo đúng quy định của Thông tư 47 cũng cần nguồn kinh phí không hề nhỏ. Đây là lý do khiến không ít cơ sở lớn cũng lơ là.

Để siết chặt hơn nữa công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke trên địa bàn tỉnh ta, tránh cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”, Đại tá Phan Mậu Cảnh nhấn mạnh, trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát PCCC&Cứu nạn cứu hộ và Công an các huyện, thị xã, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, bảo đảm an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh này.

Theo đó, công tác rà soát, lập danh sách các cơ sở thuộc diện bắt buộc phải thẩm duyệt thiết kế theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ và thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC được chú trọng. Mặt khác, công tác kiểm tra, phúc tra khắc phục những tồn tại, thiếu sót tại các cơ sở và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm sẽ là một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu.

Ngoài ra, khâu tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành các nội quy, quy định của Nhà nước về công tác PCCC sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong các đơn vị kinh doanh dịch vụ và cộng đồng.

Mai Nhân