.

Hướng đến trẻ em vùng cao, có hoàn cảnh khó khăn

Thứ Tư, 09/03/2016, 10:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB và XH), hiện nay ở tỉnh ta, trẻ em dưới 16 tuổi có 227.812 cháu, chiếm 26,10% dân số; trẻ em hoàn cảnh đặc biệt có 3.199 em, trong đó: trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi 840 em, 1.720 trẻ em khuyết tật, 124 trẻ em nạn nhân chất độc hoá học.

Thực hiện Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 22-02-2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015, Quyết định số 917/QĐ-UBND ngày 25-4-2011 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2015..., hàng năm, UBND tỉnh, Sở LĐ-TB và XH, các địa phương và các sở, ngành có liên quan đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em...

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB và XH cũng thường xuyên phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ và nhân dân trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa, phát hiện sớm tình trạng xâm hại trẻ em; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quyền trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè...

Đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm, tặng quà cho trẻ em khuyết tật
Đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm, tặng quà cho trẻ em khuyết tật

Nhằm tạo điều kiện cho những trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt có cơ hội hòa nhập và phát triển, năm 2015, Sở LĐ-TB và XH đã triển khai xây dựng mô hình trợ giúp trẻ em hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng tại 9 xã trên địa bàn 4 huyện, thị xã. Trong đó, huyện Quảng Ninh chọn 5 xã (Trường Sơn, Trường Xuân, Vạn Ninh, Hàm Ninh, Hải Ninh) triển khai xây dựng mô hình hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng từ nguồn kinh phí do tổ chức Plan Việt Nam tài trợ; huyện Lệ Thủy chọn xã An Thủy, huyện Bố Trạch chọn xã Sơn Lộc, huyện Tuyên Hoá chọn xã Đồng Hoá và thị xã Ba Đồn chọn phường Quảng Thọ triển khai xây dựng mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em làm việc xa gia đình, trẻ em lao động nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại dựa vào cộng đồng từ nguồn kinh phí do Trung ương hỗ trợ.

Ông Võ Hồng Giang, Phó Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB và XH cho biết: Từ khi mô hình triển khai, các xã đã đánh giá được những nguy cơ ảnh hưởng đến trẻ em và đưa ra những giải pháp tổ chức thực hiện nhằm cải thiện tình hình trẻ em của địa phương. Cùng đó, tổ chức các chương trình cho trẻ em vui chơi, giải trí, tạo sự tham gia tích cực của chính bản thân các em; cấp học bổng cho trẻ em nghèo học giỏi; tổ chức thăm và tặng quà động viên tinh thần các em có hoàn cảnh khó khăn, tai nạn thương tích; xử lý học sinh đánh bạn, vận động trẻ em bỏ học trở lại trường; hạn chế tình trạng trẻ em lang thang kiếm sống, trẻ em làm việc xa gia đình, trẻ em lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm...

Mô hình đã tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể các cấp trong quá trình triển khai các hoạt động. Với việc triển khai đồng bộ các nội dung trong kế hoạch, Ban Bảo vệ trẻ em các xã đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, nhiệt tình và sự ủng hộ của nhân dân, tạo được chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ trẻ em ở những xã thí điểm.

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB và XH còn phối hợp với các ngành liên quan cấp phát 99.066 thẻ BHYT miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi và thực hiện các chương trình tiêm chủng mở rộng, khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng trong diện được hưởng, phổ biến kiến thức cho các bà mẹ biết cách chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ.

Với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Sở LĐ-TB và XH đã vận động nhiều nguồn ủng hộ để hỗ trợ nhiều phần quà, học bổng giúp các em có điều kiện, động lực vươn lên trong cuộc sống.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả các hoạt động hướng về cơ sở bảo vệ và chăm sóc trẻ em nên tình hình sức khỏe trẻ em được cải thiện, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm mạnh, các bệnh truyền nhiễm đã giảm rõ rệt; cơ sở vật chất phục vụ khám chữa bệnh ngày càng đáp ứng tốt hơn; tỷ lệ trẻ em sinh ra được đăng ký khai sinh đúng quy định.

Số lượng học sinh đúng độ tuổi huy động đến trường ngày càng cao; chất lượng giáo dục tiếp tục chuyển biến tích cực; cơ sở vật chất từng bước được kiên cố hóa; đời sống văn hóa, tinh thần của trẻ em được quan tâm với nhiều hình thức phong phú, góp phần giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, sức khỏe cho trẻ em.

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được Nhà nước, xã hội quan tâm và chăm sóc tốt hơn, từng bước giảm bớt khó khăn, mặc cảm và hòa nhập với cộng đồng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 86% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc; 92,14% trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc; 124 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em, đạt 78%; 7 cơ sở chăm sóc và nuôi dưỡng 602 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Dẫu vậy, hiện tổ chức bộ máy và cơ sở vật chất phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục trẻ ở tuyến cơ sở còn bất cập, nhất là việc thiếu sân chơi cho trẻ. Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại vẫn còn xảy ra, trẻ thiếu sự quan tâm chăm sóc dễ bị dụ dỗ dính vào các tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật.

Để tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động để mọi người  thấy được tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; đồng thời mở rộng chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em thuộc gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Các địa phương ưu tiên bố trí quỹ đất cho việc xây dựng các công trình phúc lợi cho trẻ em. Khi lập các dự án xây dựng khu dân cư, khu nhà ở phải dành diện tích thích hợp để xây dựng trường học, công trình vui chơi, giải trí cho trẻ em...

Cát Nhiên