.

Tai nạn đang rình rập ở các mỏ đá - Kỳ 2: Trách nhiệm của chủ mỏ ở đâu?

Thứ Năm, 12/11/2015, 19:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua những lần đến các mỏ đá, chúng tôi tận mắt thấy có rất nhiều người khai thác đá không có bảo hộ lao động, hàng ngày đánh liều với thần chết. Lý giải vấn đề này, ông Đoàn Xuân Toản, Phó Chánh Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, các chủ mỏ đều được hướng dẫn rất cụ thể về quy trình an toàn lao động, tuy nhiên có nhiều lý do mà việc thực hiện quy trình bị cắt xén hoặc bỏ qua.

>> Kỳ 1: Nghề "ăn cám trả vàng!"

Cụ thể là, có nhiều chủ doanh nghiệp thiếu biện pháp kiểm tra an toàn lao động, không trang cấp bằng hiện vật, thiết bị an toàn lao động, mà tính vào lương khoán, thậm chí có doanh nghiệp cắt bỏ chi phí trang thiết bị an toàn cho người lao động khai thác đá...

Một nguyên nhân mất an toàn khi khai thác đá nữa là, có nhiều khu mỏ (một ngọn núi) được cấp phép cho 2-3 đơn vị cùng khai thác, nên việc bố trí hiện trường khai thác, đường vận chuyển gặp khó khăn không thể áp dụng đầy đủ quy trình an toàn lao động được.

Ảnh 14 : Các ngành chức năng kiểm tra vụ tai nạn tại Lèn Na.
Các ngành chức năng kiểm tra vụ tai nạn tại Lèn Na.

Thực tế đã cho thấy nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn là, do ý thức chấp hành nội quy an toàn khai thác đá của chính người công nhân bị họ xem nhẹ. Qua kiểm tra tại hiện trường 7 vụ tai nạn khai thác đá xảy ra, tất cả 7 người thiệt mạng đều không sử dụng dây đeo an toàn, vi phạm nội quy lao động...

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Phạm Xuân Bình, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, hàng năm sở đều tổ chức các lớp tập huấn an toàn lao động nói chung và khai thác đá nói riêng cho khoảng 400-500 lượt công nhân, người lao động trên địa bàn. Hầu hết họ đều nắm được quy trình an toàn khi khai thác đá.

Tuy nhiên do chạy theo năng suất hoặc chủ quan nên không tuân thủ quy trình. Qua kiểm tra của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội hầu hết các doanh nghiệp khai thác đá đều có trang bị các thiết bị an toàn cho công nhân, tuy nhiên tỷ lệ sử dụng còn thấp. Ví dụ như quy định bắt buộc phải đeo dây an toàn, kính bảo vệ mắt khi khai thác đá, nhưng qua kiểm tra hiện trường của Thanh tra an toàn lao động của sở, phát hiện tỷ lệ người đeo dây an toàn thường xuyên chưa đến 40%.

Đáng nói hơn, nhiều đơn vị bố trí giám đốc điều hành mỏ chưa đủ tiêu chuẩn về chuyên môn kỹ thuật theo quy định. Cụ thể, qua giám sát của HĐND tỉnh trong năm 2014 tại 25 mỏ đá xây dựng, chỉ có 5 đơn vị có giám đốc điều hành mỏ có bằng cấp chuyên môn theo quy định, 20 đơn vị chỉ có chứng chỉ về quản lý mỏ, không có bằng cấp chuyên môn. Cùng với đó, công tác bảo đảm an toàn lao động chưa được quan tâm đúng mức.

Tại một số đơn vị người lao động trực tiếp thiếu trang bị bảo hộ lao động, không được huấn luyện kỹ thuật an toàn, bảo hiểm y tế, khám sức khỏe định kỳ. Qua giám sát tại 25 đơn vị khai thác đá xây dựng cũng chỉ có 5 đơn vị có trang phục bảo hộ lao động và thực hiện tốt việc khám sức khỏe định kỳ cho công nhân. Có khá nhiều đơn vị chưa tuân thủ thiết kế cơ sở và quy trình kỹ thuật, an toàn khai thác mỏ, có nguy cơ gây tai nạn. Thực tế đó đã dẫn đến việc tại một số mỏ đá đã xảy ra tai nạn. Đặc biệt, tại mỏ đá Lèn Bảng, Lèn Na đã xảy ra nhiều trường hợp tử vong là một điển hình về việc không tuân thủ quy trình vệ sinh an toàn lao động. 

Để chấn chỉnh tình hình vi phạm vệ sinh an toàn lao động khai thác đá, vừa qua Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, khai thác đá trên địa bàn. Tinh thần của công văn này yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định về kỹ thuật an toàn lao động trong khai thác và chế biến đá theo quy chuẩn 05/20012/ BLĐTBXH và quy chuẩn 02/2008/ BCT. Tổ chức tập huấn cho người khai thác đá, sử dụng vật liệu nổ, đặc biệt là người mới tuyển dụng, lao động thử việc. Yêu cầu chủ doanh nghiệp tăng cường kiểm tra an toàn lao động trong quá trình sản xuất, khai thác đá và trang bị đầy đủ phương tiện thiết bị bảo hộ lao động...

Điều đáng nói là tai nạn lao động thường xuyên xảy ra, nhưng việc thực hiện chế độ cho người bị nạn rất hạn chế. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã có Công văn số 1856/BHXH-CĐ hướng dẫn thực hiện công tác khai báo, điều tra, lập biên bản và nộp hồ sơ tai nạn lao động gửi các đơn vị tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh, yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT và nêu rõ: “Bảo hiểm xã hội tỉnh từ chối không giải quyết các trường hợp tai nạn lao động không làm đúng thủ tục, hồ sơ, trình tự, thời gian khai báo đã được quy định”.

Khai thác đá gây ô nhiễm môi trường.
Khai thác đá gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên trong hơn 2 năm qua, việc thực hiện các quy định tại Thông tư số 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT vẫn còn nhiều đơn vị vi phạm thời gian khai báo, điều tra, gửi biên bản điều tra cho các cơ quan quản lý, dẫn đến quyền lợi của người lao động sau khi bị tai nạn lao động không giải quyết được, gây khó khăn về đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, ảnh hưởng đến chính sách quy định của Nhà nước, tạo dư luận không tốt trong xã hội.

Trước tình trạng tai nạn khai thác mỏ đá tăng cao, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ thị yêu cầu cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra giám sát quy trình vệ sinh an toàn lao động tại các khu mỏ đá. UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng trong tháng 11-2015 cần tổ chức đoàn kiểm tra và đề xuất biện pháp chấn chỉnh và xử lý với các chủ mỏ thiếu trách nhiệm để xảy ra tai nạn. Trước mắt UBND tỉnh yêu cầu thu hồi giấy phép đối với các cơ sở khai thác đá vi phạm vệ sinh an toàn lao động, để xảy ra chết người.

Từ các vụ tai nạn khai thác đá vừa xảy ra trên địa bàn, vấn đề đặt ra là công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn lao động nói chung và tại các mỏ đá nói riêng chưa tốt. Nói về vấn đề này, đồng chí Trần Văn Tuân, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc xử lý của cơ quan chức năng thời gian qua đối với chủ mỏ vi phạm chưa nghiêm. Trách nhiệm của chủ mỏ ở đâu khi để xảy ra tai nạn?

Còn đối với những người lao động trực tiếp làm nghề khai thác đá, họ chưa thực sự xem tai nạn chết người là bài học xương máu cho bản thân mình. Nhân đây, chúng tôi đề nghị mỗi một người làm nghề khai thác đá trước hết tự mình phải coi trọng tính mạng của bản thân, phải thực hiện đầy đủ quy trình vệ sinh an toàn lao động. Có làm được như vậy mới hạn chế được tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Trọng Thái