.

Hiểm họa từ vi phạm tốc độ giao thông

Thứ Hai, 09/11/2015, 08:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Chạy quá tốc độ quy định dường như đã trở thành thói quen của nhiều người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định mức phạt lỗi chạy quá tốc độ đối với người đi mô tô, xe máy như sau: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu có hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến dưới 10km/h; phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu có hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10km/h đến 20km/h; phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng nếu có hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h.

Người điều khiển ô tô bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng nếu điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5km/h đến dưới 10 km/h; phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10km/h đến 20km/h; phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng nếu điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20km/h đến 35km/h; phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35km/h.

Ngoài ra, tùy mức độ vi phạm mà người điều khiển có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 2 tháng.

Vi phạm tốc độ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông.
Vi phạm tốc độ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông.

Mặc dù biết vậy nhưng trên thực tế, vẫn còn khá nhiều người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm tốc độ quy định, kể cả xe ô tô lẫn xe mô tô, xe gắn máy, nhất là khi đã sử dụng rượu bia. Thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh cho thấy, trong rất nhiều những nguyên nhân để xảy ra tai nạn giao thông, nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, đi lấn đường, tránh vượt sai quy định, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông... Và có đến 70% số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển xe máy gây ra.

Do đó, xử lý vi phạm tốc độ được xác định là một trong những chuyên đề lớn được lực lượng CSGT trong tỉnh chú trọng, thực hiện thường xuyên, liên tục, nhằm kịp thời ngăn chặn nguy cơ tai nạn xảy ra. Và để hạn chế tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông, cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức trong đó có dán hình ảnh, chiếu phim về các vụ tai nạn liên quan đến lỗi chạy quá tốc độ nên tình trạng vi phạm tốc độ có chiều hướng giảm trong những năm qua.

Cụ thể, năm 2013, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã xử phạt 6.646 trường hợp trong đó xe khách 1.890 trường hợp, xe tải 1.126 trường hợp, xe con 1.327 trường hợp, xe máy 2.303 trường hợp; năm 2014 xử phạt 5.337 trường hợp, trong đó xe khách 1.458 trường hợp, xe tải 605 trường hợp, xe con 494 trường hợp, xe máy 2.780 trường hợp và trong 10 tháng đầu năm 2015 xử phạt 4.739 trường hợp, trong đó xe khách 1.056 trường hợp, xe tải 1.048 trường hợp, xe con 754 trường hợp và xe máy 1.881 trường hợp vi phạm tốc độ.

Qua tìm hiểu được biết, mỗi người vi phạm lỗi vượt quá tốc độ cho phép đều đưa ra đủ các lý do cho vi phạm của mình; nào là có công việc đột xuất, việc cần, do muộn thời gian dự họp; vội đi công tác... để lực lượng CSGT thông cảm. Thực trạng này cho thấy ý thức chấp hành quy định về trật tự an toàn giao thông của không ít người dân còn thấp, mang tính đối phó. Điều đó sẽ càng nguy hiểm khi trên các tuyến từ quốc lộ đến đường giao thông nông thôn ở tỉnh ta có nhiều đường ngang, điểm đấu nối, khi đã chạy quá nhanh lại không chú ý quan sát thì rất dễ xảy ra tai nạn.

Để kiềm chế tai nạn giao thông nghiêm trọng do phóng nhanh vượt ẩu gây ra, người điều khiển mô tô, xe máy, ô tô trên bất kỳ tuyến đường nào cũng cần thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ, chạy đúng tốc độ quy định, đặc biệt, cần chú ý quan sát. Đơn vị chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường trọng điểm, điểm đen thường xảy ra tai nạn; để xử lý, hạn chế tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu...

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền bằng nhiều hình thức; nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân, gắn trách nhiệm của người lái xe với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông... góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.

Phạm Hà