.

Gắn bó với ruộng đồng

Thứ Hai, 09/11/2015, 14:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi gặp Trương Thị Thanh Nga – cô cán bộ Phòng Kỹ thuật Nông nghiệp - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong một chiều Nhật Lệ trở gió. Cô thạc sỹ trẻ cứ kể mãi về chuyện lúa, chuyện ngô, chuyện những dự án khoa học trên đồng ruộng mà mình đang ấp ủ với ánh mắt lấp lánh tự hào.

Trong 150 thanh niên tiêu biểu được tuyên dương tại Lễ trao giải thưởng Lương Định Của năm 2015 của Trung ương Đoàn, Trương Thị Thanh Nga là thạc sỹ duy nhất được biểu dương thành tích xuất sắc trong chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Sinh năm 1987, năm 2012, Thanh Nga trúng tuyển vào Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình theo chính sách thu hút nhân tài của tỉnh. Được đào tạo bài bản tại Trường đại học Nông lâm Huế và có thời gian tham gia khóa đào tạo thực hành nghề tại Nhật Bản, Nga hoàn toàn tự tin và háo hức thể nghiệm chuyên ngành trồng trọt của mình tại vị trí công tác mới. Bằng tất cả những kiến thức được bồi đắp cùng niềm đam mê nghiên cứu sẵn có, Nga đã mạnh dạn tham mưu cho lãnh đạo sở xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn trên ớt”.

Sau những ngày miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, đi hết địa phương này đến vùng quê khác để tìm hiểu, mong muốn ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm chuyển đổi diện tích các chân đất lúa kém hiệu quả sang trồng ớt, đưa các giống ớt mới vào canh tác của cô thạc sỹ trẻ đã thành hiện thực. Cánh đồng mẫu lớn 450 ha trồng ớt đã được 5 doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm, với giá bình quân 8.500 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí sản xuất, người dân lãi 50,6 triệu đồng/ha, gấp 2,34 lần so với trồng lúa. Nhưng có lẽ, niềm vui lớn nhất của Nga là từ nay, người nông dân trồng ớt không còn phải loay hoay tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình. Và ngày hôm nay, cây ớt đã và đang tạo được nguồn thu lớn, ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo ở các huyện vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn Tuyên Hóa, Minh Hóa.

 Trương Thị Thanh Nga nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng năm 2015.
Trương Thị Thanh Nga xuống đồng kiểm tra canh tác giống mới.

Dự án mà Thanh Nga tâm đắc nhất là mô hình thâm canh lúa cải tiến (SRI) ở các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch mà cô đã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo và triển khai thực hiện. “Đây là mô hình thử nghiệm với phương thức canh tác mới: giảm lượng giống gieo, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới, giảm tối đa các chi phí đầu vào. Sau thời gian sản xuất thử nghiệm, mô hình đã giúp người nông dân tăng năng suất từ đó tăng thu nhập từ 3 - 6 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà. Ngoài ra, phải kể đến những hiệu ứng tích cực của phương pháp canh tác cải tiến lúa SRI đó là hạn chế được việc sử dụng hóa chất trong sản xuất: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, cô thạc sỹ trẻ say sưa chia sẻ.

Gắn bó sâu nặng với người nông dân Quảng Bình nên Thanh Nga hiểu rằng điều mà những con người quanh năm “chân lấm, tay bùn” này trăn trở nhất là sau mỗi vụ thu hoạch, họ vẫn chưa thể tự tìm được một doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Nên đằng sau niềm vui được mùa vẫn canh cánh lắm nỗi lo.

Hiểu được những tâm tư đó, cô cán bộ nông nghiệp Trương Thị Thanh Nga đã không quản ngại khó khăn, nhiệt tình mời Doanh nghiệp Hoàng Phương đứng ra bao tiêu sản phẩm lúa SRI cho nông dân, bước đầu xây dựng thương hiệu “Gạo sạch SRI” và hướng đến sản xuất hàng hóa, xây dựng nông nghiệp bền vững.

Hiện nay, Thanh Nga đang cùng với Tổ chức phát triển Hà Lan SNV và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế CIAT thực hiện dự án “Công ty kinh doanh cùng người nghèo trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn - IBC”. Trên cơ sở xây dựng các vườn thí nghiệm trồng xen (sắn trồng xen lạc), phân bón và giống (KM -987, KM21-12, Rayong9, Rayong72) tại hai huyện Quảng Ninh và Bố Trạch dự án tiến đến xây dựng quy trình thâm canh sắn tại Quảng Bình. Đồng thời phối hợp với Công ty CP Đầu tư và phát triển Long Giang Thịnh và Nhà máy xuất khẩu tinh bột sắn Sông Dinh thực hiện các giải pháp để xây dựng chuỗi giá trị sắn bền vững.

Trương Thị Thanh Nga xuống đồng kiểm tra canh tác giống mới
Trương Thị Thanh Nga nhận Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng năm 2015.

Song song với công tác chuyên môn, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ nhằm ứng dụng, chuyển giao cho người nông dân, Trương Thị Thanh Nga đã tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ có ý nghĩa thiết thực như chủ trì triển khai đề tài nghiên cứu với nội dung “Đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển cao su tiểu điền Quảng Bình”. Thông qua đề tài đã làm rõ hiện trạng và một số giải pháp phát triển cao su tiểu điền - cây trồng có giá trị kinh tế cao, là nguồn “vàng trắng” quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Đề tài đặc biệt có ý nghĩa khi cơn bão số 10 năm 2013 vừa qua đã gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình gần 40% diện tích mất trắng trong tổng số gần 90.000 ha cây cao su đại điền, tiểu điền của tỉnh nhà.

Cô còn tham gia thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật theo hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất lúa chất lượng tại Quảng Bình” nhằm chuyển giao cho đoàn viên thanh niên nông thôn, người dân một số thông tin, kiến thức về biến đổi khí hậu - một trong những vấn đề nóng hiện nay; đồng thời đưa ra những giải pháp giúp người dân địa phương thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp hiện nay.

Khi phần đa bạn bè cùng trang lứa hào hứng chinh phục những vùng đất mới thì cô thạc sỹ trẻ Trương Thị Thanh Nga lại quyết định gắn bó với quê nhà cùng một tình yêu bền chặt với ruộng đồng. Niềm vui của cô là được nhìn thấy những mùa vàng trĩu hạt, là niềm hạnh phúc rạng ngời trên từng khuôn mặt đen sạm của người nông dân quê mình. Niềm vui ấy là động lực thôi thúc Thanh Nga bước những bước vững vàng trên con đường chinh phục khoa học công nghệ, phục vụ lợi ích cho người nông dân, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên quê hương.

Lê Tâm
   (Tỉnh đoàn Quảng Bình)