.

Đào tạo nhân lực có trình độ kỹ thuật: Khi nhà trường "bắt tay" với doanh nghiệp...

Thứ Ba, 10/11/2015, 10:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong khi các đơn vị sử dụng lao động gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có trình độ kỹ thuật như ý muốn, thì chính các trường nghề cũng phải tự mình xoay xở, chật vật “gánh” cả khâu đầu vào lẫn đầu ra cho người học. Nghịch lý này đòi hỏi các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp cần "bắt tay" liên kết chặt chẽ với nhau trong đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo.

Anh Nguyễn Thanh Sang, Giám đốc Công ty CP hóa chất và cao su COSEVCO (Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới) không ngần ngại chia sẻ, có vẻ như người lao động ở tỉnh ta thuộc dạng “chảnh” và khó tuyển dụng. Tháng 7-2014, công ty đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất khí công nghiệp Acetylen và khí o-xy, nên cần tuyển số lượng khoảng 4 đến 5 lao động, với mức lương từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Công ty đã chủ động liên hệ với Trường trung cấp kỹ thuật Công nông nghiệp để được giới thiệu và tuyển dụng, tuy nhiên những người được giới thiệu gần như không mặn mà lắm. Dự kiến đầu năm 2016, Công ty CP công nghệ vật liệu không nung sẽ được thành lập do anh Sang trực tiếp quản lý, sẽ tuyển dụng khoảng 10 lao động, tuy nhiên nếu với tình trạng này không biết có tuyển dụng được lao động hay không?

Đề cập đến vấn đề liên kết tuyển dụng lao động đã được đào tạo nghề, anh Sang cho biết, trừ các công việc cần lao động phổ thông, còn ở các công việc cần đến yếu tố kỹ thuật, vận hành, nếu tuyển được lao động đã qua đào tạo nghề thì quá tốt, bởi đây là nguồn nhân lực có kỹ thuật và tay nghề, nên doanh nghiệp sẽ không mất nhiều thời gian đào tạo lại.

Các học sinh theo học sửa chữa ô tô tại Trường trung cấp Nghề số 9.
Các học sinh theo học sửa chữa ô tô tại Trường trung cấp Nghề số 9.

Trường trung cấp kỹ thuật Công nông nghiệp là một trong những cơ sở đào tạo kỹ thuật đa ngành nghề và đa bậc học quy mô của tỉnh ta. Những năm qua, bên cạnh việc ưu tiên tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, trường luôn đa dạng hóa ngành nghề, hình thức đào tạo, liên kết đào tạo nhằm thu hút thanh niên, người lao động tham gia học nghề, góp phần tích cực vào việc "cung ứng" đội ngũ lao động có trình độ kỹ thuật cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Trên cơ sở xác định rõ mục tiêu đào tạo và nắm bắt nhu cầu thực tiễn sản xuất, thị trường lao động, trường luôn chủ động đổi mới nội dung, chương trình và hình thức đào tạo, gắn đào tạo ở nhà trường với thực tế công việc ở các cơ sở sản xuất, nhằm tạo điều kiện cho học sinh có đủ khả năng làm việc sau khi ra trường.

Bên cạnh đó, trường đã chủ động đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tìm đầu ra cho học sinh sau khi tốt nghiệp. Tháng 7-2015, trường đã tổ chức hội nghị giới thiệu việc làm cho gần 200 học sinh đã tốt nghiệp cùng với sự tham gia phỏng vấn tuyển dụng của 8 đơn vị, doanh nghiệp như: Công ty Li Lama 5, Li Lama 45.1, Li Lama 7 (thuộc Tổng Công ty lắp máy Việt Nam), Công ty Sông Đà-Thăng Long, Tập đoàn Trường Thịnh,... Tại hội nghị này, đã có 73 học sinh được tuyển dụng, với mức lương “mơ ước” bình quân từ 5 triệu đồng đến 9 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Hùng Phi, Quyền Hiệu trưởng Trường trung cấp kỹ thuật Công nông nghiệp cho biết, hiện nay, số lượng học sinh theo học các ngành như kỹ thuật điện dân dụng-công nghiệp, cơ khí-động lực, giao thông, xây dựng... rất hạn chế, trong khi nhu cầu của thị trường lao động lại rất lớn. Để thu hút người học, bên cạnh việc nâng cao chất lượng tuyển sinh, nhà trường còn tích cực mở rộng tìm đầu ra cho học sinh sau đào tạo.

Hàng năm, nhà trường phải chủ động phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức các hội nghị giới thiệu việc làm. Qua đó, nhà trường có điều kiện nắm bắt và cập nhật được các yêu cầu, điều kiện của thị trường lao động. Đồng thời, các đơn vị sử dụng lao động có cơ hội tuyển dụng được nguồn lao động có kỹ năng, tay nghề sát với thực tế việc làm tại đơn vị.

Cũng theo ông Nguyễn Hùng Phi, các công ty, tập đoàn lớn có yếu tố nước ngoài thường có nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo với số lượng lớn, còn các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn tỉnh ta, do quy mô nhỏ và vừa nên nhu cầu tuyển dụng rất ít và nhỏ lẻ.

Tuy vậy, trong những năm sắp tới, cùng với việc tiếp tục mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề, hình thức đào tạo, nhà trường sẽ tiếp tục khảo sát, nghiên cứu thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, gắn đào tạo với nhu cầu sản xuất của các công ty, doanh nghiệp, cũng như nhu cầu thực tiễn của các cơ sở sản xuất.

Nhiều năm qua, Trường trung cấp Nghề số 9 được coi là “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch của tỉnh nhà. Các ngành đào tạo tại trường như: kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị khách sạn, nghiệp vụ nhà hàng luôn luôn là ngành "hot", đáp ứng kịp thời nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Chẳng những cung ứng nguồn nhân lực đã qua đào tạo, hàng năm, các công ty, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn còn chủ động phối hợp với trường để đào tạo, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho nhân viên của mình.

Tuy vậy, theo ông Lê Mạnh Sơn, Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghề số 9, thì "cung" vẫn không đủ "cầu". Nhiều đơn vị làm du lịch chủ động liên hệ "xin" học sinh đã tốt nghiệp nhưng trường không có. Bởi, phần lớn học sinh đăng ký theo học nghề tại trường, đều đã "nhắm" được nơi làm việc.

Rõ ràng, liên kết đào tạo nghề giữa các trường nghề và các công ty, doanh nghiệp là xu thế tất yếu hiện nay. Bởi, từ sự “bắt tay” liên kết này, sẽ tạo điều kiện cho các trường nghề có cơ hội nắm bắt được nhu cầu của thị trường lao động, từ đó có cơ sở để xây dựng chiến lược đào tạo phù hợp. Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp thừa hưởng được nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công việc mà không phải mất thời gian và kinh phí để đào tạo lại.

Mặt khác, nếu người học nghề có việc làm ổn định sau đào tạo, sẽ góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, qua đó, vị thế của các trường nghề và việc đào tạo nghề sẽ được nâng cao.

Dương Công Hợp