.

Nguy hiểm rình rập trên cây cầu huyết mạch

Thứ Hai, 09/11/2015, 10:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Ước mơ của người dân xã Trường Xuân là có một cây cầu Rào Đá mới hiện đại, vững chắc để không chỉ phục vụ cho họ mà còn phục vụ việc đi lại của khách du lịch khi đến với khu di tích lịch sử văn hóa núi Thần Đinh, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của một vùng núi khó khăn nhất nhì huyện Quảng Ninh...

Đối diện với hiểm nguy

Cầu Rào Đá, thuộc xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh là cây cầu bắc qua một nhánh sông Long Đại nối trung tâm xã với đường Hồ Chí Minh nhánh Đông. Sau hơn 20 năm phục vụ sinh hoạt cho hàng ngàn người dân xã Trường Xuân, hiện cầu đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do cây cầu đã quá cũ và hàng ngày phải oằn mình gánh tải trọng của các loại xe chở vật liệu xây dựng từ các mỏ đá, gỗ khai thác rừng trồng (keo, bạch đàn) và sắn... đi qua.

Trong mấy tháng trở lại đây, khi cây cầu có những dấu hiệu xuống cấp, các cơ quan chức năng đã buộc phải khống chế tải trọng, chiều cao của các phương tiện qua lại cầu Rào Đá. Chính vì thế, hoạt động của người dân và các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất của bà con nhân dân.

Ảnh 11 : Vì cầu Rào Đá xuống cấp nên các đơn vị chức năng đã hạn chế trọng tải và chiều cao đối với xe cơ giới qua lại cầu.
Vì cầu Rào Đá xuống cấp nên các đơn vị chức năng đã hạn chế trọng tải và chiều cao đối với xe cơ giới qua lại cầu.

Ông Trần Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết: Cây cầu Rào Đá này không chỉ phục vụ cho chỉ riêng người dân ở đây nữa mà còn phục vụ khách du lịch khắp nơi trong cả nước về với di tích lịch sử văn hóa núi Thần Đinh (di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh). "Một cây cầu xuống cấp, mặt đường gồ ghề, không có lan can, thành cầu thì liệu có bảo đảm cho việc đi lại của du khách, người dân hay không", ông Anh nhấn mạnh thêm.

Mới đây, Trung tâm kiểm định chất lượng Công trình xây dựng (Sở Xây dựng) đã tiến hành kiểm định và cho thấy chất lượng công trình này đã và đang nằm trong tình trạng báo động khẩn cấp. Kết quả kiểm định chỉ rõ: phần bệ trụ cầu thường xuyên ngập nước nên chịu ảnh hưởng việc xâm thực làm ăn mòn lớp bê tông bảo vệ. Một số trụ đã bị bong lớp bê tông bảo vệ làm cốt thép bị gỉ, đứt dẫn đến kết cấu giảm, yếu...

Mong muốn một cây cầu vững chắc

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Bí thư chi bộ thôn Rào Trù tâm sự: Thôn Rào Trù có 78 hộ dân với 333 khẩu, cuộc sống chủ yếu của người dân dựa vào việc trồng rừng kinh tế, trồng sắn... và làm công nhân tại các mỏ đá trên địa bàn. Tuy nhiên, từ khi các cơ quan chức năng hạn chế trọng tải xe qua cầu Rào Đá thì cuộc sống của người dân trong thôn gặp không ít khó khăn, nhất là việc tiêu thụ nông và lâm sản do mình sản xuất ra.

"Hiện nông sản, lâm sản của người dân đã đến mùa thu hoạch không thể bán được, thương lái ép giá xuống quá thấp do họ phải đội chi phí vận chuyển lên cao. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất đá trên địa bàn cũng sản xuất cầm chừng nên lực lượng lao động thủ công là người địa phương phải nghỉ việc... dẫn đến đời sống của người dân đã và đang gặp những khó khăn nhất định", ông Hiệp chia sẻ.

Không chỉ người dân ảnh hưởng vì cây cầu xuống cấp mà có khoảng 7 đơn vị kinh doanh các mỏ khai thác đá trên địa bàn cũng đang "đau đầu". Từ ngày hạn chế tải trọng của cầu, các công ty lâm vào cảnh khốn đốn khi khách hàng không đến mua đá tại các mỏ nữa, bởi việc vận chuyển phải tăng thêm quãng đường và đội giá thành bán ra tăng 20.000-30.000 đồng/1m3 đá.

Rõ ràng, ảnh hưởng của việc cầu Rào Đá xuống cấp đối với người dân cùng các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã Trường Xuân đã và đang hiện hữu. Chính quyền xã Trường Xuân và người dân mong muốn sớm được các cấp ngành liên quan xem xét để sửa chữa hoặc đầu tư cây cầu mới vững chắc có kiến trúc đẹp nhằm tạo cảnh quan, thu hút du khách và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng tại địa phương.

Vĩnh Quý-Ngọc Hải