.

Nơi ấy, Hang Còi... - Kỳ 2: Xóm Hang Còi làm kinh tế

Thứ Năm, 10/09/2015, 14:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Hồ Lừa, người con của núi rừng Trường Sơn với 55 tuổi Đảng cứ nhắc hoài câu nói: “Tui vẫn nhắc nhở con cháu Hang Còi phải làm ăn, để thoát đói, thoát nghèo! Làm để trả ơn Đảng, trả ơn Bác Hồ!” Và đúng như lời ông nói, dù cuộc sống của người Vân Kiều xóm Hang Còi đang ngồn ngộn những khó khăn, nhưng họ đã biết vươn lên để xây dựng một bản nhỏ tràn màu xanh sự sống ngay dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ.

>> Kỳ 1: Xóm “5 không”

Nghe có vẻ khó tin, nhưng nơi xóm nhỏ đầy khó khăn này, câu chuyện gánh máy tuốt lúa, máy xát lúa nặng cả vài trăm ký là hoàn toàn có thật. Câu chuyện ấy đã dẫn dắt chúng tôi quay ngược về với xóm Hang Còi cách đây gần hai thập kỷ. Ngày ấy, xóm núi heo hắt dưới chân núi này chỉ lèo tèo vài ba nóc nhà sàn lụp xụp.

Cái đói, cái nghèo khi ấy cứ bủa vây lấy cuộc sống của họ. Đói cái bụng nhưng người Hang Còi chỉ biết nương nhờ vào từng bát gạo cứu đói của chính quyền, rồi vào rừng khai thác gỗ trái phép. Cuộc sống tưởng chừng như mãi chật vật, lay lắt như thế cho đến một ngày...

Giữa những năm 90 của thế kỷ trước, được sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng, chính quyền xã đã cùng hỗ trợ đồng bào Vân Kiều xóm Hang Còi trồng cây lúa nước ngay trên chính mảnh đất họ đang sinh sống. May mắn thay, chẳng cần phải đi đâu xa, khi nguồn nước tưới tiêu luôn luôn sẵn có. Đó là một khe nước trong vắt chảy từ núi đá ra, uốn lượn quanh xóm Hang Còi, quanh năm vẫn ăm ắp nước.

Vậy là cây lúa nước như một cứu cánh để họ nuôi ước vọng về một cuộc sống không còn cái đói - thứ ám ảnh vẫn đeo bám họ suốt mấy chục năm trời. Dưới đôi bàn tay của đồng bào Vân Kiều, những mùa lúa bắt đầu trĩu hạt. Những hoài vọng đổi đời cũng bắt đầu được nhen nhóm lên từ đó.

Anh Hồ Văn Miết bên chiếc máy xát lúa.
Anh Hồ Văn Miết bên chiếc máy xát lúa.

Nơi bản làng heo hút này có một người đàn ông Vân Kiều không chịu cúi đầu chấp nhận khó khăn, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chính anh, đã táo bạo đầu tư máy móc, nông cụ hiện đại để phục vụ cho bà con dân bản. Đó là anh Hồ Văn Miết (41 tuổi). Thấy bà con vất vả với cối giã gạo, anh quyết định băng rừng ra thành phố với ý nghĩ “mua một cái máy mô đó to hơn, giã gạo mau hơn”.

Nghĩ là làm, anh đi thật! Nhưng mua được rồi, thì làm cách nào để đưa được cái máy to đùng đó về bản khi chẳng có đường? Vậy là anh thuê thợ tháo rời từng bộ phận, rồi nhờ bà con dân bản khiêng từng thứ về nhà.

Ngày đó, nghe chuyện anh Miết mua được cái máy xát lúa “to lắm, xát lúa ra ào ào”, cả xóm Hang Còi xôn xao, háo hức hẳn! Thanh niên, trai tráng phụ nhau khiêng máy về, còn người già, trẻ nhỏ cũng đi theo động viên gần cả năm chục người. Họ mừng cái bụng lắm! Lần đầu tiên, máy xát lúa nổ giòn giã giữa bản, cả xóm ai ai cũng rủ nhau đến xem, không sót một người. Rồi lần lượt máy tuốt lúa, máy làm đất, máy xẻ gỗ, máy cắt cỏ... cũng được anh Miết đầu tư mua về phục vụ dân bản. “Cái mô cũng phải tháo rời ra khiêng về rồi thuê người lắp lại”, anh hào hứng kể.

Nhờ sự táo bạo của anh mà cuộc sống của người Vân Kiều nơi đây đã vơi bớt đi những vất vả. Họ bắt đầu dành thời gian để tập trung vào việc chăn nuôi, trồng màu ngay trên chính mảnh đất của mình. Ông Nguyễn Thoan, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy nhớ lại, đó là đầu năm 2003, để thay đổi thói quen sống dựa vào rừng của bà con nơi đây, Đảng ủy xã đã chỉ đạo Chi bộ bản Còi Đá ra nghị quyết “ba không”: Không phá rừng, không mù chữ, không sinh con thứ ba; quyết tâm cùng bà con trong bản xây dựng bản làng thoát khỏi đói nghèo.

Thời gian đầu, việc triển khai nghị quyết gặp rất nhiều khó khăn, bởi những tập tục, thói quen đã ăn sâu vào từng nếp nghĩ. Vậy là cán bộ huyện, cán bộ xã, cùng các chiến sỹ biên phòng đã vào tận bản, đến tận nhà, bắt tay từng người để chuyện trò, nhắn nhủ. Đảng viên gương mẫu đi đầu, làm trước. “Mưa dầm thấm lâu”, người Hang Còi bắt đầu thấm dần nghị quyết ấy và họ quyết tâm làm theo.

Hơn 10 năm sau ngày nghị quyết “ba không” ra đời, cuộc sống của người Hang Còi đã bắt đầu đổi khác. Ngoài lúa nước, họ đầu tư dựng chuồng trại để chăn nuôi, cải tạo đất để trồng hoa màu. Từ một xóm nghèo đói, thiếu ăn, sống hoàn toàn lệ thuộc vào thiên nhiên, trông chờ vào từng hạt gạo cứu đói của Nhà nước, Hang Còi giờ đã có thể “tự cung tự cấp”.

“Chỉ thiếu gạo vô hai tháng giáp hạt”, Bí thư Chi bộ bản Còi Đá Hồ Văn Vừa thật thà. Giờ cả xóm có diện tích lúa nước gần 3 ha; đất vườn trồng sắn, lạc, ngô có đến 5 - 6 ha cùng hàng chục con trâu, bò, lợn... Hộ khá giả thì cũng có hơn chục con trâu thả rừng.

Ruộng lúa nước tươi tốt của bà con Vân Kiều ở xóm Hang Còi.
Ruộng lúa nước tươi tốt của bà con Vân Kiều ở xóm Hang Còi.

Dạo một vòng quanh xóm, giữa những mái nhà sàn ấm mùi khói bếp là những ruộng lúa nước xanh mơn mởn, những đồng lạc lên đều tăm tắp. Dọc con đường vào xóm, một đàn trâu nhẩn nha gặm cỏ, tiếng lục lạc leng keng giữa đại ngàn thăm thẳm.

Bức tranh ấy đã thực sự đổi gam màu sáng. Không đường, không điện, không nước sạch, không trạm y tế và không sóng điện thoại nhưng người Hang Còi đã biết khắc phục khó khăn để vươn lên thoát đói, dần đẩy lùi cái nghèo. Thách thức nhiều là thế nhưng 26 hộ thì giờ, cả xóm cũng chỉ còn 8 hộ nghèo.

Lúc chia tay, ông Hồ Lừa, Đảng viên 55 tuổi đảng ở xóm Hang Còi cứ nắm lấy tay từng người mà nhắn nhủ: “Bà con chưa có điện cũng có thể khắc phục được, nhưng chừ thì cần lắm một con đường để đi, tui già rồi, cần chi nữa, chỉ cần để bà con đi lại, các cháu đi học được thuận lợi, chứ mùa lụt thì cực khổ lắm”.

Lời già nói chợt nghe đã thấy chạnh lòng. Quay trở về con đường cũ để ra trung tâm xã, hình ảnh những vỏ hộp sữa nằm rải rác trên bụi cây ven rừng, trên từng kẹt đá lô nhô cứ làm chúng tôi ám ảnh. Phải rồi, dù con em Hang Còi vẫn được đến trường, dù bà con Hang Còi vẫn đang phải nỗ lực từng ngày để vươn lên thì họ vẫn cần lắm một con đường để đi, để đến trường và để hòa nhập!

Diệu Hương-Minh Hải

Lãnh đạo huyện Lệ Thủy cũng đã rất quan tâm đến bà con Bru - Vân Kiều nói chung và bà con ở Còi Đá nói riêng. Trước mắt, để tiếp tục hỗ trợ bà con bản Còi Đá, nhất là ở xóm Hang Còi đẩy mạnh sản xuất, ổn định cuộc sống, Huyện ủy, UBND huyện Lệ Thuỷ sẽ chỉ đạo Phòng NN và PTNT phối hợp với Phòng Dân tộc, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức hướng dẫn bà con thâm canh lúa nước trên 3ha ở Hang Còi; tiếp tục hỗ trợ giống lúa, đậu đỗ để bà con sản xuất.

Đồng thời, nhân rộng mô hình nuôi lợn Móng Cái ra các hộ dân trong bản; vận động 2-3 hộ có điều kiện để phối hợp với Phòng Dân tộc, Phòng NN và PTNT huyện hướng dẫn kỹ thuật nuôi thí điểm ong lấy mật.