.

Để nâng cao hiệu quả mô hình "Đoạn đường tự quản"

Thứ Ba, 08/09/2015, 16:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm trở lại đây, mô hình “Đoạn đường tự quản” của Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... đã thực sự trở nên quen thuộc với cuộc sống thường ngày của người dân nông thôn cũng như thành thị. Không chỉ bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh-sạch-đẹp của đường sá, mô hình còn góp phần gìn giữ an ninh trật tự, an toàn giao thông, hạn chế các tệ nạn xã hội, tạo sự đoàn kết, gắn bó trong các đoàn thể, cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả mô hình “đoạn đường tự quản” và giảm bớt tính hình thức, khuôn mẫu, chưa sâu sát, sẽ vẫn còn nhiều việc phải làm.

Hội Cựu chiến binh phường Hải Đình (TP.Đồng Hới) nhận trách nhiệm quản lý khu vực hồ Trạm từ năm 2010 đến nay. Bên cạnh tuyến đường Nguyễn Trãi và tuyến đường dạo quanh hồ Trạm, Hội Cựu chiến binh phường cũng đảm trách phần vệ sinh môi trường hồ Trạm với nhiều công việc nặng nề.

Ông Nguyễn Quốc Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hải Đình cho biết, nhận thức được trách nhiệm và vai trò của mình, anh em trong Hội rất tích cực tham gia công tác, từ bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, quản lý đánh bắt thủy hải sản trong lòng hồ cho đến nhân rộng hoa súng, ngăn cấm việc đổ rác thải, đất đá xuống lòng hồ.

Phần việc vất vả nhất chính là tuyên truyền cho người dân, cơ quan, đơn vị sống xung quanh hồ Trạm hiểu được tầm quan trọng của vệ sinh môi trường và hạn chế tối đa việc xả nước thải trực tiếp vào hồ. Hội Cựu chiến binh phường giao trách nhiệm cụ thể cho Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố 3 trực tiếp thực hiện, đồng thời thường xuyên có sự giám sát chặt chẽ của Ban lãnh đạo Hội.

Theo nhận định của ông Nguyễn Quốc Trường, từ khi Hội Cựu chiến binh phường bắt tay vào đoạn đường tự quản này, cảnh quan môi trường đã có sự chuyển biến rõ rệt, giảm hẳn tình trạng ô nhiễm, ý thức người dân được nâng cao, giảm hẳn việc đổ xả rác bừa bãi cũng như các tệ nạn xã hội khác. Hiện tại, Hội Cựu chiến binh phường tiếp tục phối hợp với Trung tâm công viên cây xanh Đồng Hới cùng quản lý, vận hành hồ Trạm.

Ông Phan Quang Trung, Trưởng ban Tuyên giáo, Hội Cựu chiến binh tỉnh chia sẻ, hơn 1.300 chi hội cựu chiến binh toàn tỉnh đều nỗ lực duy trì mô hình đoạn đường tự quản, vừa góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, môi trường xanh-sạch-đẹp, vừa giáo dục cho thế hệ trẻ ý thức với cuộc sống cộng đồng. Cái khó nhất hiện nay chính là việc nâng cao hơn nữa ý thức của người dân, để bà con cùng chung tay xây dựng mô hình, tránh tình trạng một số nơi “bỏ mặc” cho các cựu chiến binh, thiếu ý thức, trách nhiệm.

Đối với các chi hội phụ nữ cấp cơ sở, mô hình “đoạn đường tự quản” gắn liền với phong trào thi đua “Phụ nữ Quảng Bình chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Phường Bắc Lý là một trong những đơn vị tích cực đưa mô hình “đoạn đường tự quản” gắn bó mật thiết với thực tiễn. Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội LHPN phường Bắc Lý cho biết, từ 16 đoạn đường tự quản năm 2015, đến nay, phụ nữ phường Bắc Lý đã duy trì hiệu quả 36 đoạn đường tự quản. Trước đây, các đoạn đường tự quản được giao cho chi hội phụ nữ tổ dân phố, thì nay, nhiều đoạn đường được tin cậy giao tận tay cho các tổ hội phụ nữ tự quản. Mỗi tháng một lần, chị em cùng nhau dọn dẹp vệ sinh, phát quang cây cỏ, trồng cây xanh, hoa... ở đoạn đường mình phụ trách.

Vào dịp lễ, tết hay các ngày trọng đại, chị em lại càng tích cực và thường xuyên hoạt động hơn. Một trong những trọng tâm của việc quản lý đoạn đường tự quản ở phường Bắc Lý chính là chị em kêu gọi bà con đóng góp thắp sáng đường phố, vừa mang lại diện mạo mới cho phố phường, vừa góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, như: ma túy, mại dâm...

Nhiều chị em tổ dân phố đã có những sáng kiến hay trong quá trình triển khai mô hình, chẳng hạn chị em ở tổ dân phố 7 trồng hơn 100 cây bạch đàn, làm xanh mát cảnh quan, hay chị em ở tổ dân phố 5 lồng ghép hiệu quả hoạt động của mô hình “Đoạn đường tự quản” và mô hình “Câu lạc bộ gia đình không vi phạm pháp luật”... Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, đến cuối năm 2014, toàn tỉnh đã duy trì và nhân rộng hơn 1.400 mô hình “đoạn đường phụ nữ tự quản”, đồng thời tích cực truyền thông về công tác bảo dưỡng đường giao thông cho hơn 15.600 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ.

Bên cạnh những điểm sáng trong triển khai mô hình “đoạn đường tự quản”, chúng ta vẫn rất dễ bắt gặp không ít đoạn đường tuy được gắn biển tự quản của một đơn vị hay tuyến phố văn minh nhưng chất lượng và hiệu quả vẫn chưa cao. Vẫn còn đó tình trạng xả rác thải bừa bãi, lấn chiếm lòng lề đường của các chợ “cóc” vỉa hè hay súc vật chăn thả tràn lan gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan, nhất là ở khu vực nông thôn.

Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng của mô hình “đoạn đường tự quản”, đi sâu vào hiệu quả, tránh “bệnh hình thức”, rất cần sự rà soát, chấn chỉnh, đánh giá, xem xét cụ thể của các đơn vị thực hiện mô hình. Đồng thời, trách nhiệm của các Hội, chi hội đối với mỗi đoạn đường cần được phân công rõ ràng, cụ thể hơn và tăng cường sự giám sát của lãnh đạo cấp trên, cũng như cần có sự khen thưởng xứng đáng với những cá nhân, tập thể có thành tích.

Mai Nhân