.

Nơi ấy, Hang Còi...

Thứ Tư, 09/09/2015, 16:51 [GMT+7]

Kỳ 1: Xóm “5 không”

(QBĐT) - Gặp Hồ Văn Vừa, Bí thư chi bộ bản Còi Đá ngay trung tâm xã Ngân Thủy. Người đàn ông có mái tóc xoăn khét lẹt mùi nắng cười hiền lành: “Anh chị cứ đi theo tui sẽ không sợ bị lạc giữa rừng. Đi một lần cho biết cái cực, cái khổ của bà con”. Nghe vậy là chúng tôi vào Hang Còi. Nơi ấy, 157 bà con dân tộc Vân Kiều đang từng ngày vật lộn với khó khăn để vươn lên cắm bản giữa mênh mông đại ngàn.

Len rừng vào bản

Một ngày trời nắng ráo, tôi cùng một anh cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Lệ Thủy và cô bạn cũ là thành viên một nhóm thiện nguyện ở Đồng Hới hẹn nhau lên với xóm Hang Còi, thuộc bản Còi Đá (xã Ngân Thủy, Lệ Thủy). Anh Hồ Văn Vừa nhìn chúng tôi đầy e ngại: “Có nhiều đường vô với xóm Còi lắm nhưng mấy đường tê sợ hai chị đi không nổi nên chọn đường dễ nhất để đi, bắt đầu từ bản Khe Sung”.

Con đường “dễ nhất” mà anh Bí thư chi bộ nhắc đến lại không dễ dàng như chúng tôi tưởng tượng. Đó là một lối mòn nhỏ len lỏi, uốn lượn trong rừng với lởm chởm đá sỏi. Những con dốc gồ ghề, trơn trượt. Có những lối đi chỉ hoàn toàn là những tảng đá lớn xếp chồng lên nhau. Nhiều lúc, chúng tôi phải nắm lấy tay nhau rồi lần mò, chậm rãi trườn lên từng tảng đá to sừng sững và đầy thách thức trước mặt.

Nhìn những tảng đá bị bào mòn, những thân cây khẳng khiu giữa suối bị gãy đôi nằm khô queo, mới tưởng tượng ra mùa lũ, nơi này, nước cuồn cuộn chảy xiết đến thế nào. Khi ấy, vượt qua được đó là cả một sự liều lĩnh và là thử thách quá lớn với bà con nơi đây.

Hồ Văn Vừa với dáng người nhỏ thó nhưng bước đi thoăn thoắn, chốc chốc quay lại nhìn chúng tôi, rồi nở nụ cười rất lành: “Đường cực ri nhưng con em Hang Còi vẫn đi lại thường xuyên để đến trường đó chị”. Nhìn những vỏ hộp sữa nằm rải rác hai bên lối đi, chúng tôi đoán chắc hành trình tìm đến với con chữ Bác Hồ của con em dân tộc Vân Kiều nơi đây muôn vàn khó khăn. Chợt nghĩ đã thấy chạnh lòng...

Đường vào xóm Hang Còi lởm chởm đá tảng.
Đường vào xóm Hang Còi lởm chởm đá tảng.

Gần một giờ đồng hồ len lỏi giữa màu xanh thăm thẳm của rừng, đôi chân bắt đầu rã rời bởi leo dốc đá, nhưng nhìn những nếp nhà sàn nằm quây quần bên nhau, khói bếp tỏa ra ấm nồng, mọi mệt nhọc của cuộc hành trình dần tan biến. Già làng Hồ Thâm (85 tuổi) đón chúng tôi bằng cái ánh nhìn ấm áp. Đôi bàn tay thô ráp của già cứ nắm lấy đầy tin yêu: “Vui lắm! Bà con Hang Còi vui lắm!”. Rồi già kể, bà con Hang Còi sống ở đây đã mấy đời, từ buổi đầu chống Mỹ. 26 hộ nhưng phần đông đều là bà con, anh em với nhau nên cái tình ấm áp lắm! Mọi cực nhọc của từ buổi ban sơ cho đến hôm nay họ vẫn cùng nhau sẻ chia, cùng nhau nếm trải.

Bản Còi Đá gồm có hai khu vực là Rào Đá và Hang Còi, cách nhau khoảng gần 10km đường rừng. So với Rào Đá, xóm Hang Còi còn muôn vàn khó khăn khi không có đường, không có điện, không có nước sạch, không có trạm y tế và hiển nhiên là không có sóng điện thoại. Giữa muôn trùng vất vả, người Hang Còi phải tự vật lộn với thử thách khắc nghiệt để sống. Và điều mà bà con nơi đây tha thiết cần là một con đường để đi, để đến trường và để hòa nhập. Ngồn ngộn những khó khăn cũng từ đó mà ra. Không có đường, trạm y tế cũng xa xôi, những lúc có người bệnh nặng, lại phải thay nhau khiêng cáng, vượt rừng. Đã có trường hợp bệnh nhân chết ngay giữa rừng khi đang trên đường đưa đến trạm xá. Rồi chuyện nước sinh hoạt, cả xóm dùng chung nguồn nước suối từ khe đá chảy ra. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa, nước đục ngầu, cáu bẩn.

Khó nhọc học chữ

 

 Muốn đến trường, trẻ mầm non ở Hang Còi phải được bố mẹ cõng đi
Muốn đến trường, trẻ mầm non ở Hang Còi phải được bố mẹ cõng đi

Những ngày mưa lũ, những con đường rừng nước cuồn cuộn chảy, hầm hè, hung hãn. “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”, xóm Hang Còi bị cô lập giữa lưng chừng núi, giữa mênh mông nước lũ. Lũ ngăn cách đời sống của người Hang Còi với thế giới bên ngoài và cũng ngăn luôn bước chân đến trường của những đứa trẻ Vân Kiều nơi đây. Ngày thường, các em phải băng rừng, lội suối, thì về mùa lũ, con đường đến trường càng xa vời hơn. Học sinh ở xóm Hang Còi từ lớp 3 đến lớp 9 phải học nội trú ở Trường PTDT bán trú tiểu học và THCS Ngân Thủy. Sáng thứ 2 các em rủ nhau len giữa rừng đến trường, rồi chiều thứ 6 lại cũng trên con đường ấy, sấp ngửa về đến nhà. Chẳng biết con đường ngồn ngộn đá sỏi ấy dài bao nhiêu km, vì nói như Hồ Văn Vừa thì “có biết tính răng mô” nhưng chỉ biết, khi những đứa con học xa về được đến nhà thì mặt trời cũng vừa gác núi.

Nhắc đến việc học của con cháu Hang Còi, già làng Hồ Thâm trầm tư lắm: “Mấy cháu lớp 1, 2 thì học tại điểm trường Rào Đá, không có nội trú, nên phải xin ở lại nhà bà con bên nớ. Mấy cháu mầm non thì cha mẹ hắn phải cõng đi học. Chớ để tụi hắn tự đi răng được”. Anh Hồ Văn, con trai già làng Hồ Thâm cũng đã mấy năm trời cõng con vượt núi đi học mầm non. Sáng cõng đi, chiều lại lọc tọc đến cõng con về. Ngày nắng còn hăng hái, nhưng ngày mưa, thì coi như ngày đó nghỉ hẳn. Bà con Hang Còi thương con lắm, cũng muốn con được đi học đều, nhưng đường xa, lại vất vả quá nên nhưng những đứa trẻ mầm non nơi đây chẳng có điều kiện đến trường thường xuyên được.

Thầy Võ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH và THCS Ngân Thủy trăn trở nhiều: “Các cháu Hang Còi không mấy cháu được học mầm non, lại không biết được tiếng phổ thông nên khi vào học lớp 1, các thầy cô cũng vất vả lắm. Còn các em ở nội trú thì cứ hễ chiều thứ 6 trời mưa, là thầy cô chúng tôi lại phải giữ chân các em ở lại trường, chứ đi về cực kỳ nguy hiểm”.  

Dẫu con đường đến với con chữ Bác Hồ còn quá nhiều trắc nhở, nhưng người Vân Kiều nơi xóm núi heo hút này vẫn một lòng quyết tâm để con mình được đến trường và nuôi một ước vọng rằng mai này, con cái họ sẽ có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, văn minh hơn. Cái ước ao ấy cũng đẹp như cái cách mà họ vẫn từng ngày, từng giờ khắc phục những khó khăn để ổn định cuộc sống, xây dựng một bản nhỏ đầy màu xanh sự sống ngay dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Diệu Hương – Minh Hải

Kỳ 2: Xóm Hang Còi làm kinh tế