.

"Lợn nhà" ra phố

Thứ Tư, 09/09/2015, 15:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Vừa ngại vào chợ vì đỡ mất phí lại nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng là muốn sử dụng thực phẩm sạch, nên thời gian qua trên địa bàn TP. Đồng Hới xuất hiện rất nhiều điểm bán thịt "lợn nhà" tự phát. Những người bán hàng thường chọn những điểm ngã ba, ngã tư hoặc các tuyến đường đông người qua lại để rao bán thịt lợn, làm mất mỹ quan và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước tình trạng thực phẩm nói chung có xu hướng được nhà cung cấp sử dụng hoá chất xử lý trước khi đưa ra thị trường, nên người tiêu dùng thường chọn giải pháp an toàn là tìm đến nguồn thực phẩm sạch. Đó là các loại rau, củ, quả, thịt, cá, trứng gà... được các hộ gia đình nuôi trồng nhỏ lẻ tại nhà mang ra chợ bán hay các điểm mua bán tự phát như đã nói ở trên.

Anh Nguyễn Ngọc ở tổ dân phố 3, phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới) cho hay: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, hàng ngày chúng tôi đều thấy lực lượng chức năng bắt giữ được rất nhiều vụ vận chuyển thực phẩm bẩn đi tiêu thụ, đồng thời các loại rau xanh, củ quả... có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng lại kèm theo các chất bảo quản độc hại làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, đặc biệt là trẻ em.

Một điểm bán thịt
Một điểm bán thịt "lợn nhà" tự phát trên địa bàn TP. Đồng Hới.

Bên cạnh đó, tại các điểm chăn nuôi, giết mổ hiện tượng thịt bị bơm nước, chất tạo nạc, thuốc an thần, cám tăng trọng...; rau, củ, quả có chứa chất cấm ngày càng phổ biến. Do vậy, tôi thường chọn những loại hàng hoá do các doanh nghiệp Việt Nam uy tín sản xuất hoặc do các gia đình quanh vùng làm ra để mong giảm thiểu đến mức thấp nhất rủi ro do thực phẩm mang lại.

Còn bà Hoàng Thị Minh ở tổ dân phố 7, phường Nam Lý (TP. Đồng Hới) cho rằng, do gia đình có khoảnh vườn nên tôi tranh thủ thời gian để trồng thêm rau màu, nuôi lợn, gà... nhằm "tự cung tự cấp" cho các thành viên trong nhà. Vừa tiết kiệm được chi phí chợ búa, vừa có nguồn thực phẩm sạch để bảo đảm sức khoẻ trước sự vây bủa của các chất độc hại đang có xu hướng gia tăng trong thành phần của thực phẩm.

Ngoài ra, khi sử dụng không hết tôi mang ra chợ bán hoặc nhắn qua bà con lối xóm để họ đến mua. Trong nhà bà Minh còn có đàn lợn 3 con, hàng ngày bà đều đến các nhà láng giềng để xách đồ ăn dư thừa về nuôi vỗ béo. Cứ vài tháng bà lại giết thịt một con lợn mà không qua sự kiểm dịch của lực lượng thú y, không cần đến các điểm giết mổ tập trung, lượng thịt lập tức được tiêu thụ hết ngay tại nhà.

Trong vai người mua thịt lợn, chúng tôi ghé vào điểm bán thịt "lợn nhà" của chị Cao Thị Hiên (tổ dân phố 5, phường Bắc Lý) được bày bán trên tuyến đường đến chợ Công Đoàn. Chỉ với một tấm vải bạt trải trên nền đất, sọt chứa đồ, một cái cân, vài ba con dao và khoảng 10kg thịt lợn... là chị Hiên đã hình thành nên một chỗ bán hàng lưu động.

Với lời quảng cáo thịt lợn "của nhà làm được" nên nhiều người dân đi chợ buổi sáng đã ghé vào hàng thịt lợn tự phát của chị Hiên để trả giá mua bán rất nhanh chóng, mặc kệ khói bụi do xe máy qua lại. Tuy nhiên đó có phải là thịt "lợn nhà" thật sự hay không vẫn là một câu hỏi khó trả lời, bởi vì nguồn cung cấp không được cơ quan chức năng kiểm chứng.

Thiết nghĩ, sử dụng thực phẩm sạch, cũng như việc nuôi trồng cây con làm nguồn cung cấp ra thị trường là nhu cầu tất yếu hiện nay, nên các cơ quan chức năng cần có những động thái rõ ràng, kiên quyết để bảo đảm quyền lợi về kinh tế, sức khoẻ, môi trường... của người dân.

M.Văn