.

Khi người dân chung sức giữ gìn an ninh trật tự...

Thứ Sáu, 04/09/2015, 10:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, bên cạnh vai trò của các lực lượng chuyên trách, sự quan tâm và đồng lòng chung sức của người dân chính là nhân tố then chốt, quyết định thành công. Ở nhiều địa bàn cơ sở của tỉnh ta, bà con đã chủ động, tích cực, kiên trì xây dựng các mô hình bảo vệ an ninh trật tự, bảo đảm lối sống lành mạnh, văn minh, đoàn kết, gắn bó, mang lại hiệu quả cao và rất cần được nhân rộng.

Trong bối cảnh tình hình an ninh trật tự ở nông thôn còn nhiều phức tạp, đặc biệt là nạn trộm cắp chó, mèo về đêm, thôn Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh) đã lập 4 thanh chắn tại các con đường giao thông huyết mạch của thôn. Những gác chắn này được triển khai từ tháng 4-2013 do tổ tự quản thôn trực tiếp quản lý. Tổ tự quản gồm 20 người do đồng chí Bí thư Đảng ủy bộ phận thôn làm tổ trưởng, Trưởng thôn làm tổ phó. Tổ tự quản giám sát các gác chắn thường xuyên, liên tục trong ngày, sau 22h, thanh chắn được hạ xuống, chỉ những trường hợp cần thiết mới được ra vào thôn.

Bên cạnh đó, các thành viên tổ tự quản cũng thường xuyên tuyên truyền, nêu cao ý thức cảnh giác bảo vệ tài sản cho bà con trong thôn. Kể từ khi có gác chắn, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông của thôn ngày càng ổn định hơn, hạn chế tối đa nạn trộm cắp chó, mèo vào ban đêm. Đây là một mô hình tự quản hiệu quả, sáng tạo, phát huy nhận thức, tinh thần tự giác, đoàn kết của bà con trong nỗ lực giữ gìn an ninh trật tự địa phương và thực sự trở thành “vành đai” bảo vệ làng chắc chắn nhất.

Hội Cựu chiến binh phường Hải Đình duy trì hoạt động của Câu lạc bộ “Phòng chống tệ nạn xã hội” từ tháng 7 năm 2014. Ông Nguyễn Quốc Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hải Đình chia sẻ, Hải Đình có chợ Đồng Hới hoạt động nhộn nhịp và có một số điểm nóng về tệ nạn xã hội, nhất là mại dâm.

(QBĐT) - Trong công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, bên cạnh vai trò của các lực lượng chuyên trách, sự quan tâm và đồng lòng chung sức của người dân chính là nhân tố then chốt, quyết định thành công.
Những “vành đai” bảo vệ làng ở thôn Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh).

Do đó, câu lạc bộ ra đời nhằm mục đích tuyên truyền, vận động người dân về tác hại của các tệ nạn xã hội và nỗ lực là “cánh tay nối dài” hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc hạn chế tệ nạn xã hội trên địa bàn. Với 30 hội viên, câu lạc bộ được chia làm 5 nhóm, mỗi nhóm sinh hoạt 3 tháng/1lần, câu lạc bộ sinh hoạt 6 tháng/lần. Trọng tâm là tệ nạn mại dâm trên địa bàn, do đó, tới 25% hội viên câu lạc bộ là chủ các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn phường. Họ chính là những tuyên truyền viên tích cực nhất, đồng thời là “nguồn” cung cấp thông tin quan trọng cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội.

Một trong những hoạt động thường xuyên của Câu lạc bộ là tổ chức mời các đồng chí công an đến tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, kỹ năng cần thiết về phòng, chống tệ nạn xã hội, tập trung vào tệ nạn mại dâm, cho hội viên. Từ đó, các hội viên lại tiếp tục tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức đến mỗi người dân trong địa bàn của mình bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Theo ông Nguyễn Quốc Trường, khó khăn nhất hiện nay trong hoạt động của câu lạc bộ chính là duy trì nguồn kinh phí, bởi hầu hết nguồn kinh phí đều phụ thuộc vào Hội Cựu chiến binh phường. Thêm vào đó, các hội viên còn rất thiếu các kỹ năng vận động tuyên truyền và rất mong muốn được bồi dưỡng, từng bước nâng cao, hoàn thiện thêm. Mô hình đã góp phần phát huy vai trò của cựu chiến binh trong giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương và nêu cao tinh thần ý thức, tự giác trong người dân.

Có thể khẳng định, các mô hình bảo vệ an ninh trật tự từ trong lòng dân đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn sự bình yên của mỗi địa bàn dân cư. Đồng thời, mỗi một mô hình cũng chính là minh chứng cho sự đoàn kết, gắn bó giữa người dân trong cộng đồng, giữa cộng đồng và chính quyền các cấp trong nỗ lực chung vì hạnh phúc mỗi nhà, mỗi người. Theo thống kê từ UBND tỉnh, toàn tỉnh có trên 60 loại mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được xây dựng, phát triển ở 159 xã, phường, thị trấn và 62 cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường.

Trong thời gian tới, rất cần sự tổng kết, đánh giá về các mô hình như thế này nhằm mục đích đúc rút kinh nghiệm, tiếp tục nhân rộng những mô hình hiệu quả và có sự khen thưởng xứng đáng cho các tập thể, cá nhân có thành tích.

Mai Nhân