.

Cần giải pháp bền vững cho vấn đề nước sạch nông thôn

Thứ Ba, 01/09/2015, 08:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Tình hình nắng nóng kéo dài với những đợt nắng cao điểm liên tiếp vừa qua đã làm cho tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh ngày càng gay gắt, đặc biệt là khu vực nông thôn. Tuy nhiên những biện pháp giải quyết hiện tại đều mới chỉ mang tính tạm thời và để đáp ứng nhu cầu được sử dụng nước sạch của người dân rất cần các giải pháp bền vững, lâu dài...

Trong những năm trở lại đây, khí hậu có nhiều diễn biến phức tạp, hậu quả là người dân một số vùng trên cả nước phải chịu đựng những đợt nắng nóng kỷ lục, kéo dài với nền nhiệt độ luôn ở mức cao. Quảng Bình là một trong số những địa phương phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng hạn hán kéo dài.

Với nhiệt độ trong những đợt nắng cao điểm ở mức 38 đến 41 độ C làm cho sông suối, giếng nước của người dân cạn trơ đáy. Hàng ngàn hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, sản xuất vô cùng trầm trọng.

Đặc biệt là ở một số địa phương miền núi thuộc các huyện Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Minh Hóa và một số địa phương ở huyện Quảng Trạch, mặc dù sống giữa ngã ba sông nhưng lại “khát” nước sinh hoạt. Tại một số thôn ở xã: Đồng Hóa, Thạch Hóa, Tiến Hóa... thuộc huyện Tuyên Hóa, vì nguồn nước giếng đã cạn trơ đáy nên bà con phải dùng can chở nước từ một khe nhỏ cách nhà mấy cây số về dùng. Nguồn nước đã khan hiếm lại không bảo đảm vệ sinh nên bà con ở đây mặc dù rất lo lắng nhưng vẫn phải cắn răng sử dụng.

Nhiều hộ dân khu vực miền núi phải ra suối lấy nước uống trong mùa khô năm nay.
Nhiều hộ dân khu vực miền núi phải ra suối lấy nước uống trong mùa khô năm nay.

Trong khi đó, ở một số xã như Quảng Văn, Quảng Thuận... của thị xã Ba Đồn mặc dù sống hai bên bờ sông Gianh nhưng nguồn nước bị nhiễm mặn nên người dân phải bỏ tiền mua nước được chở từ các đò ở thượng nguồn về để ăn uống và sinh hoạt. Có một nghịch lí là sống giữa ba bên bốn bề là nước nhưng vẫn phải mua với giá luôn ở mức cao ngất ngưởng, khiến đời sống người dân đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.

Trước tình hình khô hạn kéo dài, chính quyền địa phương ở một số nơi cũng đã có nhiều biện pháp để khắc phục như sửa chữa các công trình cấp nước bị hư hỏng, khơi sâu thêm giếng đào, tăng cường các biện pháp trữ nước, tuyên truyền cho người dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước nhằm chủ động ứng phó với tình hình nắng nóng diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Tuy nhiên, những biện pháp trên chỉ là giải pháp tạm thời. Và để bảo đảm nguồn nước sạch đáp ứng đủ nhu cầu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân rất cần những giải pháp mang tính bền vững, hiệu quả. Theo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, để giải quyết được vấn đề thiếu nước sạch sinh hoạt và tiến tới mục tiêu đến năm 2020 có 90% dân nông thôn toàn tỉnh có nước sạch sinh hoạt, cần có những biện pháp đồng bộ, mang tính lâu dài.

Trong đó, điều đầu tiên phải chú ý đến nguồn gốc sâu xa của tình trạng hạn hán và giữ rừng chính là yếu tố quan trọng nhất. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải mạnh tay với tình trạng phá rừng, đồng thời khuyến khích và phát triển trồng rừng để tăng cường khả năng năng chứa và giữ nước.

Ngoài ra, công tác quản lý tài nguyên nước, phải cân đối việc khai thác sử dụng nước hợp lí cho các mục đích khác nhau trong từng thời gian, đặc biệt là nước dành cho ăn uống và sinh hoạt trong mùa khô. Hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm tràn lan, quá mức cho việc tưới tiêu. Công tác quy hoạch và xây dựng các hồ chứa nước với nhiều quy mô tùy vào nhu cầu của từng địa phương, tăng dung tích chứa, giữ nước của các công trình khai thác nước mặt mới bảo đảm được sự phát triển nguồn nước bền vững.

Ở những khu vực nguồn nước mặt thường xuyên bị cạn kiệt do ảnh hưởng của khí hậu, vùng có lượng mưa thấp và thời gian mùa khô kéo dài thì việc khai thác nước ngầm tầng sâu một cách hợp lý là biện pháp hết sức quan trọng. Chú trọng đầu tư xây dựng các công trình cấp nước bền vững, ít chịu tác động của yếu tố khí tượng như khai thác nước ngầm tầng sâu, khai thác nước từ các hồ chứa lớn để góp phần từng bước giải quyết tương đối triệt để tình trạng hạn hán nghiêm trọng xảy ra thường xuyên.

Đồng thời cần hỗ trợ các phương tiện giữ nước cho các đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách. Bên cạnh nguồn vốn của Việt Nam, cần tăng cường kêu gọi viện trợ ODA, sự trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ cho lĩnh vực cung cấp nước sạch nông thôn...

X.Phú