.

Cần bổ sung thuốc chữa bệnh cho Trạm quân dân y kết hợp bản Bãi Dinh

Thứ Sáu, 11/09/2015, 13:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Mặc dù nhu cầu khám và điều trị bệnh của người dân rất cao, nhưng nguồn thuốc chữa bệnh tại Trạm quân dân y kết hợp bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa (Minh Hóa) đang thiếu rất nhiều. Việc thiếu thuốc đã ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.

 

Tủ thuốc của Trạm xá quân dân y kết hợp bản Bãi Dinh ngày càng ít đi.
Tủ thuốc của Trạm xá quân dân y kết hợp bản Bãi Dinh ngày càng ít đi.

Để góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các xã biên giới, năm 1997, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã đầu tư xây dựng Trạm quân dân y kết hợp bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa (Minh Hóa).

Khi đi vào hoạt động, trạm đã tiến hành khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí và chăm sóc sức khoẻ cho người dân trên địa bàn rất tốt. Sau hơn 15 năm hoạt động, công trình đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

Để tiếp tục chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và Ban tổ chức Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn”-Báo Sài Gòn giải phóng đầu tư nâng cấp Trạm quân dân y kết hợp bản Bãi Dinh, với sự tài trợ 500 triệu đồng của Công ty SuntoryPepsico Việt Nam.

Tháng 5-2014, trạm đã được khánh thành đưa vào sử dụng với tổng diện tích sử dụng gần 100m2, gồm: 1 phòng khám, 3 phòng điều trị, 1 phòng ở cho cán bộ quân y biên phòng; có nhà tắm, nhà vệ sinh phục vụ cho bệnh nhân khi đến khám, điều trị tại chỗ. Từ khi hoạt động trở lại, trạm đã khám và điều trị, cấp thuốc cho hơn 1.000 lượt người; cấp cứu tai nạn giao thông, tai nạn lao động cho hàng chục trường hợp; phối hợp với Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh khám và cấp thuốc cho 4 bản/321 ca bệnh ngoài da...

Hiện nay, trung bình mỗi ngày có 5 đến 7 lượt người đến khám và điều trị bệnh tại trạm, nhưng nguồn thuốc để điều trị, cấp phát cho bà con quá ít. Qua tìm hiểu được biết, hàng năm, trạm chỉ được cấp một số ít cơ số thuốc từ Bộ chỉ huy BĐBP và các cơ quan y tế nhưng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ, chủ yếu là thuốc chống đau đầu, đau bụng, chống viêm...

Bên cạnh đó, vườn thuốc nam của trạm dù đủ các nhóm, loại nhưng diện tích vườn chật nên không trồng được nhiều. Đại úy Hoàng Văn Sơn, phụ trách trạm cho biết: “Hiện số thuốc của trạm “tiết kiệm” hết sức cũng chưa đáp ứng được 50% nhu cầu của người dân và có thể hết bất kỳ lúc nào nếu bệnh nhân đến khám, điều trị đông”.

Ông Hồ Teo, một người dân bản Ka Ai nói: “Nhiều lần, con tôi bị ốm phải đưa đến Trạm quân dân y kết hợp. Đến đây, cán bộ hỏi thăm và khám rất tận tình nhưng nhiều lần không có thuốc nên kê đơn cho tui đi mua ngoài, nhà nghèo như tui đâu phải lúc nào cũng có tiền mua thuốc”.

Do trạm xá không đủ thuốc cấp, đại úy Sơn phải kê đơn thuốc cho người dân mua ngoài. Tuy nhiên, phần lớn người dân trong khu vực đều thuộc diện hộ nghèo, đời sống hết sức khó khăn nên nhiều trường hợp không thể mua thuốc. Cũng do thiếu thuốc điều trị nên nhiều bệnh nhân buộc phải chuyển tuyến rất tốn kém hoặc chấp nhận vật lộn với bệnh tật...

Trước thực trạng thiếu thuốc, nhưng nhu cầu khám và điều trị bệnh của người dân tại Trạm dân quân y kết hợp Bãi Dinh rất lớn, rất mong các cơ quan, ban, ngành cùng toàn thể cộng đồng xã hội quan tâm, giúp đỡ.

X.V