.
Chuyện tuần này:

Bỗng nhiên rừng cháy (?!)

Thứ Tư, 08/07/2015, 20:54 [GMT+7]
Hiện trường một vụ cháy rừng ở TP Đồng Hới (Ảnh minh hoạ).
Hiện trường một vụ cháy rừng ở TP Đồng Hới (Ảnh minh hoạ).

(QBĐT) - Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra hiện tượng el nino khiến nắng nóng gay gắt, kéo dài nên nguy cơ cháy rừng rất cao.

Đặc biệt vào thời điểm đầu tháng 6-2015 cho đến nay, toàn bộ diện tích rừng của tỉnh được đặt trong tình trạng báo động cháy rừng cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Chính vì vậy ở một số địa phương thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Minh Hoá, thành phố Đồng Hới... đã xảy ra cháy rừng, thực bì, lau lách. Theo thống kê, toàn tỉnh đã xảy ra 28 điểm phát lửa, trong đó có 6 vụ cháy, gây thiệt hại trên 20ha rừng.

Nguyên nhân dẫn đến các vụ việc trên có thể rất nhiều nhưng tựu trung là do tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở chưa thường xuyên; vệ sinh rừng, dọn thực bì chưa được chú ý làm tốt trước khi vào mùa khô; việc tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra chưa thực sự hiệu quả khi một số người đến địa điểm cháy rừng "dường như" do hiếu kỳ, không có dụng cụ, không tích cực chữa cháy.

Trong đó đáng chú ý là vai trò của lực lượng chuyên trách về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy chưa được phát huy tốt, đó là nhận định từ thực tế các vụ cháy rừng vừa qua.

Điều đáng nói là trong các vụ cháy rừng, đã có 2 vụ việc có dấu hiệu bất thường rất cần sự vào cuộc của lực lượng chức năng để điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm. Có thể kể đến vụ cháy thực bì vào ngày 9-6 tại xã T.Đ và vụ cháy rừng thông (ngày 3-6) ở xã T.Tr với diện tích thiệt hại khá lớn, ngoài ra còn ảnh hưởng đến các khu rừng bên cạnh. Theo một số cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, khi các vụ cháy trên xảy ra thì lực lượng tại chỗ (trong 4 tại chỗ) của đơn vị, địa phương rất bị động, lúng túng và có cảm giác dường như họ bỏ mặc cho sự việc diễn ra.

Chỉ đến khi lực lượng quân đội, kiểm lâm và dân quân cơ động của địa phương lân cận "lao vào điểm nóng" thì họ mới tham gia chiếu lệ. Về hiện tượng này, những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực lâm nghiệp cho rằng, các vụ cháy trên được xác định nguyên nhân ban đầu là do chủ rừng đốt thực bì nhằm vệ sinh rừng sau khi khai thác.

Nghe qua thì có vẻ hợp lý, tuy nhiên vào mùa khô nhất là khi tình trạng báo động cháy rừng đang ở mức cao nhất, thì việc đốt thực bì sẽ bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức. Nhưng vì sao hiện tượng đó vẫn xảy ra?

Có thể lý giải như sau, dù là đang mùa khô nhưng thêm một thời gian nữa thời tiết ở tỉnh ta sẽ bước vào mùa mưa thì đó cũng là thời điểm của mùa trồng rừng mới. Nên việc "dọn dẹp vệ sinh rừng" vào mùa khô sau khi khai thác là phương án tiết kiệm nhất, bởi lẽ các chủ rừng sẽ bớt đi một khoản kinh phí thuê nhân công thu gom thực bì, phương tiện chuyên dụng đào lỗ trồng cây cũng sẽ di chuyển dễ hơn trên nền đất cứng...

Sẽ có rất nhiều nguyên nhân nữa dẫn đến hiện tượng "đốt rừng để trồng rừng", nhưng việc chậm trễ trong điều tra nguyên nhân để xử lý vi phạm sẽ khiến cơ quan quản lý nơm nớp với nỗi lo "bỗng nhiên rừng cháy" (?!).

T.M.Văn